Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Việt Dzũng, niềm thương nhớ khôn nguôi

1/ Việt Dzũng, niềm thương nhớ khôn nguôi

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-12-28




                          
                                              Ca nhạc sĩ Việt Dzũng
Em gửi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay

Gửi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đày

Gửi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang
Gửi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng

Con gửi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gửi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình
Những năm đầu thập niên 80 có lẽ không bài hát nào nổi tiếng, được biết và được hát nhiều tại hải ngoại như nhạc phẩm Một Chút Quà Cho Quê Hương, do Việt Dzũng sáng tác.

Trọn đời tranh đấu cho dân chủ

Sau năm 1975 hàng loạt thuyền nhân Việt Nam bỏ nước ra đi đã góp vào trang sử lưu vong của thế giới một chương mới mang tên Thuyền nhân Việt Nam. Vượt qua bão tố, thần chết và chia ly để rồi khi đến được bến bờ tự do những con người khốn khổ ấy lại đối diện với một bất hạnh khác, bất hạnh của kẻ lưu vong không biết bao giờ trở lại quê hương trong khi tại quê nhà cha, mẹ vợ hay chồng có khi là con cái, anh em vẫn ngày ngày mòn mỏi.
Việt Dzũng như hàng trăm ngàn thuyền nhân khác tận tụy làm việc để gửi về quê nhà những món quà nhỏ bé mà trong thời kỳ ấy không khác gì những viên thần dược có thể cứu vớt được hàng ngàn gia đình qua cơn hấp hối của nền kinh tế suy kiệt.
Trời sinh ra anh có một tinh thần sắc đá nhưng lại có một trái tim nhân ái. Có lẽ vì Dzũng được sinh ra với một trái tim như vậy cho nên anh dễ xúc động trước những hoàn cảnh, những khổ đau của nhân loại.
-Nhạc sĩ Nam Lộc
Nhưng trong từng món quà nhỏ bé ấy của Việt Dzũng là những thông điệp về sự cùng quẫn tinh thần, là tội ác của bên thắng cuộc. Việt Dzũng đã thẩm thấu nỗi tủi nhục của người còn lại để anh có thể xuất thần viết nên một nhạc phẩm mà cho tới nay đã hơn ba mươi năm nhưng lời nhạc vẫn đau đáu đối với một số người.
Nếu nói sự nổi tiếng của anh dính liền với hoạt động tranh đấu cũng không sai, thế nhưng khó mà phân biệt đâu là một Việt Dzũng tranh đấu không khoan nhượng đối với những sai trái của chính quyền mới và đâu là nét dí dỏm, cường tráng đầy chất nghệ sĩ nơi một con người vừa là nhạc sĩ, nhà truyền thông và sở hữu một giọng ca không hề lép vế trước bất cứ một ca sĩ chuyên nghiệp nào. Việt Dzũng tài năng đã đành, nét tài hoa của anh khiến nhiều người ngưỡng mộ và đâu đó trong lòng họ tự hỏi không biết con người này còn một bí ẩn nào mà dư luận chưa biết tới hay chăng?
Nếu có sự bí ẩn có lẽ đó câu hỏi mà nhiều người đặt ra cần giải đáp: tại sao một người tài hoa như anh, gia đình và bản thân anh chưa bao giờ bị bạc đãi bởi nhà cầm quyền Việt Nam tuy cha anh là một Thiếu tá bác sĩ quân y, kiêm Dân biểu thời Đệ nhị Cộng hòa nhưng ông và gia đình sang Mỹ rất sớm, từ năm 1976, vậy thì động lực nào thúc đẩy Việt Dzũng khước từ những cơ hội khác của nước Mỹ đã dành cho anh để lao vào cuộc chiến chống lại nhà nước Việt Nam không mệt mỏi để đến nỗi bị kết án tử hình khiếm diện?
Nhạc sĩ Nam Lộc, người cũng nổi tiếng với nhạc phẩm Sài gòn Vĩnh biệt có thời gian làm việc chung với Việt Dzũng hơn ba mươi năm chia sẻ những nhận xét của ông về câu hỏi này:

