Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Weekend Leisure : Page 18+ No Children - Giải trí cuối tuần :Trang 18+ Cấm Trẻ Em

Weekend  Leisure  : 

                   Page 18+ No Children


Giải trí cuối tuần  :

                  Trang 18+ Cấm Trẻ Em

  

=============================================

 

Tin Trong Bao Mai Blog : 

 

1/ Những bức tranh gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử hội họa 

 

image
Trong lịch sử hội hoạ có những hoạ phẩm tạo nên nhiều dư luận. Tại sao và điều gì khiến người thưởng ngoạn phải tranh cãi sôi nổi như vậy?  Tại vì chúng đã chạm đến các vấn đề nhạy cảm. tôn giáo, đạo đức, chính trị, lề thói, quy tắc, thành kiến xã hội v..v..là những bức tường kiên cố mà các hoạ sĩ đã vô tình hay cố ý đụng  vào, dĩ nhiên phải có tiếng vang từ đó bật ra.



Người ta tranh luận những gì? Ắt hẳn họ sẽ bàn về những quan điểm tôn giáo, những điều phạm thánh bị chạm phải. Những yếu tố đạo đức được nêu ra khi các bức tranh loã thể được phô bày, miêu tả một cách lồ lộ, trắng trợn. Thông thường hơn cả, là các bức tranh bị đem lên bàn mổ đã đi ngược lại các truyền thống, mô thức, giáo điều, quy tắc xã hội đã đặt để tự ngàn xưa. . Khách xem tranh có thể cảm thấy bị xúc phạm, giận dữ khi thấy các bức tranh bày tỏ thái độ chính trị, tôn giáo, đạo đức hoặc xã hội một cách quá khích hay không phù hợp với những gì được xem là cấm kỵ trong xã hội.



image

 
  Thực ra chúng chả có gì sai cả, vấn đề chỉ tùy thuộc vào thời điểm và thế hệ chúng ta sống mà thôi. Có khi sự tranh luận nằm ở phong cách, lối thể hiện của một hoạ sĩ mà sự sáng tạo chính là chủ đích. Các nhà bình luận có thể có các ý kiến khác nhau về một bức tranh lạ và sự tranh luận tạo nên các đợt sóng trong thế giới nghệ thuật. Sự trái khoáy, bất thường hay lạ lẫm trong phong cách vẽ của một hoạ sĩ cũng khiến người ta đặt lại ranh giới giữa cái đẹp và giá trị một hoạ phẩm hay đánh giá lại xem nó có phải một sản phẩm nghệ thuật hay không? Bởi vì cảm nhận của con người thật phức tạp, và cũng chính sự phức tạp này đã tạo nên những luồng dư luận tranh cãi xôn xao.



Chúng ta hãy thử xem duyệt vài bức tranh được xem là những bức hoạ tạo dư luận nhiều nhất



Bí ẩn của William Tell (The Enigma of William Tell), Salvador Dali



image

 
  Nhìn vào bức hoạ này, cảm giác của người xem bùng dậy mãnh liệt, bị sốc và xáo trộn giữa sự kỳ quái, thô tục, khó chịu, chen lẫn kinh ngạc. Đây là một trong những bức tranh kỳ lạ nhất của Salvador Dali. (Bức này thuộc quyền sở hữu viện bảo tàng The Modern Museum ở Stockholm, Sweden).

   Lý do nó gây tranh cãi không những ở đường lối nó thể hiện nhân vật William Tell một cách kỳ quái đầy ấn tượng mà nó còn ám chỉ hình tướng của lãnh tụ Lenin (Vladimir Lenin là một nhà cách mạng, nhà tư tưởng và chính trị nổi tiếng trong chủ nghĩa Marx-Lenin).



image

Vladimir Lenin
 

   Theo truyền thuyết, William Tell là một anh hùng dân gian của Thụy Sĩ, có tài thiện xạ và có sức khỏe phi thường. Ông nổi tiếng vì trong một hoàn cảnh bắt buộc, ông đã phải buông tên xẻ đôi quả táo trên đầu con mình. Khi tạo hình nhân vật này, Salvador Dali cũng đã liên tưởng đến cảm giác bất an của mình khi cha ruột ông thường đặt con mình vào tình thế hiểm nguy, hệt như William đã bắn trái táo trên đầu đứa bé, con mình.



image

 
  Sự nổi danh gây dư luận của bức tranh khiến Andre Breton, người sáng lập trường phái siêu thực, sinh ghen tỵ.  Ông và những người ủng hộ chủ nghĩa Marx-Lenin đã muốn tìm cách hủy hoại thanh danh và tên tuổi Dali. Họ cho rằng sự nổi tiếng của tranh Dali sẽ mang đến sự thương mại hoá và đe doạ đến giá trị của nghệ thuật  trường phái siêu thực. Tuy nhiên càng đả phá, dèm pha, tranh Dali càng lẫy lừng.