165959-vietDzung-305.jpg

Nhạc sĩ Việt Dzũng tại buổi gặp gỡ, chuyện trò với độc giả ở tòa soạn Người Việt Online hôm 14 tháng 5 năm 2013.
“Tôi cho đó là tâm hồn tự nhiên của một người trẻ. Trời sinh ra anh có một tinh thần sắc đá nhưng lại có một trái tim nhân ái. Có lẽ vì Dzũng được sinh ra với một trái tim như vậy cho nên anh dễ xúc động trước những hoàn cảnh, những khổ đau của nhân loại và khi bắt đầu nhận thức được hình ảnh của những thuyền nhân vượt biển ra đi phải bỏ xác trên biển cả thì tôi nghĩ rằng Việt Dzũng nhạy cảm ngay lập tức.
Khi anh trưởng thành hơn một chút, tìm hiểu rõ ràng hơn thì anh nhìn thấy chế độ nó đã làm cho người ta bỏ nước ra đi và sự nghiệt ngã của chế độ đã càng ngày càng tạo cho anh cảm thấy cần phải thay đổi cũng như cần phải có hình thức nào đó để lên tiếng chống đối chế độ độc tài đảng trị, đặc biệt là chế độ cộng sản hà khắc và đàn áp con người.
Như anh đã nhìn thấy không những người vượt biển ra đi chịu chết trên biển cả và đồng thời còn những người bị bắt vào trại cải tạo, những người bị đày ải đi vùng kinh tế mới thì càng ngày anh Việt Dzũng, như tôi đã nói là người có trái tim nhân ái, khi nhìn thấy chính đồng bào mình, những người đã từng phục vụ trong quân đội cùng với bố của mình.
Chính những người mang thân phận tỵ nạn như mình nhưng bất hạnh hơn, những người đi sau. Tôi cho đó là những lập luận chính đã đưa anh Việt Dzũng vào con đường sinh hoạt với tinh thần như anh vừa nói là tranh đấu cho tự do dân chủ, nhân quyền cho quê hương mình đồng thời cho những người bất hạnh đã trải qua khổ đau để tìm tự do.”
                
Việt Dzũng là một ngôi sao tại hải ngoại điều đó không cần phải chứng minh. Lối nói chuyện cuốn hút, cách pha trò duyên dáng và lời dẫn chuyện thông minh trong các show ca nhạc của Asia đã khiến chương trình trở nên sống động và cuốn hút hàng triệu người xem. Việt Dzũng là người đi khắp thế gian, đã đặt chân hầu hết nơi nào có người Việt sinh sống và do đó nói anh là người của thế giới người Việt hải ngoại cũng không quá đáng.
“Tôi đã bị Việt Dzũng thu hút hay lôi cuốn từ trước khi tôi làm việc với anh. Kể từ ngày tôi gặp anh lần đầu tiên vào đầu thập niên 80 khi anh trình diễn trên sân khấu đại học Long Beach. Tôi đã bị thu hút bởi giọng nói của anh, dáng dấp của anh lúc ấy là một thanh niên trẻ tóc dài ôm đán hát đã lôi cuốn tôi với cái dáng vẻ nghệ sĩ đó, cộng thêm giọng nói nhẹ nhàng và giọng hát rất ngọt ngào.”
Tuy là người đi khắp nơi nhưng một chỗ duy nhất Việt Dzũng không thể trở về, đó là nơi anh bỏ hết cuộc đời tranh đấu cho hạnh phúc, tự do dân chủ của nó. Đó là nơi mà anh đăm đắm một ánh mắt, đau đớn một con tim và khóc thầm hằng đêm vì một nỗi nhớ: Nỗi nhớ Việt Nam.
Cho tới khi anh vĩnh viễn nằm xuống vì một cơn trụy tim vào ngày 20 tháng 12 khi vừa được 55 tuổi tại thành phố Fountain Valley nơi anh đang sống đời lưu vong, thì  có lẽ niềm đau ấy cũng sẽ chấm dứt sau gần bốn mươi năm chờ đợi.
Có lẽ qua cái chết của người bạn đồng hành với mình thì mình đã tìm thấy mình có đến hàng trăm ngàn người bạn đồng hành khác âm thầm và cùng chí hướng với người bạn mình đã mất.
-Nhạc sĩ Nam Lộc
“Quả thật là tôi không ngờ cái phản ứng nó lại mạnh mẽ đến như vậy. Tôi không chỉ nghĩ rằng chỉ là những thương cảm cho một người có lòng, có một tinh thần cao trong việc chống cộng, tranh đấu cho tự do dân chủ. Tôi không ngờ sau đó có một lời chia sẻ của một người gửi cho chúng tôi, trung tâm Asia đài phát thanh Blosa và các diễn đàn, báo chí và đặc biệt là phàn ứng từ nhiều nhân vật ngay cả những người Hoa Kỳ, một số các vị dân cử cấp liên bang cũng như tiểu bang hay các quận hạt.
Đặc biệt trên lĩnh vực truyền thông báo chí người Việt ở hải ngoại hay báo chí Hoa Kỳ ….thì tôi mới nhìn thấy rằng việc làm của anh Việt Dzũng đã có ảnh hưởng rất sâu đậm. Có những cái nhìn rất tích cực và được quý mến một cách rộng rãi làm cho tôi cảm thấy xúc động vô cùng.
Vừa xúc động vừa hãnh diện và sung sướng vì anh em chúng tôi đã cùng đồng hành trên con đường có nhiều người cùng chí hướng với mình. Thậm chí tôi còn cảm thấy đó là mối an ủi lớn lao dành cho mình và lúc nào tôi cũng nghĩ rằng tôi đã mất đi một người bạn, một người bạn đống hành rồi.
Có lẽ qua cái chết của người bạn đồng hành với mình thì mình đã tìm thấy mình có đến hàng trăm ngàn người bạn đồng hành khác âm thầm và cùng chí hướng với người bạn mình đã mất thành ra tôi vô cùng hãnh diện.”
                                 
Vâng đúng như nhạc sĩ Nam Lộc chia sẻ, khi nghe tin Việt Dzũng nằm xuống chưa bao giờ truyền thông Việt ngữ khắp thế giới lại cuống cuồng loan tin như vậy. Từ California tới Ba Lan, xa hơn nữa là Nga, rồi Úc, Canada… tất cả mọi chương trình phát thanh, bài viết trên mặt báo hình ảnh cuối cùng của anh cũng như thông tin anh nằm xuống đã trở thành cuồng phong. Hàng triệu người Việt khắp nơi lặng lẽ thương tiếc anh, lặng lẽ nghe lại hơn 400 nhạc phẩm anh đã sáng tác trong suốt cuộc đời lưu vong mà một trong những nhạc phẩm để đời ấy có bài Tự tình khúc, viết về nấm mộ của một thuyền nhân, một trú khách, mãi khi chết rồi vẫn canh cánh với quê nhà.
                                                             
Hình ảnh ấy có phải anh viết cho chính anh, một con chim báo bão chưa bao giờ có cơ hội trú thân trong chính những trăn trở của mình?
Bài hát có những nốt trắng làm người nghe tê dại. Chỉ còn lại tiếng kinh chiều, rất thê thiết và rất tha ma. Tiếng kinh lưu vong ấy có tiễn được Việt Dzũng về tới quê nhà hay không và trong cõi hư vô anh có cơ hội nghe lại được chính mình để im lặng suy tư về một thuở?
Chiều nay ai ra mộ vắng
Thắp dùng tôi nén hương tàn
Thương người nằm sâu đất lạnh
Đang buồn quê hương nát tan
Chiều nay ai ra bờ sông
Xem con nước có xuôi dòng
Ra quẩn quanh hoài một nhánh
Lặng buồn như kiếp lưu vong
…..
Chiều nay ai ra phố vui
Phố vui vẫn chỉ là phố người
Còn lại thân mình ta giữ
Thương nhớ quê nhà khôn nguôi….