Cưỡng Dâm(Le Viol, The Rape), René Magritte, 1935 



image

 
   Bức tranh này do một hoa sĩ người Bỉ vẽ năm 1935. Thoạt nhìn có người cho rằng bức hoạ thật buồn cười. Tuy nhiên nó rất ấn tượng và gây cảm xúc mạnh cho người xem. Magritte đã vẽ một bức tranh phụ nữ theo lối truyền thần thông thường nhưng lại thay đổi những chi tiết chính trên khuôn mặt. Đôi mắt được thay bằng hai núm vú mù, mũi là cái rốn sâu và miệng trở thành mảnh âm hộ hình tam giác. Tận dụng ý tưởng phong phú và phương pháp ẩn dụ của Siêu Thực, Magritte đã mang đến cho khách xem tranh một góc nhìn thô nhám, trần trụi của phái nam dành cho phái nữ: Khi nhìn vào phụ nữ, họ chỉ thấy cơ thể vật lý người nữ mà thôi.



   Sự tranh cãi nổ ra chỉ vì sự diễn giải ý nghĩa bức tranh này. Cái nhan đề The Rape và hình ảnh đánh mạnh vào thị giác là trái bom gây sốc. Phần lớn người xem cho rằng Magritte đã ám chỉ đến thái độ của phái nam đối với phái nữ và chỉ xem họ như một đối tượng tình dục. Trong một liên tưởng với nghĩa rộng, chúng ta có thể nghĩ, thời điểm đó, xã hội đã xem nhẹ người phụ nữ, họ chỉ là một dẻ xương sườn của người nam, một bộ máy chỉ để sinh đẻ và làm tình không hơn không kém. 



image

 
  Susan Gubar trong một bài viết đã nhìn bức tranh của Magritte qua lăng kính một nhân vật tưởng tượng trong tiểu thuyết của nhà văn William Faulkne. “Một người đàn ông tán dương ý tưởng phụ nữ chỉ như một cái âm hộ không chân để khỏi bỏ đi, không tay để níu giữ và không đầu để nói năng nhiều chuyện và với một định nghĩa đơn giản hơn, họ chỉ là một cơ quan sinh dục”.



image

The flood_René Magritte 

   Bà còn lý luận thêm. Khi khuôn mặt với những cơ quan được hoán đổi trông chúng như vô hình, vô cảm và nó cũng ám chỉ một cái óc đần độn. Hơn thế nữa với cái nhan đề “Cưỡng dâm”, người đọc thấy ngay cái nghĩa dường như phụ nữ đáng phải bị hiếp dâm khi dung nhan của người nữ bị cưỡng đọat và thay thế bằng những bộ phận sinh dục. Điều này tựa như người phụ nữ bị đem ra chặt đầu và thay cho một cái đầu mới bằng cơ quan sinh dục trong khi khuôn mặt của họ trước đó là cửa sổ của linh hồn. Giờ cái đầu và linh hồn của họ chỉ còn trơ trẽn không gì hơn một vật dục.



Ngày phán xét cuối cùng (The last Judgment) của Michelangelo



image

 
  Bức “Ngày phán xét cuối cùng” trên tường thờ Nhà Nguyện Sistine là một kiệt tác trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật của Michelangelo. Hoạ phẩm này đã gây tranh luận dữ dội giữa nhà thờ Thiên Chúa Giáo và các người mến mộ những sản phẩm nghệ thuật của nhà danh tài xuất chúng Michelangelo. Toàn thể bức tranh đặc kín những hình ảnh khoả thân, kể cả Đấng Christ và Đức Mẹ Đồng Trinh. làm sửng sốt mắt nhìn người xem.



image

 
  Tuy nhiên những nơi được xem là nhạy cảm trong tranh đã bị xoá đi hay che kín lại trong đợt trùng tu hồi thế kỷ thứ 16. Mãi đến giữa năm 1980 và 1994 bức hoạ mới được chỉnh sửa và phân nửa những nơi bị che đậy mới được tháo ra, phô bày những bí mật đã chôn sâu hàng thế kỷ. 

   Sự chống đối bùng dậy ngay khi hoạ phẩm được những nhân vật đứng đầu giáo hội Nhà Nguyện nhìn thấy. Những vị có chức sắc cao như Đức Hồng y Carafa và Sernini đã kết tội bức hoạ là vô đạo đức, và dâm ô. Họ mở ra một chiến dịch vận động tẩy xoá và che đậy bức tranh lại. Vị trưởng lễ Biagio da Cesena nói rằng bức tranh này chỉ xứng đáng được vẽ ở quán rượu thay vì ở nhà thờ vì “có thể nó làm các con chiên liên tưởng đến những thú vui xác thịt”. 



image

 
  Michelangelo rất giận dữ về sự kết tội và chỉ trích của Biagio. Ông đã đáp lễ bằng cách vẽ thêm vào bức tranh nói trên khuôn mặt Biagio với đôi tai lừa tượng trưng cho thần Minos, với thân hình trần truồng bị một con rắn độc quấn ngang và cắn ngay vào.. “hạ bộ”. Theo giai thoại kể lại, khi phát hiện ra điều đó, viên trưởng lễ bất bình báo cáo với Giáo Hoàng, ngài nói đùa rằng: “Phạm vi quyền hạn của ngài chưa vươn được tới địa ngục.”  Do đó bức vẽ thêm được để yên. 



image

 
  Điều gì sai trong bức tranh này ? Theo kinh thánh nó phải chuyển tải hàm ý linh hồn con người bất tử. Khái niệm Đấng Christ đang cố gắng cứu rỗi thế gian và Đức Mẹ Đồng Trinh đã được tặng dữ ngai vị cao trên tất cả các Thánh. Biagio bị sốc khi thấy Michelangelo dùng những hình tượng khoả thân tượng trưng cho sự nhục nhã, hổ thẹn và tội lỗi để vẽ. 



image

 
  Những người đứng về phía Michelangelo lý luận rằng, Michelangelo yêu nghệ thuật hơn cả đức tin dù ông là người có đạo. Ông đã xem cái đẹp thể hình chính là cái đẹp của tâm hồn, nên ông đã vẽ tất cả các nhân vật trong tranh được khỏa thân. Tôn giáo, đức tin và mỹ thuật được tranh cãi kịch liệt trong bức The Last Judgment này, tạo nên bao nhiêu dư luận mâu thuẫn kéo dài hàng bao thế kỷ.