                                                   ===========================================

2/ Việt Dzũng và tôi

RFA - Nguyễn Khanh, GĐ ban Việt Ngữ
2013-12-24


                               
Đúng hẹn, tôi có mặt tại Radio Bolsa. Lúc đó anh Khúc Minh cũng vừa từ phòng thu âm bước ra, đi đàng sau là chị Minh Phượng. “Dzũng hôm nay bịnh không đi làm”, chị Minh Phượng bảo, “cũng không thấy nó gọi nên em không biết sức khỏe thế nào rồi. Hôm nay anh Khanh phải làm việc một mình”. Chị vừa nói xong, anh Khúc Minh bảo thêm “tôi thấy Dzũng nó bị bịnh nhiều lắm ông Khanh à” đi kèm với câu “sức khỏe không tốt, nó cứ phải nghỉ hoài à”.
Chuyện Việt Dzũng thỉnh thoảng phải nghỉ bệnh không thể đi làm là điều tôi được nghe chính anh nói hồi tháng trước, khi hai anh em đứng hút điếu thuốc lá trước khi chia tay nhau. “Sức khỏe của em lúc này yếu lắm anh”, Dzũng vừa nói vừa nhìn tôi. “Việc làm thì quá nhiều, việc muốn làm thì chưa đi được bao xa”. Anh hít vội một hơi thuốc, đưa tay búng tàn ra bãi đậu xe, bảo tiếp “anh em mình còn quá nhiều việc phải làm, em không biết mình có làm được hết hay không”.
Tôi gặp Việt Dzũng lần đầu tiên hồi năm 1981 ở Washington D.C., lúc anh lên tham gia cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và thế giới mở rộng vòng tay đón thuyền nhân Việt Nam. Lúc đó anh đã là một nhạc sĩ nổi tiếng với những bản nhạc mà người Việt trong và ngoài nước ai nấy đều thuộc lòng, còn tôi chỉ là một anh sinh viên sửa soạn ra trường với ước mở trở lại nghề dậy học. Phải thú thật cả 2 anh em không ai chú ý đến ai, chỉ bắt tay chào hỏi cho có lệ, và chính sau này cả Dzũng lẫn tôi đều nhiều lần bảo với nhau “không ngờ anh em mình lại làm việc chung với nhau được 30 năm”.
Điều giúp anh em chúng tôi gắn bó với nhau ngay từ lúc đầu là chuyện Dzũng học Đại Học Nebraska, “trường nay tôi cũng nộp đơn xin học nhưng họ không cho học bổng, bắt đóng tiền nặng quá nên tôi đầu hàng”. Tôi còn nhớ Dzũng hỏi “tại sao anh lại chọn Nebraska”, tôi trả lời lúc vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ, “nghe nói trường nổi tiếng là trường phải có hội football lớn, và Nebraska nằm trong tiêu chuẩn quan trọng đó”. Dzũng hỏi lại “thế anh có biết football không?”. “Biết chứ nhưng không nhiều, chỉ biết sơ sơ thôi”. Nói xong cả hai anh em cùng phá lên cười.
Tối hôm đó ở nhà anh Nguyễn Lương Sơn, tôi may mắn được nghe Dzũng và chị Nguyệt Ánh cùng cất tiếng hát những bản nhạc viết về thuyền nhân cho đến những bài ca tranh đấu mang nội dung nhắc nhở những người may mắn đến được bến bờ tự do đừng quên những người không may còn ở lại, nhắn nhủ những người đã đi định cư đừng quên số phận của những người đang trên đường vượt biển hay đã đến được trại tỵ nạn. Không ai nói với nhau một lời, cả nhóm đều hiểu mỗi bài hát anh và chị Nguyệt Ánh cất lên là mỗi bài hát đánh thức lương tâm của con người, anh em chừng chục người chỉ biết lặng im ngồi nghe, hết người này đến người khác đưa tay vội vàng chùi nước mắt trong căn phòng ngập khói thuốc lá. Cũng tối hôm đó, may mắn được ngồi cạnh chị Nguyệt Ánh và anh nên tôi được nghe hai người bàn chuyện cùng nhau đi một vòng nước Mỹ và các châu lục khác. Kể từ hôm đó, người Việt tỵ nạn bắt đầu nhìn thấy chị Nguyệt Ánh và Việt Dzũng trên sân khấu.