Trịnh Thanh Thủy
*********

Tài liệu tham khảo
The last Judgment- Michelangelo http://en.wikipedia.org/wiki/The_Last_Judgment_%28Michelangelo%29
The Rape- Réne Magritte
http://www.wikiart.org/en/rene-magritte/rape-1934
The Enigma of William Tell- Salvador Dali
http://www.wikiart.org/en/salvador-dali/the-enigma-of-william-tell
                  
                                 =======================
ART  IMAGES   WOMEN  NUDE 
 .

                .
               .
   .
.                                      ..          ..
      .
 
 .

.
.
.
.
.


              ==================0o0===========

HAPPY HALLOWEEN 2014 . Kể chuyện 'ma'

FRIDAY  , OCTOBER  31 , 2014 

       HAPPY  HALLOWEEN  2014 .
 

                             


                    HALLOWEEN  2014  IN   HOUSTON  , TEXAS


======================================


     1/ Kể chuyện 'ma' nhân ngày Halloween




LTS   Thật sự có một thế giới vô hình, siêu nhiên tồn tại trong đời sống hằng ngày của chúng ta hay không? Trong khi khoa học chưa giải thích được điều này một cách rõ ràng, thì những câu chuyện, hiện tượng do chính độc giả Người Việt kể ra dưới đây ít nhiều cũng giúp mọi người hiểu thêm vì sao ngày lễ hội Halloween hằng năm lại được người ta chú ý nhiều như vậy.





Chuyện của độc giả M&M (Virginia):

Đầu năm 1982, ba tôi cùng ba đứa con trai lớn trong nhà lên ghe cho chuyến vượt biên lần thứ bảy. Chuyến này có thể là chuyến chót, vì theo má tôi, sau sáu lần thất bại, gia đình đã cạn vốn; số vàng ba má tôi dành dụm từ trước 75 đã tiêu gần hết; và quan trọng nhất, anh tôi đang ở tuổi “nghĩa vụ”, nếu không vào được đại học, mà cơ hội rất thấp vì lý lịch không trong sạch, sẽ “được trúng tuyển” lên đường đi Campuchia.
Ghe tôi ra khơi đã sang ngày thứ hai. Mọi người trên ghe đều mệt lả vì say sóng sau những giờ phút ngã nghiêng, trồi lên, trụt xuống khi chiếc ghe leo qua đầu những ngọn sóng khi ra cửa biển.
Cả ghe đều im lặng, không có tiếng động gì ngoài tiếng rào rào của thân ghe rẽ nước và tiếng nổ ầm ầm của máy. Đột nhiên, tôi nghe xen lẫn trong tiếng máy nổ văng vẳng tiếng ca vọng cổ. Và rồi, bài vọng cổ lại ngưng, thay vào đó là một bài tân nhạc.
“Sao mà giữa biển, ở đâu ra tiếng hát lạ vậy há?” Tôi hỏi thầm, rồi ngồi thẳng dậy, định thần cố nhìn xuyên qua buồng máy để xác định tiếng ca từ đâu ra, nhưng tiếng ca lại ngưng, và tôi chỉ nghe tiếng ầm ầm của máy.
Tuy nhiên, những tiếng ca đó trở lại. Tôi không nghe rõ lời như thế nào, chỉ nhận ra có lúc là giọng đàn bà, có lúc giọng đàn ông; tân nhạc xen lẫn với cổ nhạc. Thế là tôi suy luận rằng vì mình nằm kế bên buồng máy và tiếng máy nổ lớn bên tai khiến cho mình có một ảo giác là nghe tiếng ai đó hát. Cứ đinh ninh như thế, và tôi không còn để tâm mỗi khi nghe tiếng hát ấy nữa, cũng không buồn hỏi xem anh và em tôi, hoặc những người khác có nghe tiếng đó hay không.
Sau 5 đêm, 4 ngày, ghe tôi cập bến Mã Lai. Buổi chiều tối hôm đó, đoàn người vượt biên ngồi quay quần nhìn ra biển, hướng chiếc ghe đã giúp chúng tôi vượt muôn trùng. Một chú trong nhóm bỗng lên tiếng: “Không biết sao khi trên biển, tui nghe tiếng ca cải lương, rồi tiếng ca tân nhạc. Có ai nghe giống tui không?” Nghe chú ấy hỏi mà tôi lạnh người. Và rồi người trong đoàn lên tiếng, có người nghe, có người không. Anh và em tôi ngồi cạnh tôi lại không nghe. Hay là có ai đó trên buồng lái mở radio, cassette? Mà nếu là radio cassette thường xuyên như vậy, thì ai cũng phải có nghe chứ?
Tôi đứng lên, bước ra mé biển. Tôi nghĩ là tôi biết những tiếng ca ai oán đó phát xuất từ đâu. Nhìn vào bóng đêm, tôi thầm niệm “Nam mô cứu khổ, cứu nạn, đại từ, đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát”. Cảm ơn Trời, Phật đã cho chúng con đến được bến bình an. Ngoài kia, trong đêm đen, chắc chắn cũng có một chiếc ghe đang vượt trùng dương. Cầu xin họ cũng được bình an đến bến bờ tự do.