Phải hơn một chục năm sau ngày gặp nhau, anh em chúng tôi mới có dịp thật sự làm việc chung với nhau. Khởi đầu là ở Little Saigon Radio, khi anh Nguyễn Hữu Công gọi điện thoại nhờ tôi làm thông tín viên tại thủ đô, “người làm việc chung với cậu là Việt Dzũng”, anh Công cho tôi biết. Thật tình lúc đó tôi ngần ngại vì dù đã biết nhau nhưng ở quá xa, làm sao có thể ăn khớp với nhau được, và lại tôi ngại làm việc với những người nổi tiếng lắm. Tôi nêu chuyện này với anh Công, anh trả lời “cậu cứ yên trí đi, Dzũng nó khéo lắm, biết đủ chuyện để có thể tán với cậu trên đài”.
Lời nói với giọng đầy tự tin của anh Công giúp tôi thêm can đảm để nhận lời, bắt nhịp cầu truyền thanh nối liền miền Đông và miền Tây của nước Mỹ. Cũng phải nói luôn chính cái “khéo” của Dũng giúp tôi trình bày vấn đề lưu loát hơn, và cũng nhờ Dzũng đưa ý kiến “anh em mình làm thêm chương trình thể thao hàng tuần chuyên bàn cá độ cà na” giúp tôi thật sự trở thành người miền Đông được thính giả miền Tây biết đến. Có lần tôi bảo với Dzũng “anh em mình làm việc với nhau mỗi ngày nhưng chương trình football là chương trình được thính giả biết đến nhiều nhất”. Dzũng cười, bảo “không phải như vậy đâu anh. Chương trình nào thính giả cũng thích cả, chính trị hay thể thao thính giả đều thích như nhau, miễn là mình làm việc tận tâm, giúp họ nghe một bản tin quan trọng nhưng đừng quá căng thẳng”.
Làm việc với nhau ở Little Saigon Radio được vài năm thì Dzũng cùng với một số bạn bè quyết định lập đài riêng mang tên Radio Bolsa, tôi được rủ sang làm việc chung. Ngày phát thanh đầu tiên của Đài không có tôi, gần một tuần lễ sau tôi mới góp tiếng. Tôi còn nhớ sau bản tin ghi từ D.C. về California, Dzũng gọi cho tôi để nói lời cám ơn, kèm theo đó là lời nhắn nhủ “anh đừng bỏ tụi em nghe”. Câu nói chân tình đó của Dzũng là một trong những động lực thúc đẩy tôi liên tục làm việc mỗi ngày với anh và với những anh em khác của Đài.
Giữa tháng 11 tôi có việc phải sang California. Lần nào cũng như lần nào, đã sang tới nơi thì bắt buộc phải ghé đài làm bản tin tại chỗ với Việt Dzũng. Cũng như thường lệ, chương trình tin tức vừa xong an hem chúng tôi cùng nhau ra bãi đậu xe hút thuốc lá. Hôm đó Dzũng bảo “năm nay là năm kỷ niệm 30 năm ngày anh em mình chính thức làm việc với nhau, đồng thời cũng là kỷ niệm 20 năm ngày anh em mình làm radio chung với nhau”. Tôi chưa kịp trả lời thì Dzũng bảo luôn “lần tới anh sang đây, em sẽ đưa anh đi nhậu. Anh thích nhà hàng nào cứ cho em biết, gọi tất cả anh em, bạn bè đi nhậu chung cho vui”. Thời điểm hai anh em đồng ý với nhau: khoảng một tuần trước Lễ Giáng Sinh cho tới Tết Tây 2014, đồng ý hôm đó sẽ làm bản tin tổng kết cuối năm 2013 và sau đó “đi nhậu”.
Đúng hẹn với Dzũng, tôi xuống Orange County vào ngày thứ Năm, sáng hôm sau (thứ Sáu 20 tháng Mười Hai), tôi ghé Đài không thấy Dzũng. Ngồi làm bản tin lúc 9 giờ 40 với chị Minh Phượng vừa xong thì thấy Cô Nhung -mẹ Dzũng- bước vào, tay xách theo 2 túi quà “bác mua tặng cho mấy đứa”. Tôi nghe rõ Cô Nhung hỏi mọi người “thế thằng Dzũng đâu” vì chính Cô cũng không biết Dzũng ốm nằm ở nhà. Đưa quà xong, đứng lại nói chuyện chừng vài phút thì Cô ra về, bảo với tôi “Cô về ghé nhà thăm em nó”, bảo thêm “lúc này nó hay mệt lắm anh ạ, hệ thống miễn nhiễm yếu lắm. Thế nào Cô cũng bảo với em nó là có gặp anh Khanh”.
Rời Radio Bolsa, tôi ghé qua thăm một số bạn bè quen cũ nói dăm ba câu chuyện rồi lại lên xe định ghé một tiệm ăn nào đó kiếm khúc bánh mì gặm cho đỡ đói. Đi chưa tới nơi thì điện thoại reo, chị Minh Phương khóc òa báo tin “Dzũng chết rồi anh Khanh ơi, anh chạy ngay vào nhà thương đi”.