Hình minh họa: Getty Images


Chuyện của độc giả Thuật Nguyễn (Canada):

Năm 1995 ba má và bốn đứa em tui sang đoàn tụ cùng gia đình tui ở Canada. Căn nhà cũ không chứa đủ cho nên vợ chồng tui quyết định đổi lấy căn nhà lớn hơn để ở cho thoải mái.
Sau nhiều ngày coi tới coi lui, vợ chồng tui cũng chọn được một căn vừa ý vừa túi tiền. Nhà mới xây sáu năm, có 3 tầng (walk out tầng hầm ), 3 nhà để xe và lại nằm trên một con dốc nửa nên ban đêm ngồi ở ban công nhìn xuống thấy cả một góc của thành phố lên đèn đẹp lắm.
Rồi ngày dọn về nhà mới cũng đến sau bao đêm háo hức nôn nao chờ đợi.
Dọn xong đến chiều vợ chồng tui đi dự sinh nhật đứa con người bạn, chỉ có ông anh rể ở nhà mà thôi.
Rời bữa tiệc lúc nửa đêm, về đến nhà tui thấy đèn ở mỗi phòng bật sáng choang từ trên xuống dưới luôn cả sân cỏ phía sau, còn ông anh rể thì ngồi bó gối trước sân nhà hút thuốc tàn vứt lung tung, mặt thất thần như sợ hãi lắm.
Bước xuống xe tui liền hỏi ngay, “Trời ơi giờ này hơn 1 giờ sáng rồi mà sao anh còn ngồi đây? Lại còn bật đèn lên hết nữa chứ? Mà sao không ở trong nhà mà ra đây ngồi? Bộ anh không biết lạnh hả?”
“Thôi em vô đi, anh không dám đâu nhà này có ma T ơi!” Ông anh rể trả lời.
Nghe vậy, tui nghĩ thầm trong bụng “Ông nội này có duyên dữ ta! Nhà mình mua mới dọn dô chưa ngủ đêm nào mà lại nói là có ma! May ông là anh rể tui chớ mà em tui là có chuyện với tui rồi!”
Tui hỏi, “Nhưng anh thấy gì mà dám nói là nhà có ma?”
“Anh không thấy gì hết nhưng mà anh có cảm giác lạ lắm! Thôi anh đi về đây.”
Vợ chồng tui bồng thằng con vào nhà đặt nó vào phòng ngủ và về phòng làm một giấc tới sáng
Tuần lễ sau đó tui lấy một tuần nghỉ ở nhà để sơn lại nhà. Bà xã sáng sớm chở thằng nhóc đi gởi rồi đi làm luôn.
Tui đi xuống nhà bếp pha ly cà phê uống và sửa soạn đồ nghề chuẩn bị sơn. Tui bắt đầu sơn từ phòng khách sơn ra. Đang sơn, bỗng nhiên tui nghe có tiếng động nhẹ ở trên lầu như là có ai đang đi. Tui dừng tay nghe ngóng thì không nghe thấy gì. Tui mỉm cười tự nhủ chắc tai mình nghe lầm.
Khoảng nửa tiếng sau thì tui lại nghe tiếng động vang lên. Lần này tui nghe rõ ràng là có tiếng gió lất phất cùng tiếng bước chân rất nhẹ như là có ai vừa đi lên cầu thang. Tui đi lại đứng dưới chân cầu thang nhìn lên thì có cảm giác như cửa phòng “washroom” nhúc nhích như có ai vừa đóng lại vậy. Tui đứng im suy nghĩ rõ ràng lần này mình nghe không lầm tiếng bước chân cùng với tiếng gió nhưng gió ở đâu ra? Chẳng lẽ cửa sổ phòng nào mở quên đóng hay là nhà này có ma thiệt như lời ông anh rể nói?
Tim tui bắt đầu loạn nhịp đập thình thịch thình thịch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực và chân tay run lên cầm cập. Tui bỏ cái cọ sơn xuống đi lại mở cửa trước bước ra ngoài. Trời Canada Tháng Mười đã bắt đầu lạnh nhưng trán tui ướt đẫm mồ hôi, tay run run tui bật lửa mồi điếu thuốc hút cho bớt sợ, rồi suy nghĩ lung tung: phải làm sao đây? có nên vô nhà sơn tiếp hay đứng ở ngoài chờ bà xã đi làm về? mà có chắc là có ma không? ma là gì? có ai gặp ma chưa hay chỉ là những tin đồn thất thiệt? mà tại sao mình nhát quá vậy, nhà của mình mà tại sao không dám vô?...
Tui quyết định trở vô nhà sơn tiếp. Tui đi lại những cửa sổ vén những tấm màn lên hết cho ánh nắng chiếu vào nhà. Đồng thời kiểm tra lại hệ thống máy sưởi coi nó có chạy không. Nếu nó chạy thì có thể tiếng động và tiếng gió do nó tạo ra. Nhưng không. Máy sưởi chưa hoạt động nên gió không thể vào nhà được.
Tui lấy hết can đảm vặn nhạc thật lớn, rồi lên trên lầu kiểm tra lại mấy cửa sổ. Tất cả đều đóng kín, gió ở bên ngoài không thể vào đươc. Tui làm gan bước vào “washroom” đi “tè.”
Đang “tè” nửa chừng, tui có cảm giác như có ai đang dòm mình từ sau lưng. Tui chợt rùng mình. Gai ốc nổi lên khắp người. Tui quay đầu nhìn lại thì chẳng thấy gì nhưng cảm giác có người nhìn mình vẫn không hết. Tui liền chạy ào xuống cầu thang mở cửa ra ngoài...