Tôi sững sờ khi nghe tin mình không bao giờ muốn nghe. Không tin chuyện đó lại xảy ra vì chỉ 2 ngày trước đó anh em chúng tôi còn làm bản tin ngày thứ Tư, cũng không ngờ chỉ trong chớp nhoáng mà mình mất đi một người bạn, một người em, một đồng nghiệp đã gắn bó với nhau trong suốt mấy chục năm trời. Tôi bỗng dưng nhớ lại có lần bảo với Dzũng “ai cũng nói gặp nhau 1 lần đã là may, làm việc với nhau một ngày đã là quý, ít người có cơ hội làm việc với nhau mấy chục năm như anh em mình”. Nghe vậy Dzũng cười trả lời “tại anh em mình có duyên với nhau”, kể thêm “rất nhiều người hỏi em là anh em mình có soạn bài trước hay không mà tung hứng ăn khớp quá. Em trả lời không thì họ không tin, nên cuối cùng em bảo là có duyên nên anh với em mới tung bắt nhịp nhàng được như thế”.
Vừa lái xe vào nhà thương, tôi vừa nghĩ đến những câu chuyện Dzũng và tôi trao đổi với nhau trong suốt 30 năm qua, nhớ lại ngày đầu tiên khi gặp nhau ở Virginia và lần cuối cùng đứng nói chuyện với nhau ở California. Nhớ như in ngày đầu thấy Dzũng chống cặp nạng hút thuốc lá Kool, bây giờ cặp nạng vẫn còn, dáng người mập hơn, thuốc lá thì đã đổi sang thành Salem Light hoặc những loại thuốc lá bạc hà khác, nhớ có lần vừa hút thuốc vừa ho, Dzũng than “em hút thuốc nhiều quá nên cứ ho hoài”. Thương người bạn mình, tôi nói đùa “tôi có biết mấy cô cả đời không bao giờ hút thuốc nhưng chỉ vì lỡ dại hôn đứa hút thuốc nên mấy cô đó cũng thúng thắng ho đấy”. Nghe tôi nói xong, Dzũng cười vang ầm cả phòng, bảo “ông anh này thiệt tình…”, và tiếp tục… hút thuốc.
Tôi cũng nghĩ đến những gì Dzũng đã tận tụy làm cho mọi người -trong đó có tôi-, và những bản nhạc anh viết chạy thật nhanh trong đầu tôi, trong đó có những bản tôi may mắn được ngồi nghe anh vừa đàn vừa hát. Đó là những bài hát Dzũng đã viết cho chúng ta và tất cả chúng ta đều đã từng hát với nhau hay hát cho nhau nghe những bản nhạc đó. Tôi cũng nhớ đến bản nhạc rất quen thuộc của anh mà tôi và mọi người đều quen thuộc lẫn yêu thích nhất là bản “Một Chút Quà Cho Quê Hương”. Mãi đến khi anh mất rồi, tôi mới chợt hiều chính anh là “món quà” quý báu nhất của quê hương.
Tôi cũng tin rằng tất cả chúng ta đều đã có “duyên” được nghe anh hát, được hát nhạc của anh, được nhìn thấy anh đứng trên sân khấu làm MC, được nghe anh nói chuyện. Từ “duyên” sang “nợ”, tôi tin tất cả chúng ta đều nợ Dzũng một lời cám ơn, cám ơn anh đã dành hết những gì anh có cho chúng tôi. Đáng lẽ lời cám ơn đó chúng ta phải gửi đến anh từ lâu, nhưng bây giờ vẫn chưa muộn.
Với cá nhân tôi, có còn điều gì để nói về Dzũng hay không? Còn nhiều lắm. Tôi không bao giờ quên cứ mỗi lần không hài lòng về tôi, Dzũng chỉ bảo “anh chơi như vậy thì anh chơi với ai?”. Dzũng à, Dzũng bảo anh Khanh “đừng bỏ tụi em”, bây giờ Dzũng bỏ anh em mà không nói cả lời chia tay. Đã thế, Dzũng còn hẹn anh Khanh xuống đây làm một chầu nhậu đánh dấu 30 năm làm việc chung, chầu nhậu đó sẽ không bao giờ có chỉ vì không còn Dzũng.
“Dzũng chơi như vậy thì Dzũng chơi với ai?”.
                                                                     ====================================
                                                                    =====================================
                                                                    =====================================

4/ Việt Dzũng Nghệ sĩ đấu tranh không tàn tật tâm hồn


hGửi về Việt Nam nước mắt đong đầy…”(Việt Dzũng) . Thời tiết mấy tháng nay tại Úc Châu, đang là mùa Hè nhưng nắng mưa, nóng lạnh thay đổi bất chợt, từ nạn cháy rừng đến giông bão chuyển ập đến. Từ khuya thứ Bảy, 21.12.2013, ngoài trời lại chuyễn mưa, điện thoại từ Mỹ gọi sang báo tin cho tôi biết Việt Dzũng đã không còn nữa !. Nhìn qua khung cửa trong đêm vắng lạnh chợt đến, lạnh từ không gian đến tâm hồn cô đơn, những giọt mưa lất phất như tiếng hát của Việt Dzũng vọng về từ cõi mơ hồ nào đó trong bài “Một chút quà cho Quê Hương” với nước mắt đong đầy…nước mắt của Việt Dzũng thương nhớ quê xưa và nước mắt của riêng tôi khi mất thêm một người em, một chiến hữu, trên hành trình còn dang dở một đời tâm nguyện. Em đi đâu rồi, hay vẫn còn đang đứng trước mặt anh với đôi nạng gỗ, thênh thang giữa đất trời, mưa bay… ? 
Phong Trào Hưng Ca với Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Tuyết Mai, Tuấn Minh, Đào Trường Phúc, Huỳnh Lương Thiện, Trương Sĩ Lương, Lưu Xuân Bảo…  và anh chị em nghệ sĩ đấu tranh đâu rồi, sao vắng lạnh thế này, đêm nay chỉ một mình tôi ? Những đại hội Hưng Ca tại Hoa Thịnh Đốn, những đêm trình diễn lưu vong, sau khi tiếng vỗ tay không còn nữa thì anh em mình ngồi im lặng nhìn nhau, lời Thơ tiếng Hát vọng về đâu, một chút quà hay cả một đời người đang gửi về Quê Hương ? Cánh chim đại bàng trên thân họa mi Nguyệt Ánh, đôi nạng gỗ Việt Dzũng vẫn còn đấy mà, sao ngoài khung cửa lại có tiếng mưa rơi … ? Mưa ngoài trời hay mưa trong lòng tôi ?. 
Ngay sau khi đặt chân lên bến bờ tạm dung lưu vong, đất khách quê người, từ đại dương trôi giạt về các nẻo đường đời, vào năm 1978, một đại hội Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại đầu tiên được tổ chức tại Oklahoma, tiểu bang Texas Hoa Kỳ, quy tụ một số quý vị và anh chị em còn rộn lòng thương nhớ cội nguồn, nghĩ cần phải bảo tồn Văn Hóa tại hải ngoại, song hành góp công cùng với Toàn Dân cứu Người và cứu Nước. Tôi từ Úc Châu được một số anh em chiến hữu góp tiền cho vé máy bay qua ngay Hoa Kỳ lần đầu tiên trong đời tỵ nạn để tham dự đại hội. Lại tìm xem ai còn ai mất, những bắt tay vui mừng trong nước mắt. Từ Úc Châu, tôi là người duy nhất bay sang, gặp lại các bạn Đặng Văn Đệ, Vũ Văn Hoa, Nguyễn Hoàng Quân, … anh em trong đảng phái quốc gia một thời, ôm nhau mà dường như vẫn còn hơi muối biển trong lòng. Đêm về, tôi được nằm chung phòng tại tư gia của anh Quân (Đại Việt QDĐ) với một thanh niên “tàn tật”, đặt đôi nạng gỗ bên cạnh và nằm tâm sự cùng tôi về chuyện đời, về mơ ước tương lai, và tôi nhớ lại lời thơ của Vũ Hoàng Chương “tuổi đá, tuổi vàng hay tuổi ngọc – Thương nhau, ai đếm tuổi bao giờ ?”. Tôi tự thấy mình trẻ lại, như cùng chung thế hệ, cùng chung ước mơ, cùng chung thân phận. Người thanh niên khoảng 20 tuổi đó là Việt Dzũng, gọi nhau bằng anh-em như từ tiền kiếp thêm lần hạnh ngộ. Từ những đêm sau đó, sau những ngày sôi nổi họp đại hội, và có cả tiếng hát của Việt Dzũng làm thêm ấm lòng và bùng dậy ước mơ như trở thành hiện thực, chúng tôi đã kết nghĩa tinh thần, dìu nhau bước đi suốt cả mấy chục năm qua, một đời tận hiến, tuy khác lĩnh vực hoạt động nhưng chung một Tấm Lòng. 
Sau khi ở tù về, từ biệt giam tại Hà Nội hơn 10 năm, tôi được coi cuốn băng hình về một buổi tập họp đồng hương tại công viên Mile Square Park ở miền Nam Cali, Hoa Kỳ, tôi lại thấy Việt Dzũng đang đứng trên sân khấu ngoài trời, cũng với đôi nạng gỗ, cất tiếng gào to “Cho dù tôi có phải bò về, lết về, tôi cũng sẽ về lại Quê Hương khi không còn cộng sản…”, rồi gửi tiếng hát vào không gian, vào lòng người. Lại có Diễm Chi, Hùng Cường, Huỳnh Công Ánh và nhiều anh chị em nghệ sĩ đấu tranh khác nữa, thân tù mới trở lại tự do ngồi im lặng nghe nhìn mà chảy nước mắt lúc nào không hay, cứ tưởng rằng đời mình đã cạn khô dòng lệ.  