Chuyện của độc giả Đạt Diệp (San Diego):
Tháng 12 năm rồi tui nhận việc tại một công ty Ambulance ở O.C. Sau hai tuần training, vì là lính mới nên tui phải làm ca tối từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng.
Công việc cũng nhàn, chỉ làm tiếp những hóa đơn đòi tiền gửi tới Medicare, Medicaid hay các nơi đang thiếu tiền của công ty do những người ban ngày làm dang dỡ. Việc này làm khoảng 4 giờ là xong. Sau đó tui xuống bãi đậu của các chiếc Rigs (Ambulance) để kiểm tra. Tổng cộng có 16 xe. Việc tui phải làm là lên từng chiếc rig coi các dụng cụ y tế có thiếu thì vào kho lấy và lấp vào cho đầy vào các cabinet trên xe, sau đó niêm lại và ký tên mình vào form check list (Nếu xe không có form này thì không thể rời hãng), nếu thấy các đồ đó vơi thì phải “back order.” Rất đơn giản.
Ngày đầu tiên ở ca đêm là 26/12/2011. Trời về đêm của Mùa Đông thật lạnh. Hôm ấy lại đầy sương mù. Những ngọn đèn rọi sáng tại parking chỉ thấy lờ mờ như những ngọn đèn dầu leo lét.
Tui cầm cả chùm chìa khóa xe, lên xe cho mở máy, tắt radio và bật đèn cabin trước và sau để kiểm tra. Đang ngồi trên chiếc gurney (băng ca) ở cabin sau thì đèn vụt tắt. Tui bất ngờ chưa kịp phản ứng thì cả xe rung lên bần bật. Tưởng động đất, tui tông cửa ra ngoài.
Chạy vào văn phòng hỏi mấy cô dispatcher “Động đất hả?” “Không có.” Họ trả lời.
Tui bắt đầu sợ và liên tưởng đến... Ma.
Chần chừ cuối cùng tui cũng phải lên xe đó làm tiếp. Lần này tui ngồi ở cabin trước kiểm tra các radio, cb thì nghe những bước chân năng nề như kéo lê xềnh xệch. Tui quay đầu nhìn về phía sau cabin thì đèn ở sau đã tắt từ lúc nào và tiếng chân càng gần tui hơn... Tui hoảng hồn, tông cửa nhảy ra và vụt chạy. Hơi thở hổn hển. Trời về khuya càng lạnh nhưng trên trán mồ hôi tôi chảy thành dòng. Nhìn về phía xe thì lúc này đèn cabin sau cứ nhấp nháy chớp tắt như trêu đùa tui vậy.
“Mới có ngày đầu mà như vậy thì làm sao làm này Trời!” Tui tự nhủ và nghĩ đến “quit job,” bỏ mặc tất cả, không cần công việc đáng ghét này nữa, sẽ về lại với vợ con tại San Diego, tới đâu thì tới.
Nhưng tui lại nhớ đến hai đứa con, cứ luôn hỏi tui “Chừng nào Ba có việc hả Ba? Tụi con muốn Ba có việc rồi dẫn tụi con vào hãng chơi như job trước đây của Ba đó!” Tui không muốn con mình thất vọng về Ba của chúng nó. Tui không muốn dạy con mình khi gặp khó lại dễ dàng “give up,” đầu hàng với khó khăn. Không. Không bao giờ.
Tui trở lại xe. Mở cửa cabin sau. Lúc này đèn tắt trở lại. Tui nói vào xe bằng tiếng Việt “Mấy Ông mấy Bà, tui chỉ đi làm kiếm cơm thôi, cũng khó khăn lắm xin đừng làm khó tui nữa!” Chỉ vài giây, đèn xe sáng lại. Tui tần ngần và bước lên xe làm tiếp công việc dang dở. Làm trong sự hồi hộp và căng thẳng.
Hôm sau, tui đến hãng vào buổi trưa và tìm sếp hỏi “Sếp, trên mấy cái Rigs này có khi nào bệnh nhân chết khi chở tới bệnh viện chưa?” Sếp tui trầm ngâm và nói “Hình như có một chiếc thôi. Chiếc rig 404 đó.”
Tui nghe mà nổi ốc ác. Chiếc 404 là chiếc tui làm hôm qua đó.
“Có chuyện gì sao?” Sếp hỏi. “Không có gì, chỉ tò mò thôi.” Tui trả lời.


Chuyện của độc giả Black (Laguna Hills):

Vài năm trước, tui làm Real Étate Agent. Mỗi cuối tuần tui đều làm Open House, chưa bao giờ biết sợ. Cho đến một hôm...
Hôm đó tui nhận lời làm Open House cho một căn nhà ở Fountain Valley. Chiều Thứ Sáu, khoảng 7 giờ tối, trời còn chạng vạng, tui đến để review căn nhà trước.
Tui bước vào nhà, đi qua một vòng. Căn nhà này không có người ở. Tự nhiên một cảm giác rùng rợn xâm chiếm tui đến nổi tui không tự chủ được, vụt chạy ra ngoài.
Qua hôm sau, tui mang bàn ghế, laptop, nước uống đến làm Open House. Tui ngồi trong nhà, khi có người đến thì dẫn họ đi coi nhà. Một hồi sau, tự nhiên tui thấy ớn lạnh, cứ có cảm giác như ai đó nhìn mình, rồi những tiếng động lạ.
Tui sợ đến nổi bước ra ngoài đường đứng, chờ có người đến mới làm gan bước vô nhà. Gần đến giờ về, tui không dám vô nhà để dọn đồ. May mà lúc đó có người ghé qua, tui kiếm chuyện giữ họ lại nói chuyện trong khi tui dọn hết đồ ra ngoài.
Tui hỏi người listing agent “Có chuyện gì với ngôi nhà đó phải không?” Bà nhìn tui một hồi, rồi hỏi “Cô có nói chuyện với những agents khác không?” “Về chuyện gì?” Tui hỏi lại “Không có gì.” Bà nói.
Hôm sau, hai người agents đến hỏi tui về ngôi nhà, và họ kể tui nghe là họ cũng bị nhát như tui vậy mỗi khi họ đến căn nhà đó. Lúc ấy, bà listing agent mới chịu nói cho tụi tui biết là bà chủ nhà chết trong nhà đó hai năm trước.
 
Chuyen cua Bao Nguoi -Viet .Com 

 

                              ====================(+)


2/ Trước cổng một nghĩa trang ...

 

image


Trước cổng một nghĩa trang nọ, người ta thấy có một chiếc xe Roll Royce sang trọng dừng lại. Người tài xế tiến lại người giữ cổng và nói: xin anh giúp một tay cho người đàn bà này xuống xe vì bà ta yếu quá không đi được nữa. Vừa ra khỏi xe, người đàn bà tự giới thiệu và nói với người giữ cổng nghĩa trang:

- Từ hai năm qua, mỗi tuần, tôi là người đã gửi cho anh 5 đô-la để mua hoa và đặt trên mộ con trai tôi, nhưng nay các bác sĩ bảo rằng, tôi không còn sống được bao lâu nữa, nên tôi đến đây để chào từ biệt và cảm ơn anh đã mua hoa giùm tôi.

Thế nhưng, người đàn bà không ngờ rằng người giữ cổng nghĩa trang trả lời như sau:
- Thưa bà, tôi lấy làm tiếc rằng bà đã làm công việc ấy!


Người đàn bà cảm thấy như bị ai đó vả vào mặt. Nhưng bà vẫn còn đủ bình tĩnh hỏi lại người thanh niên:
- Tại sao lại lấy làm tiếc về cử chỉ đẹp như thế?

Người thanh niên giải thích:
- Thưa bà, tôi lấy làm tiếc vì những người chết như con trai bà, chẳng bao giờ còn thấy được một cánh hoa nào nữa !

Bị chạm tự ái, người đàn bà liền cao giọng:
- Anh có biết anh đã làm tổn thương tôi không?



image


Người thanh niên bình tĩnh trả lời:
- Thưa bà, tôi xin lỗi, tôi chỉ muốn nói với bà rằng có rất nhiều người đang cần đến những cánh hoa của bà hơn. Tôi là hội viên của một tổ chức chuyên đi thăm những người già lão, các bệnh nhân trong viện dưỡng lão, các bệnh viện. Chính họ mới là những người đang cần đến những cánh hoa của chúng ta, họ có thể nhìn thấy và ngửi được cánh hoa ấy.


Nghe thế, người đàn bà ngồi bất động trên chiếc xe sang trọng một lúc, rồi ra hiệu cho tài xế mở máy.

Vài tháng sau người đàn bà trở lại nghĩa trang. Nhưng lần này không cần ai giúp đỡ, bà tự động bước xuống xe với một dáng vẻ vui tươi nhanh nhẹn hơn, và điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, một nụ cười rạng rỡ, bà nói với người thanh niên giữ cổng:



image


   - Chú đã có lý, tôi mang hoa đến cho những người già lão, bệnh tật. Quả thật, điều đó đã làm cho họ được hạnh phúc. Nhưng người thực sự hạnh phúc chính là tôi. Các bác sĩ không biết được bí quyết làm tôi khỏe mạnh lại. Nhưng tôi đã khám phá ra cái bí quyết ấy, tôi đã tìm ra lẽ sống.

                 ==Chuyen trong Bao Mai Blog ==

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Ánh sáng Điếu Cày & Xin Coi DVD CA NHAC ASIA 75 ( 2014)

 Chúc Bạn Đọc Cuối Tuần Vui Vẻ !  

 

1/ Ánh sáng Điếu Cày

image
Điếu Cày đến bến tự do
  Khi trục xuất anh Điếu Cày ra khỏi Việt Nam, lãnh đạo CS nghĩ họ trục xuất anh sang Mỹ. Với lãnh đạo CS đó là một chọn lựa khôn ngoan. Bởi vì, theo họ, tên anh gắn liền với các phong trào chống chủ nghĩa Đại Hán Bá Quyền Trung Cộng; phong trào do anh lãnh đạo chẳng những không bị dập tắt dần theo năm tháng tù đày của riêng anh nhưng đã mỗi ngày một phát triển rộng; để anh ở lại là một mối lo canh cánh bên lòng.

Thật ra, đảng nghĩ vậy là lầm.

image
  Từ lâu Việt Nam đã hình thành hai khối, Việt Nam CS và Việt Nam Tự Do. Đảng không đẩy anh qua Mỹ mà đã đẩy anh về phía Việt Nam Tự Do đang có mặt ở khắp bốn phương trời kể cả tại Việt Nam. Thả một con chim như Điếu Cày bay vào bầu trời tự do, con chim đó sẽ không biền biệt cuối chân mây nhưng một ngày sẽ bay về ngậm theo những hạt lúa mới. Hạt lúa dân chủ, khai phóng, nhân bản và tình người.

   Khác với nhiều người tranh đấu trước anh, có thể ra đi vì chính kiến, ra đi vì quan điểm, ra đi vì gia đình, Điếu Cày ra đi vì trái tim khát vọng nồng cháy. Chính kiến có thể thay đổi, quan điểm có thể thỏa hiệp nhưng khát vọng độc lập, tự do dân tộc phát xuất từ trái tim của một con người chỉ có chết mới thôi.

image
  Khát vọng độc lập, tự do dân tộc như đã chứng minh trong suốt dòng lịch sử Việt Nam, là ngọn lửa không bao giờ tắt. Hơn một ngàn năm trong bóng đêm nô lệ nhà Hán, nhà Ngô, nhà Đường với bao nhiêu cực hình đày đọa, sáng xuống bể tìm ngọc châu, chiều lên non săn ngà voi, trầm hương, châu báu, nhưng dân tộc Việt vẫn bảo vệ được tính độc lập, vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt trong sáng và thuần nhất. Đất nước chúng ta đã hơn một lần bị mất đi và giành lại được, Thăng Long đã từng bị đốt cháy nhưng chúng ta hãnh diện nói lớn rằng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ bị mất gốc.

   Hiếm có trên một đất nước nào, ở đó, tên của một con sông, một ngọn núi, một thôn làng, cũng có thể làm cho người dân khi nhắc đến phải rơi nước mắt. Những Phong Hóa, Nam Quan, Mê Linh, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Thiên Trường, Diên Hồng, Chi Lăng, Lam Sơn, Đống Đa, v.v... không phải chỉ là những địa danh, mà hơn thế nữa, còn là là nơi giữ gìn anh linh hùng khí của dân tộc Việt Nam.

   Hình ảnh những chiếc búa, những chiếc rìu, những mũi thương, mũi đao, mũi tên bằng đồng đào được ở vùng Trung Châu, Bắc Việt, ở Sông Bạch Đằng, dọc Ải Nam Quan không chỉ là những cổ vật mà còn là chứng tích của bao nhiêu trận mạc, bao nhiêu cuộc chiến đấu, bao nhiêu máu xương và nước mắt của tổ tiên đổ xuống trước tham vọng của các triều đại Bắc phương xâm lấn.

image
  Trong lúc sự kính trọng dành cho hàng trăm nhà dân chủ đang bị tù dày bao giờ cũng sâu đậm, tình cảm của đồng bào trong và ngoài nước dành cho anh Điếu Cày, đặc biệt trong thời gian anh tuyệt thực đã vượt lên trên. Tình cảm đồng bào dành cho anh giống như tình cảm của anh dành cho đất nước: thiêng liêng, thân thương và trong sáng.

   Anh Điếu Cày không phải là nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị, nhà cách mạng, nhà lý thuyết, nhà hùng biện, nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Không phải là nhà nào cả. Anh chỉ là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cái tên một lần nghe rất lạ nay đã trở thành quen thuộc và gần gũi, đặc biệt trong lòng tuổi trẻ Việt Nam.

   Anh Điếu Cày không phải là Nelson Madela của Nam Phi, Aung San Suu Ky của Miến Điện, Vaclav Havel của Tiệp. Anh là một người Việt Nam bình thường, đơn giản như hạt gạo, củ sắn, củ khoai, con mắm, ngọn rau nhưng cũng vô cùng cao quý bởi vì anh nói lên khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.

   Nỗi đau trong lòng anh là nỗi đau của một dân tộc định cư hơn bốn ngàn năm trên bán đảo Đông Dương trải dài 3260 cây số nhưng nay chỉ còn bờ mà không còn biển. Phải dành lại biển Đông, phải giành lại những hòn đảo mang tên Việt Nam, phải giành lại những tài nguyên trong lòng biển mà cha ông đã đổ máu để giữ gìn. Anh bước đi trên con đường quê hương gai góc, con đường nhiều người khác không dám đi: con đường chống Trung Cộng xâm lăng.

image
  Mẫu số chung hôm nay là dân tộc và dân chủ. Mẫu số chung thiêng liêng đó vượt lên trên mọi hiệp định, mọi vĩ tuyến, mọi chia cách, mọi tôn giáo, thế hệ, trong hay ngoài nước. Mẫu số chung thiêng liêng đó không chỉ giá trị đối với những người đã từng hy sinh, từng đổ máu để bảo vệ miền Nam mà còn cho cả nhiều triệu đồng bào đã bị khủng bố từng ngày, từng đêm trên đất nước.

   Không giống như 70 ngàn người Nga lưu vong ở Paris sau cách mạng CS năm 1917 hay hàng trăm ngàn người Việt lưu vong ngay sau CS chiếm VNCH năm 1975, người Việt Nam tự do hôm nay không còn mang tâm trạng lưu vong nữa. Thời đại hôm nay là thời đại của những người chết đang bắt đầu sống lại và người đi đang lần lượt quay về. Anh Điếu Cày cũng vậy, trong lòng anh không có khái niệm lưu vong, anh ra đi là để quay về. Và chúng ta sẽ về.

image
  Cuộc cách mạng tin học, cách mạng kinh tế toàn cầu, sự sụp đổ của hệ thống CS Liên Xô và chư hầu Đông Âu đã xóa bỏ nhiều cách ngăn, biên giới, thu ngắn thời gian và thu hẹp không gian. Anh Điếu Cày rời nhà tù, anh ra phi trường, anh lên máy bay, anh xuống máy bay, đối với người Việt quan tâm đến đất nước và anh, tất cả điều đó như đã diễn ra trong cùng một không gian và cùng một múi giờ dù ở chúng ta ở đâu trên mặt đất này. Bởi vì, không gian là trái tim Việt Nam và thời gian được tính bằng nhịp đập của trái tim Việt Nam.

   Ngày cáo chung của chế độ CS toàn trị tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Ngay cả những lãnh đạo cao cấp nhất của đảng CS cũng biết điều đó. Những cường hào ác bá cai trị đất nước ngày nay không phải là những người làm nên lịch sử mà chỉ là những kẻ làm công việc giải thích, ăn cắp, bóp méo lịch sử cho phù hợp với tham vọng xích hóa Việt Nam của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản trước đây, và tiếp tục sống huy hoàng trên nỗi thống khổ triền miên của dân tộc Việt Nam. Họ phải bị lật đổ.

image
  Trước ngày 25 tháng 12 năm 1991, đảng CS Liên Xô cai trị một vùng đất có diện tích 22 triệu 400 ngàn kilomet vuông, rộng hơn cả thời huy hoàng nhất của Đế Quốc Nga và một đạo quân 5.3 triệu lính, nhưng không cứu vớt được Liên Xô.

   Sự sụp đổ của Liên Xô phát xuất từ nhiều lý do nhưng sâu xa nhất vẫn là từ khát vọng độc lập tự do của các dân tộc Estonia, theo chân là Lithuania, Latvia và lan dần sang các dân tộc khác như Azerbaijan, Armenia, Tajikistan và Uzbekistan. Những dân tộc bị trị chiếm hai phần ba dân số của Liên Xô và đã đấu tranh không ngừng nghỉ ngay từ ngày đầu bị cưỡng chiếm.

image
  Câu chuyện bi hùng về phong trào du kích Anh Em Rừng (Forest Brothers) của các dân tộc vùng Baltics chống lại CS Liên Xô từ sau thế chiến thứ hai là một bằng chứng hùng hồn. August Sabbe, người Estonia, kháng chiến quân cuối cùng của Anh Em Rừng bị KGB khám phá hơn 30 năm sau, ngày 27 tháng 9 năm 1978, nhưng chúng không giết được anh. Anh đã nhảy xuống sông Vohandu tuẫn tiết mang theo khát vọng tự do thiêng liêng. Phạm Hồng Thái của Việt Nam trước đó đã hy sinh như thế. Cuối cùng, tinh thần dân tộc và khát vọng dân chủ tự do của dân tộc Estonia đã thắng KGB và vượt qua được chính sách tẩy não vô cùng thâm độc của chủ nghĩa CS.

image
  Biển Thái Bình hôm nay là sông Bến Hải trước đây. Và thuận lợi hơn trước thời điểm năm 1975, bên kia Thái Bình Dương, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, vì quyền sống của con người đang bùng lên trên mọi ngã đường, mọi giới, mọi thế hệ. Quá khứ dù có khó khăn, hiện tại còn vất vả nhưng tương lai tươi đẹp rồi sẽ đến. Dòng sông dù còn vẩn đục nhưng nước đang trôi nên sẽ có một ngày trong. Cánh cửa đã mở. Ánh sáng đã rọi vào. Những người mang ánh sáng đang có mặt trên khắp ba miền đất nước.

image
 
   
  Họ còn ít, còn yếu nhưng họ là ánh sáng, ánh sáng Điếu Cày.



Boston, 22 tháng 10, 2014
Trần Trung Đạo 

****************
2/   Xin Coi DVD CA NHAC  ASIA 75 ( 2014)

NHỮNG GIỌNG CA HUYỀN THOẠI - PHẦN 1:

 https://www.youtube.com/watch?v=7QOk0PKerCo   ( PHAN 1)

NHỮNG GIỌNG CA HUYỀN THOẠI - PHẦN2 :

 

 https://www.youtube.com/watch?v=RJ6Tj-Oatsc   (PHAN 2)   
         

 Chúc Bạn Đọc Cuối Tuần Vui Vẻ !