Tôi lại nhớ có lần tôi đã bị tra tấn trong tù vì những cái tên thân quen, thương nhau và đồng hành tự một thuở nào thủy chung. Người cộng sản đã tra tấn tôi để khai thác về sự liên hệ giữa tôi với những “tên biệt kích văn nghệ nước ngoài : Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Hùng Cường”, tại sao lại phát động phong trào văn nghệ “phản động, chống đối cách mạng”, kế hoạch mật kín bên trong thế nào… ?! Vết thương tuy có làm đau thân xác kiệt quệ nhưng tận đáy tâm hồn của tôi như có tiếng cười hãnh diện về những người anh chị em đang đứng thênh thang giữa đất trời lưu vong mà cất cao tiếng hát đấu tranh. Tôi tự coi như những trận đòn thù đó là phần thưởng tinh thần mà các anh chị em văn nghệ đấu tranh đã cho đời tôi vì được nhận làm huynh-đệ thâm tình. Tôi quay lại cuộn băng hình, nhìn thấy Việt Dzũng đứng trên sân khấu thô sơ, với đôi nạng gỗ, không có ánh đèn màu và trang sức hợp thời, nhưng sao ngạo nghễ như đang bắn từng viên đạn đúc bằng máu tim vào thành trì vô đạo phi nhân để giành lại Nhân Quyền cùng với Toàn Dân. Lại xin một lần nữa Tạ Ơn. Ước gì những người dân cùng chung nòi giống bên kia bờ đại dương, ước gì những tấm thân quằn quại trong đáy vực ngục tù cộng sản, nghe được tiếng vọng của những lời ca này để thấy thêm đời đáng sống, cho dù dưới tận cùng đáy ngục. Rồi tất cả sẽ vươn lên, nhất định. Hưng Ca đã và đang góp công vào Hưng Quốc, và bóng dáng của Việt Dzũng vẫn còn đây cùng với những Tấm Lòng chân chính tận hiến đời người để hồi sinh Dân Tộc.
Rồi từ đó, suốt những tháng năm ra khỏi ngục tù, tôi lại được hạnh phúc cùng anh chị em nghệ sĩ đấu tranh gặp mặt, góp sức, bằng tiếng lòng, Thi-Ca, trên nhiều nẻo đường năm châu. Tôi vẫn còn nghe tiếng nói nhẹ nhàng nhưng đầy ân tình của Việt Dzũng mỗi lần gặp nhau, ôm tôi : “Anh có khỏe không ? Ông già trông vẫn còn ngon cơm lắm mà, lo gì !”. Khói thuốc lại tỏa mịt mùng qua tiếng cười vang. Trong tiếng cười, dường như anh-em chúng tôi có thấy thấp thoáng những nét “cô đơn” trên bức tranh đời riêng cũng như chung, tâm nguyện vẫn sắt son mà sao quá gian nan với nhiều ngọn dáo vụt đến không ngờ. 
“Me đặt tên con, Nguyễn Thị Sai-Gon”… (Việt Dzũng). Mới đây, trong năm 2013, từ Hoa Kỳ sang công tác tại Úc Châu, Việt Dzũng có đến thăm tôi tại nhà, đồng thời gặp mặt thân mật một số anh em cùng chung Lý Tưởng đấu tranh. Sau khi chúng tôi đồng thắp nhang cầu nguyện trước bàn thờ Quốc Tổ được thiết lập tại nhà tôi từ bao năm qua, Việt Dzũng có nói : “Xin cám ơn anh đã cho em những phút giây thực sự xúc động khi nguyện cầu Quốc Tổ hôm nay, em thấy rõ cội nguồn trước mắt, tâm linh như được hòa tan vào cùng mệnh Nước…”. Và, Việt Dzũng thì thầm hát nhẹ “… Nguyễn thị Sai-Gon…Lê thị Hy Vọng…”, đưa hơi thở và lời ca nhập vào hồn tôi, xao xuyến, chập chùng, tưởng chừng như đang có bàn tay nào vời níu quê hương…Rồi cũng mới đây, tháng 8 năm 2013, tại Little Saigon, Nam Cali, Việt Dzũng đã chống nạng đến trong chiều sinh hoạt đấu tranh của tôi, phát biểu những lời tâm huyết, cùng với tiếng hát của Tuấn Minh trong bài thơ Nước Trôi Mồ Mẹ của tôi do Nguyệt Ánh phổ nhạc. Anh em lại cầm tay nhau, chẳng muốn rời xa…Hẹn ngày gặp lại trên một nẻo đường nào đó trong đời còn lại, và nhất định sẽ cùng nhau quỳ hôn từng mảnh đất Quê Hương, một ngày…
Từng giọt mưa nhẹ đang rơi ngoài mái hiên sau nhà giữa khuya vắng lạnh, tôi vẫn còn nghe tiếng hát trầm bổng chao lòng của Việt Dzũng “Gửi về Việt Nam nước mắt đong đầy…”,  rồi chợt vang lên dường như tiếng thét “Đòi trả ta sông núi”… Việt Dzũng vẫn còn đứng đấy, tôi đang vịn vào nạng gỗ thân yêu của một người em kết nghĩa, một chiến hữu thủy chung, để đứng dậy và viết tiếp những dòng chữ này…không còn nước mắt. 
  Tạm biệt EM, NGUYỄN NGỌC HÙNG DŨNG !. 
                         Võ Đại Tôn

Đêm thứ Bảy 21.12.2013
  Úc Châu.
                                                                     ====================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét