Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Thursday , November 27 , 2014 --- Thanksgiving - Lễ Tạ Ơn

1/ Wednesday, November 26, 2014 - Bao Mai Blog :


      Thursday  , November  27  , 2014

             Thanksgiving   -  Lễ Tạ Ơn

 

                               

                            ===============================

 

15 Best Moments Of Thanksgiving
 
 
 
  Thanksgiving là một ngày lễ tổ chức tại khu vực Bắc Mỹ, thường được coi là dịp để bày tỏ lòng biết ơn. Nguồn gốc của Lễ Tạ ơn là để cảm ơn Chúa đã ban cho vụ mùa bội thu. Tại Mỹ, ngày lễ này được tổ chức vào thứ 5 của tuần thứ tư tháng 11. Tại Canada, dịp này được tổ chức vào ngày thứ 2 tuần thứ hai của tháng , còn gọi là Ngày Columbus
 

Ngày lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ
 
 



  Tỏ lòng biết ơn là một hành vi đạo đức cao quý của con người có văn hóa tốt. “Thank You” là câu nói phải có của những người lịch sự. Từ thuở xa xưa chưa có lịch sử, loài người đã cử hành các cuộc tế, lễ để tỏ lòng biết ơn về những gì mà Trời đất ban cho con người. Phong tục này có trên khắp hoàn cầu và bộ tộc lâu đời nào cũng cử hành ít nhất là một lần trong năm với những tiệc thịnh soạn để ăn mừng mùa màng đã thu hoạch tốt.

   Sử chép rằng giống nòi Việt vốn dòng dõi Vua Thần Nông (vị vua giúp dân phát triển việc trồng lúa để giải quyết vấn đề thực phẩm cho dân chúng mà dân số càng ngày càng tăng theo cấp số nhân) hàng năm tổ chức nhiều ngày hội hè ăn mừng được mùa. đặc biệt là ngày Tết Nguyên đán, nhà vua cử hành lễ Tế Trời đất và dân gian nấu bánh chưng và bành dày làm lễ Cúng Trời đất.





image
 

  Những bộ lạc da đỏ ở Châu Mỹ cũng có truyền thống tạ ơn đấng Tạo Hóa về tất cả những gì họ có. Hàng năm họ tổ chức ăn mừng 4 lần hoặc 6 lần với thịt hươu chứ không phải là gà lôi (turkey).

   Ở Âu Châu, truyền thống tạ ơn Chúa về những thu hoạch mùa màng đã được thực hiện rất phổ biến tại nhiều nơi với những tiệc tùng, khiêu vũ, và đốt pháo bông vào Mùa Thu từ Những Thời Trung Cổ.

   Ở Anh Quốc, Ngày Lễ Tạ Ơn xưa kia có tên là Harvest Festival (Hội Mừng được Mùa) được các nhà thờ cử hành trên khắp nước vào ngày Chúa Nhật để đánh dấu mùa gặt hái tại địa phương chấm dứt. Tập tục này lan qua Mỹ Châu bởi những di dân đầu tiên và tới năm 1863, Harvest Festival được đổi tên là Thanksgiving hay Thanksgiving Day được tổ chức vào thời điểm công việc mùa màng đã xong.

   Hiện nay, ở Canada, Lễ Tạ Ơn được tổ chức vào Thứ Hai của tuần lễ thứ nhì trong Tháng Mười. Ở Mỹ, Thanksgiving được chính thức cử hành trên toàn quốc vào Thứ Năm của tuần thứ tư trong Tháng Mười Một.





15 Best Moments Of Thanksgiving


 
  Thanksgiving Day còn có tên là Turkey Day và được Tổng Thống Roosevelt ký thành luật vào ngày 26 tháng Mười Một năm 1941.
 

Nguồn gốc khác nhau về lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ


Trước đây, dân chúng Hoa Kỳ mỗi tiểu bang đều có một ngày cử hành Lễ Tạ Ơn Trời và cũng để nhớ ơn những thổ dân đã chỉ cách trồng trọt cho những người di dân tới Mỹ Châu.

Ngày nay, hàng năm cứ đến Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng Mười Một, dân chúng Hoa Kỳ lại cử hành Thanksgiving Day hay Thanksgiving. đó là Ngày Lễ Tạ Ơn vào dịp mùa màng chấm dứt tại Hoa Kỳ.

 



 Có nhiều nhân vật thời di dân ghi chép lại những ngày lễ tạ ơn ở Mỹ Châu. Trải qua thời gian dài xây dựng Hợp Chủng Quốc, các vị tổng thống đã ấn định những ngày Lễ Tạ Ơn vào những ngày khác nhau và thường với mục đích là để hàn gắn vết thương của Cuộc Nội Chiến. Mãi đến năm 1941, Ngày Lễ Tạ Ơn mới được áp dụng chung trên toàn quốc Hoa Kỳ.


Nhóm hành hương tị nạn tôn giáo: The Pilgrims
 


  Vào thời gian đầu mới tới Mỹ Châu, Nhóm Hành Hương (The Pilgrims) dành riêng một ngày để ăn mừng sau mùa gặt hái vào năm 1621 tại Plymouth Plantation, Massachusetts.



image


  Sự tích là vào ngày 6 tháng Chín năm 1620, từ thị trấn Plymouth, Anh Quốc, 44 người ly khai Giáo Hội Anh Cát Lợi dẫn một nhóm 66 người di tản sang Tân Thế Giới Mỹ Châu) trên con tầu tên là The Mayflower. Bốn mươi bốn người ly khai tự mệnh danh là “Thánh” (Saints), còn những người khác thì họ gọi là “Người Lạ” (Strangers). Cuộc hành trình vất vả, có nhiều bất đồng, và kéo dài tới 65 ngày. Khi trông thấy đất liền vào ngày 10 tháng Mười Một thì đã có một người chết. Lúc sắp sửa cặp bến, họ ký kết với nhau một bản hợp đồng gọi là Mayflower Compact bảo đảm sự bình đẳng và thống nhất hai nhóm. Họ kết hợp lại và tự mệnh danh là The Pilgrims.

   Họ dự tính định cư tại Virginia, nhưng sau đó, vì bão tố, họ phải đổ bộ lên một nơi nay gọi là Plymouth, Massachusetts và định cư ở đó. Mùa đông năm ấy, nhờ sự giúp đỡ của thổ dân Wampanoag cho thức ăn và chỉ dẫn cách trồng trọt và săn bắt nên đoàn người mới sống sót.

   


  Năm sau, vào Mùa Thu, 1621, mùa màng thu hoạch tốt, Thống đốc William Bradford tuyên bố một ngày tạ ơn. Khoảng 50 di dân tổ chức Harvest Festival (Hội Mùa Gặt) đầu tiên kéo dài ba ngày và họ mời khoảng 90 thổ dân Wampanoag tới cùng chung vui và bày tỏ lòng biết ơn.





Ngày Thanksgving đầu tiên:




image
Tranh của Jean Louis Gerome Ferris (1863-1930)


 Thống đốc William Bradford ghi lại ngày ăn mừng này trong tập Of Plymouth Plantation và dưới đây là vài hàng trích dẫn:

   Bấy giờ mọi người bắt đầu thu hoạch số hoa màu nhỏ đem chất chứa trong nhà hay kho để dành cho mùa đông. Tất cả mọi người đều đã phục hồi sức khỏe và mọi thứ đã có đủ. Một vài người đi xa; số ở lại thì đi câu cá và chia phần cho mọi nhà. Suốt mùa hè đó, họ không có thiếu thốn gì. Và bây giờ thì họ kiếm thêm chim chóc chứa vào kho vì mùa đông sắp tới và nơi này thì chim chóc có rất nhiều. Ngoài chim chóc, còn có rất nhiều gà rừng và nai v.v. Hơn nữa, họ lại có một số lượng thực phẩm thu hoạch như là bắp (Indian corn).





Edward Winslow viết Mourt’s Relation và vài hàng trích dẫn sau:





image


  Mùa màng của chúng tôi đang được thu hoạch, vị thống đốc của chúng tôi phái bốn người đi bắt chim chóc để chúng tôi ăn mừng sau mùa thu hoạch do công lao của chúng tôi. Nhóm bốn người đã bắt được chim chóc thật là nhiều có thể dùng hầu như cả tuần cho mọi người. Vào lúc đó, trong những trò giải trí, chúng tôi thực tập bắn súng và có khoảng 90 thổ dân được mới tới tham dự trong đó có cả Vua Massasoit. Chúng tôi vui chơi ăn uống suốt ba ngày; một nhóm thổ dân ra ngoài săn bắt 5 con hươu (deer) đem về tặng cho thống đốc và các đội trưởng. . .

Nói tới buổi Lễ Hội được Mùa năm 1621 này, cũng nên nhắc lại chuyện một thổ dân tên là Tisquanto hay còn gọi là Squanto. Có lẽ Squanto là một trong số ít người đầu tiên được tiếp xúc với văn minh Âu Châu. Rồi, sau khi trở về quê hương để làm gạch nối giữa người da trắng và da đỏ, thì anh lại bị đồng bào anh coi là kẻ thù vì không chấp nhận sự hợp tác của anh với người da trắng. Tuy nhiên, anh vẫn kiên trì với thiện chí làm bớt đi những cuộc chém giết giữa người di dân và người da đỏ.

Khi người Âu Châu mới tìm ra Mỹ Châu, đoàn thám hiểm đã tổ chức bắt cóc một vài trẻ em bản xứ trong đó có Squanto đem về Anh quốc với mục đích để dạy dỗ cho nói tiếng Anh làm thông dịch viên sau này. Squanto được trao cho một giáo sĩ nuôi rồi được theo các tầu buôn trở về Mỹ Châu.





image
 

  Trở về Mỹ Châu, Squanto đã tìm cách vượt trốn khỏi vòng tay người da trắng, nhưng rồi bị bắt và bị bán làm nô lệ trôi nổi khắp đó đây kể cả Tây Ban Nha và các bến cảng Châu Phi. định mệnh xui khiến, một ngày nào đó Squanto lại xuất hiện ở quê hương của mình. Khi đoàn người di dân đổ bộ lên Plymouth, Massachusetts và đang sắp bị chết đói thì Squanto xuất hiện cùng với một số thổ dân người Wampanoag. Họ mang theo thức ăn cho người di dân và dạy người di dân cách trồng trọt và săn bắt. Nhờ đó mà đoàn di dân đã sống sót qua mùa đông băng giá năm đó và có thu hoạch tốt vào Mùa Thu năm sau. Chẳng bao lâu sau đó, Squanto bị lây bịnh sốt rét và qua đời. Hiện nay người da trắng và da đỏ vẫn còn nhớ ơn Squanto.


Những buổi tiệc Tạ Ơn Khác trên Mỹ Châu




image


Ngày 23 tháng Năm, 1541, Francisco de Vásquez de Coronado cùng thổ dân Tejas tổ chức Hội Tạ Ơn tại Palo Duro Canyon, Texas để ăn mừng cuộc hành trình của Francisco đi tìm thấy thực phẩm. Trong ý nghĩa tiệc mừng của người Âu Châu tạ ơn Chúa, ngày này cũng được nhiều người cho là đích thực Ngày Lễ đầu Tiên Tạ Ơn Chúa ở Bắc Mỹ.

Một tiệc mừng kế là tiệc mừng do Pédro Menéndez de Avilés tổ chức tại St. Augustine, Florida, ngày 8 tháng Chín, năm 1565. Tiệc mừng này cũng được cho là Thanksgiving đầu tiên tại Mỹ.

Một buổi tiệc khác cũng được cho là Lễ Tạ Ơn đầu Tiên ở Mỹ Châu là bữa tiệc của Don Juan de Onate tổ chức ngày 30 tháng Tư năm 1598 tại gần San Elizario, Texas.





Quốc Hội và Tổng Thống Ấn định Ngày Tạ Ơn :





image
 

  Đêm Thứ Tư trước ngày Thansgiving là một trong những đêm bận rộn nhất cho các quán ăn và quán nhậu bởi vì đó là đêm đầu tiên của các sinh viên trở về tỉnh nhà trong học kỳ.

Ngoài tiệc tùng, nhiều thành phố như New York, Philadelphia, Houston, Detroit có tổ chức các trận đấu túc cầu (footblall) và các toán diễn hành thường kết thúc bằng toán diễn hành của các Ông Già Noel cho biết là Lễ Chrismas đã khởi đầu.

Trong Cuộc Chiến Cách Mạng Mỹ Châu (Cuộc chiến chống Anh Quốc để thành lập ra Hoa Kỳ), theo thường lệ, Quốc Hội hàng năm ấn định một hay nhiều ngày lễ tạ ơn. Riêng tháng 12 năm 1777, George Washington đã tuyên bố một ngày tạ ơn nhằm vinh danh trận đánh thắng Anh Quốc ở Saratoga.

Vào những năm lên làm Tổng Thống, Goerge Washington ấn định lại những Ngày Lễ Tạ Ơn.

Tổng Thống John Adams ấn định Thanksgivings vào các năm 1798 và 1799

Tổng Thống Madison ấn định Thanksgiving vào lúc kết thúc cuộc chiến, 1812.

Tại bang New York, thanksgiving hàng năm được Thống đốc ấn định kể từ năm 1817.

Có một số tiểu bang ở miền nam không nhìn nhận những ngày tạ ơn như các tiểu bang khác. Tới năm 1858 mới có 25 bang và 2 lãnh thổ nhìn nhận Ngày Lễ Tạ Ơn.




image


Trong Cuộc Nội Chiến, Tổng Thống Abraham Lincoln tuyên bố ngày Thứ Năm cuối cùng trong Tháng 11 năm 1863 là Thanksgiving cho toàn quốc. Từ 1863, hàng năm toàn quốc Hoa Kỳ đều cử hành Lễ tạ Ơn vào ngày Thứ Năm cuối cùng của Tháng Mười Một. Nhưng tới năm 1939 thì T.T. Roosevelt lại tuyên bố rằng Thanskgiving nên là ngày kế ngày Thứ Năm cuối cùng trong tháng 11 hơn là ngày cuối cùng với mục đích giúp cho thời gian mua sắm vào dịp Christmas được kéo dài hơn. đề xuất này không có tính bắt buộc nên chỉ có 23 bang theo khuyến cáo này còn 22 bang khác không theo. Còn các bang khác, như Texas, đã ấn định cả hai tuần lễ là ngày Tạ Ơn.

Tới năm 1941 thì Quốc Hội HK quyết nghị lấy ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11 là ngày Thanksgiving. Ngày 26 tháng 11 năm 1941, T.T. Roosevelt ký ngày Tạ Ơn toàn quốc đó thành luật.




image
Tổng Thống Truman nhận một gà lôi biếu tại trước Tòa Bạch Ốc
 
 
   Khi Lễ Tạ Ơn chấm dứt thì mùa nghỉ lễ mùa đông truyền thống lại bắt đầu. đó là mùa mua sắm cho Lễ Giáng sinh được khởi sự vào ngày Thứ Sáu đen "Black Friday" ngay sau Ngày Lễ Tạ Ơn. Truyền thống này được thành lập ít nhất là vào những năm 1930. Trong khi ngày nhộn nhịp nhất về mua sắm vẫn là ngày Thứ Sáu sau ngày Thanksgiving thì ngày có số lượng hàng bán ra lớn nhất là ngày Thứ Bẩy hay là ngày 23 Tháng 12. Hầu hết các cửa hàng đều tăng số hàng tồn kho cho mùa nghỉ tháng Mười Hai vào ngay sau Ngày Halloween, thậm chí có khi còn trước cả ngày vui đùa đó. Thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn hay là Black Friday còn được coi như là ngày Không Mua Gì Hết mà những người phản đối không mua sắm gì vì họ cho đó là những thói quen tiêu thụ phí phạm của những nước Số Một trên Thế Giới.



image


Dầu sao thì Lễ Tạ Ơn mở ra ở Mỹ Châu vẫn mang đầy ý nghĩa biết ơn Thượng đế và Những Thổ Dân đã cứu giúp những vị Tiền Bối Hành Hương "The Pilgrim Fathers" những người đã đặt nền móng cho Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.


Những hoạt động trong ngày Tạ ơn




image


Lễ Tạ ơn là một dịp để những người trong gia đình và bạn bè gặp gỡ, cùng chia sẻ niềm vui. Ở Mỹ, đây là một ngày lễ quan trọng của gia đình và mọi người có thể đi từ đông sang tây để gặp gỡ các thành viên trong gia đình. Kỳ nghỉ Tạ ơn thường rơi vào "4 ngày" cuối tuần. Dịp này phần lớn được tổ chức ở phạm vi gia đình, không giống như ngày 4/7 hay lễ Noel, tổ chức rầm rộ với sự tham gia của công chúng.

Ở Canada, lễ Tạ ơn diễn ra trong 3 ngày cuối tuần và không được coi trọng như ở Mỹ. Vào dịp này, các gia đình Canada khó có thể tụ họp với nhau, thay vì thế họ coi ngày Noel là dịp để thành viên trong gia đình đoàn tụ. Thêm vào đó, lễ Tạ ơn tại Canada lại rơi vào ngày thứ 2, nên người Canada có thể ăn bữa tối Tạ ơn vào bất kỳ ngày nào trong số 3 ngày cuối tuần trước đó. Điều này có nghĩa, họ sẽ ăn tối cùng một nhóm họ hàng trong 1 ngày và một bữa khác với nhóm khác vào ngày hôm sau.





image
Bóng hình ngôi sao in dòng chữ của tập đoàn siêu thị Macy's
 
 
   Một hoạt động không thể thiếu vào dịp Tạ ơn là mua sắm. Bắt đầu từ những năm 1930, mùa mua sắm nhân dịp Giáng sinh bắt đầu khi lễ Tạ ơn kết thúc. Tại thành phố New York, cuộc diễu hành nhân ngày Tạ ơn của Tập đoàn Macy's được tổ chức hàng năm tại khu trung tâm Manhattan. Cuộc tuần hành được tổ chức theo các chủ đề đặc biệt nào đó, hoặc mô phỏng các cảnh trong những vở kịch trên sân khấu Broadway kèm theo những chùm bóng lớn vẽ nhiều nhân vật hoạt hình hoặc diễn viên truyền hình nổi tiếng. Diễu hành nhân dịp Tạ ơn cũng diễn ra ở một số thành phố khác như Plymouth, Houston, Philadelphia và Detroit. 

   Dù ngày mua sắm lớn thứ hai trong năm tại Mỹ là ngày Thứ Sáu đen tối sau lễ Tạ ơn, hầu hết các cửa hàng đã bắt đầu dự trữ hàng ngày sau lễ Halloween, đôi khi từ trước nữa.





image


Một hoạt động chính khác trong dịp lễ Tạ ơn tại Mỹ là đá bóng. Theo truyền thống, hai đội chuyên nghiệp sẽ giao đấu vào ngày Tạ ơn, song đến gần đây, các trận bóng được tổ chức vào ngày trong tuần, không phải vào chủ nhật.




Thanksgiving-Wishes-Quotes-Sayings-For-Cards-E-Cards Happy Thanksgiving Wishes Quotes Sayings For Cards & E-Cards


                                                     .
                    Thanksgiving Practice Round: Appetizers


        


                                           ****************

2/ Ngày lễ Tạ ơn trên đất Mỹ và câu chuyện của những lá cờ

 

Published on November 26, 2014   ·    TTXVA.NET BIÊN TẬP

   Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) lại tới, mở đầu cho một mùa lễ (Christmas season) kéo dài tới Noen, qua Năm Mới.
 
 
Ngày lễ Tạ ơn trên đất Mỹ và câu chuyện của những lá cờ
Thanksgiving năm nay rơi vào ngày thứ Năm thứ tư của tháng 11, tức 27 tháng 11, chứ không phải là ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 như nhiều người lầm lẫn
Từ hơn mười năm nay, trong các ngày lễ ở Mỹ, tôi thích nhất ngày Thanksgiving vì tính chất gia đình của nó, bởi vì nó ngày lễ thế tục, của sự sum họp, ngày lễ dành cho tất cả mọi người, mọi tôn giáo, tín ngưỡng.
Theo American Automobile Club Mỹ (AAA), khoảng 41,3 triệu người Mỹ có gia đình (cha, mẹ) ở cách nơi cư trú 50 dặm hoặc nhiều hơn, sẽ khởi hành du lịch bằng xe hơi về thăm nhà, nhiều hơn khoảng 4,2% so với năm 2013 và cao nhất kể từ năm 2007. Năm nay số xe chạy trên đường nhiều hơn do giá xăng rẻ nhờ Mỹ phát triển công nghệ khai thác khí phiến đá sét, đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm nay. Tại bang Texas xăng chỉ còn hơn 2,6 đôla/galon (gần 4 lít), còn giá trung bình trên toàn nươc Mỹ là khoảng 2,85 đôla/galon.
Các sân bay nước Mỹ sẽ vô cùng bận rộn. Cũng theo dữ liệu của AAA, 3,55 triệu người sẽ tận dụng máy bay, nhiều nhất kể từ năm 2007. Giá vé trong kỳ nghỉ lễ tăng 1%. Theo truyền thống, ngày bận rộn nhất tại sân bay là thứ Tư, 26 tháng 11.


 
 
  Người ta ước tính người Mỹ chi tiêu trung bình khoảng 573 đôla cho việc du lịch liên quan đến ngày Lễ Thanksgiving.
Năm nay ngày lễ tới khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống vừa xong, với chiến thắng của đảng Cộng Hoà, lớn nhất kể từ Thế chiến thứ Hai, chiếm 248 ghế tại Hạ Viện và 52 ghế tại Thượng viện, giành quyền kiểm soát toàn quốc hội.
Chỉ số thất nghiệp giảm chỉ còn hơn 5% đã không giúp được gì cho đảng Dân Chủ. Người Mỹ vẫn ca thán lương không tăng và nền kinh tế chậm chạp phục hồi suốt những năm qua hiển nhiên là do Barack Obama, Tổng thống thuộc đảng Dân Chủ.
Từ nay tới khi có tổng thông mới vào năm 2016 sẽ là giai đoạn, theo dự đoán, đứng tại chỗ của tình hình chính trị. Tổng thống Barack Obama rất khó xoay xở tìm kiếm được sự đồng thuận của quốc hội trong các chính sách của mình.
Sử dụng quyền hạn hành pháp, Tổng thống Barack Obama trong tháng 11/2014 đã ra sắc lệnh ân xá không chính thức cho 5 triệu trong 11 triệu di dân sống bất hợp pháp trên đất Mỹ. Đây là một quyết định táo bạo, hợp lòng người, nhưng nó sẽ khoét sâu thêm mâu thuẫn vốn có giữa đảng Cộng hoà và Tổng thống.
Bộ trưởng Bộ quốc phòng Chuck Hagel, nhân vật duy nhất thuộc đảng Cộng hoà trong nội các của Barack Obama từ chức theo gơi ý của Tổng thống là một thách thức trước tình hình đối ngoại căng thẳng: gửi lính qua Iraq đương đầu với ISIS, phía Đông Ukraina nóng bỏng vì sự can thiệp của Nga, thoả thuận không thành với Iran về vấn đề hạt nhân, bất ổn ở  Afganistan, Bắc Triều tiên đe doạ thử vũ khí hạt nhân sau khi bị đưa ra Hội đồng toàn thể Liên Hiệp Quốc tố cáo về tội ác chống nhân loại, giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Bắc Á…
Theo BBC, là người của đảng Cộng Hoà, ngoài lý do quan hệ không tốt với chính quyền Obama, người ta còn đoán thêm các lý do khác dẫn tới sự ra đi của Chuck Hagel, như thiếu hiểu biết về Trung Đông trong bối cảnh cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hồi gay gắt; thậm chí ông là vật tế thần cho chính sách ngoại giao và an ninh ẻo lả của Tổng thống…
Quyết định của Bồi thẩm đoàn không truy tố Darren Wilson, viên cảnh sát đã bắn chết thanh niên da đen 18 tuổi Michael Brown, làm không khí phản kháng của cư dân Ferguson trào lên mãnh liệt. Mặc dù công tố viên tiểu bang Missouri Robert McCulloch nói rằng, 9 trên 12 thành viên bồi thẩm đoàn bỏ phiếu thuận đã “dốc trọn trái tim và khối óc” để xem xét sự việc, phải “tách rõ cái nào là sự thật cái nào là hư cấu” và một số lời chứng đi ngược lại với bằng chứng. Thế nhưng dân chúng cho rằng phán quyết của bồi thẩm đoàn là thiên lệch, mang tính phân biệt chủng tộc. Người biểu tình đã tràn ra đường phố chỉ vài giờ sau khi có phán quyết. Đã xảy ra nổ súng, hôi của và nhiều tòa nhà cũng như xe hơi bị đốt cháy ở xung quanh khu vực xảy ra vụ bắn người. Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi người dân ở Ferguson bình tĩnh và nếu có phản đối thì hãy “ôn hòa”.
Bão tuyết chưa từng có ở Buffalo, thành phố phía Bắc nước Mỹ. Tuyết rơi dày tới 7 feet, mặc dù bắt đầu giảm từ ngày ngày thứ Hai, nhưng lại có những lo ngại về lũ lụt khi tuyết tan. Một số trường học bị đóng trong suốt tuần Lễ Thanksgiving.
Cận kề ngày lễ, có những tin tức không mấy vui vẻ, nhưng cũng giống như ở Việt Nam “Số tôi không giàu thi nghèo/Ba mươi Tết có thịt treo trong nhà”, ước tính khoảng 45 triệu chú gà tây quay sẽ nằm trên bàn tiệc trong ngày Thanksgiving. Người Mỹ hào phóng chi cho bữa ăn tối trong ngày lễ khoảng 600 triệu đôla.
Ngày thứ 6, tức ngày kế tiếp sau ngày Lễ Thanksgiving, được gọi “Black Friday”, hơn 100 triệu người Mỹ sẽ đi sắm đồ theo ước tính Liên đoàn Thương mại Mỹ và sẽ bỏ ra hàng chục tỷ đôla mua hàng đại hạ giá (năm 2007 người Mỹ chi tới 20 tỷ đôla, dù kinh tế lúc đó đã bắt đầu suy thoái).
Tôi qua Mỹ là thực hiện mơ ước của mình hồi từ hồi còn rất trẻ: cố gắng đặt chân lên đất Mỹ để xem tư bản nó ra sao mà phát triển thịnh vượng như thế. Tôi đã chạy khỏi Việt Nam, định cư và mưu sinh ở Ba Lan hơn hai mươi năm, là nhân chứng của sự sụp đổ chế độ cộng sản Ba Lan và tiến trình xây dựng dân chủ thành công trên đất nước này.
Năm 2003, trở về Ba Lan sau khi tham dự Đại hội Truyền thông Hải ngoại lần thứ nhất ở California tôi quyết định chuyển qua Mỹ. Tôi không thuộc những người qua Mỹ tị nạn cộng sản, nên chẳng phải mang ơn ai trong cộng đồng người Việt. Tự bản thân tôi tìm hiểu và buơn trải trên đất Mỹ. Ngay cả căn nhà tôi đang ở cũng mua hoàn toàn bằng tiền dành dụm được từ Ba Lan chuyển qua.
Tôi chằng có lý do nào để gắn bó với cờ vàng ba sọc đỏ. Tôi tôn trọng nó vì biết rằng, hầu hết các tiểu bang của nước Mỹ công nhận nó là biểu tượng của cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại. Nhưng qua những sinh hoạt với cộng đồng tôi nhận thấy trong tâm thức của hầu hết người Việt hải ngoại vẫn xem nó là cờ của Việt Nam Cộng Hoà (VNCH). Trong các buổi lễ người ta vẫn thực hiện nghi thức chào “quốc kỳ” và hát “quốc ca” của VNCH.
Người Việt hải ngoại có quyền hoài niệm quá khứ, có quyền suy nghĩ theo cách mà họ lý giải, nhưng cho rằng, cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ của Tổ quốc Việt Nam, là biểu tượng của tự do dân chủ và nhân quyền, rồi bắt người khác tranh đấu cho dân chủ tự do phải đứng dưới lá cờ ấy là không hợp lý. Trường hợp anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị ấn cờ vàng vào tay khi vừa đặt chân tới Mỹ tại sân bay, hay bị khoác lên cổ trong cuộc gặp mặt ở Washington DC hôm 23 tháng 11, nằm trong tư duy đó. Hành động này cũng giống như chế độ cộng sản buộc yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội.
Chính phủ, thành phố của các tiểu bang nước Mỹ công nhận cờ vàng là biểu tượng của đồng người Việt tại Mỹ, không đồng nghĩa với công nhận sự hiện hữu của VNCH. Nhà nước VNCH đã thua trận và không còn tồn tại về mặt pháp lý từ ngày 30 tháng Tư năm 1975. Nước Mỹ đang có quan hệ ngoại giao với nhà nước Cộng sản Việt Nam chứ không phải với VNCH ,
Nước Mỹ
Cờ vàng ba soc đỏ có cội nguồn và một truyền thống lịch sử dài từ thời Nguyễn, nhưng nhà Nguyễn sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, đã chịu để cho nhà Thanh Trung Quốc phong vương và hàng năm triều cống, xem Việt Nam như một chư hầu lệ thuộc. Lấy lá cờ của một triều đại như thế làm lá cờ của Tổ quốc, theo tôi, không xứng đáng.
Cờ đỏ sao vàng là lá cờ mang ý thức hệ cộng sản, của một chế độ tội ác, đã gây ra bao nhiêu bi kịch cho dân tộc, do Đảng Cộng sản Viêt Nam áp đặt, vì thế nó chỉ có thể là cờ của Việt Nam trong giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị. Nó không bao giờ là cờ của Tổ quốc Việt Nam.
Như vậy, cờ đỏ sao vàng và cũng như cờ vàng ba sọc đỏ đều không phải là lá cờ được nhân dân Việt Nam chọn lựa tự do và dân chủ.
Khi nào Việt Nam thật sự có tự do, dân chủ, một quốc hội được toàn dân chọn lựa qua bầu cử tự do quyết định, thậm chí thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, chọn cờ nào, thì lá cờ ấy sẽ có giá trị vừa mang tính dân tộc vừa tính pháp lý, biểu tượng cho Tổ quốc Việt Nam.
Nhân ngày lễ Thanksgiving tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ tản mạn của mình với bạn đọc.
Cũng nhân ngày lễ này tôi bày tỏ lòng biết ơn và tri ân với Ba Lan và nước Mỹ !
Thanks You, America – đất nước văn minh, tự do đã cho tôi cơ hội được sống và làm việc, cho con cái tôi được hưởng một nền giáo dục tuyệt vời với con đường tương lai rộng mở.
(nguồn : Lê Diễn Đức – RFA Blog)
===============================

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Quý vị có ai biết Nguyễn Tuấn ? &

Tuesday, November 25, 2014

 

1/ Quý vị Có ai biết Nguyễn Tuấn ? 

 

 
 
  Chắc quý vị không ai biết Nguyễn Tuấn. Anh qua đời khi đang ngồi trong quán bánh ngọt tên là Jolly Donuts nằm ở góc Đại lộ Roscoe và Đường De Soto trong thành phố Los Angeles, nước Mỹ. Một chiếc xe hơi SUV cao và lớn đâm thẳng vào tiệm bánh lúc anh đang uống cà phê, khoảng 10 giờ đêm ngày 4 tháng Mười năm 2014.
 
 

image
 

   Khi chết đi, trong túi Nguyễn Tuấn chỉ có mấy tấm vé sổ số cũ, 350 đô la tiền mặt, và một điện thoại di động. Thi hài anh được đưa vào nhà xác thành phố, tạm ghi tên là John Doe No. 278. John Doe là cái tên chung đặt cho những người không biết rõ họ, tên. Giống như lối người Việt gọi những người không rõ họ tên Nguyễn Văn Mỗ. Anh là tên Nguyễn Văn Mỗ thứ 278, trong số mấy trăm di hài vô thừa nhận trong nhà xác Los Angeles, một thành phố dân số gần 10 triệu.


image
John Doe No. 278
 
 
  
Sở giảo nghiệm (Coroner) chắc đã nhờ cảnh sát hỏi nhân viên làm trong quán cà phê mà đêm nào anh cũng tới, biết người ta gọi anh là “Tuan,” họ “Nguyen.” Vậy chắc tên anh là Nguyễn Tuân hay Nguyễn Tuấn. Nhưng vì anh không mang giấy tờ nào, cũng không thấy thân nhân nào đến nhận diện, cho nên họ vẫn ghi cái tên John Doe No. 278. Dấu tay anh được đưa cho cảnh sát tìm thêm, nhưng họ tìm không thấy trong các hồ sơ lưu trữ. Cả đời anh chưa bao giờ bị bắt vì phạm tội. Có người cho biết tuổi anh, chắc sinh vào năm 1961. Sở Xe tự động (DMV) cho chạy tên Tuan Nguyen 1961 trong máy vi tính, hy vọng tìm ra các chi tiết khác. Máy cho biết có 623 người họ, tên tương tự. Nếu tìm trong hồ sơ của Sở Di trú chính phủ Mỹ, chắc có thể thấy những dấu tay giống của anh; vì khi một di dân vào nước Mỹ thế nào cũng được lấy dấu tay. Nhưng trước đây gần 40 năm chưa có máy vi tính để chứa được nhiều dữ kiện trong hồ sơ các di dân như vậy. Cuối cùng, trước pháp luật, anh chỉ là John Doe No. 278, vô danh.

   Thi hài Nguyễn Tuấn đang được giữ trong phòng lạnh của thành phố, với vài trăm người khác. Người ta sẽ lấy mẫu sinh học DNA từ người anh, lưu giữ để sau này cần sẽ dùng. Trong thời gian từ hai đến sáu tháng, nếu không ai đến nhận, anh sẽ được hỏa thiêu, rồi đưa về cất tại nghĩa trang của Quận Los Angeles. Trong vài năm, nếu vẫn chưa ai tìm, tro của anh sẽ được đem chôn. Mỗi năm, vào tháng Mười Hai, thành phố sẽ làm một lễ cầu nguyện cho tất cả những người được chôn chung như anh. Tôi viết bài này để xin báo Người Việt đăng ngày 22 tháng 11 năm 2014, nhân dịp 49 ngày Nguyễn Tuấn. Để xin quý vị cùng cầu nguyện hương linh anh bước vào một cõi bình an vĩnh cửu.



image
Security video from Oct. 4, 2014 shows a man, who is officially known to the Los Angeles County Coroner as John Doe




   Tôi biết đến Tuan Nguyen nhờ đọc ký giả David Montero, tác giả bài “Who was Tuan Nguyen?” Tuan Nguyen là ai? trên tờ Los Angeles Daily News, số ngày 25 tháng Mười. Anh Thiện Giao, chủ bút nhật báo Người Việt, đã gửi bài ký hay cho tòa soạn cùng học hỏi. Montero đã tìm thêm, biết Tuan Nguyen là một người Việt trong số những thuyền nhân, “boat people” chạy khỏi nước Việt Nam trước đây hơn 30 năm. 

   Những người đầu tiên Montero phỏng vấn chắc là các nhân viên tiệm bánh, ai cũng nhớ Tuan Nguyen. Họ cho biết mỗi buổi tối anh đều tới quán đúng 9 giờ, trả một đô la mua ly cà phê. Anh cho rất nhiều đường và chỉ quấy sữa bột, không bao giờ dùng sữa lỏng. Anh ngồi ở một cái bàn nhất định, nếu chỗ đó có ai ngồi thì anh chờ tới lúc bàn trống mới vào. Lý do vì cái bàn đó gần chỗ cắm điện để anh “chạc” máy điện thoại di động. Vì cái máy đó mà mỗi đêm anh đến quán cà phê “chạc” điện. Buổi tối anh qua đời, cái máy vẫn còn chạc chưa đầy.  Chắc anh chỉ dùng cái cell phone để chơi “games,” các trò chơi điện tử. Trong máy không ghi lại một số điện thoại của người nào. Cũng không thấy số điện thoại nào gọi tới mà không gặp. Anh có rất nhiều bạn trong khu này; nhưng chắc anh không gọi cho ai bao giờ.
 
 

image
 

 
  Tuan Nguyen sống không nhà, một người “homeless.” Mỗi ngày anh đi lượm lon, bán lấy tiền sống. Tối ngủ quanh quẩn trong công viên Canoga Park hay Winnetka Park. Ký giả Montero đã hỏi chuyện bà Lori Huynh, 77 tuổi. Bà biết Tuấn đã 20 năm nay; thân với nhau vì cùng trải qua cảnh vượt biển. Bà Huỳnh đi năm 1980 khi chồng bà còn nằm tù trong trại “cải tạo.” Chiếc thuyền chở 300 người chạy trốn chế độ cộng sản; tới được một hòn đảo ở Indonesia, bà đã sống ở đó sáu tháng. Bà Huỳnh kể lại nhiều cảnh hãi hùng. Năm 1986 bà mua lại một tiệm làm Nails.  Thấy một anh da vàng hay đi qua lại, bà làm quen, mời anh ly cà phê. Hai năm sau Tuấn mới thổ lộ, kể rằng cha mẹ anh đã chết hết trên biển; anh là người duy nhất còn sống sót. 

   Không biết gia đình Nguyễn Tuấn vượt biển năm nào. Năm nay anh 53 tuổi thì chắc lúc đến nước Mỹ anh đã hơn 13 rồi. Tuấn kể với bà Huỳnh rằng cha mẹ anh từng làm việc tại “cơ quan điện nước” ở thành phố Sài Gòn. Gia đình sống trong khu chúng cư, một khu nhà đẹp đẽ thuộc lớp trung lưu, của sở. Anh đã học Trung học Petrus Ký lúc trường chưa bị đổi tên; vậy trước 1975 anh đã hơn 10 tuổi. Anh kể khi đi học anh giỏi toán. Nhiều người cũng nhớ lại trong túi đeo vai của anh lúc nào cũng có một cuốn sách, lâu lâu anh lại ngồi xuống vẽ các đồ biểu hay hình học.

   Nhà báo Montero cũng gặp Ben Massaband, chủ nhân một tiệm giặt khô trong 32 năm qua, nằm bên cạnh tiệm Nails của bà Huỳnh. Lâu lâu Tuan Nguyen vẫn giúp ông đem thùng rác ra cho xe đổ rác lấy. Ông nói, “Tôi gặp Tuan Nguyen nhiều hơn gặp vợ con.” Cô Kate Leone là chủ nhân một tiệm thẩm mỹ gần đó; cô kể có lần Tuan Nguyen đã giúp cô mà không cho cô biết. Một tối Chủ Nhật cô Kate đóng cửa tiệm mà không vặn khóa. Tiệm nghỉ ngày Thứ Hai, đến sáng Thứ Ba cô tới mới biết mình đã quên. Sau khi kiểm soát khắp chỗ, thấy không mất gì cả, cô vào coi lại trong máy truyền hình tự động. Trong cuộn phim cô nhìn thấy anh Tuan Nguyen đã đứng gác trước cửa tiệm giúp cô cả ngày Thứ Hai; có lúc anh đi khỏi, khi quay về lại kiểm soát xem có ai mở cửa vào tiệm hay không. Cô Maria Avila là thợ hớt tóc, biết Tuan Nguyên rất nhiều, mỗi năm cô cắt tóc cho anh hai lần. Cô kể mỗi lần lại bảo cô cắt cho anh không lấy tiền, nhưng lần nào anh cũng từ chối, nhất định trả đủ 10 đô la. Cô vừa nói vừa khóc: “Tuan Nguyên nghĩ chúng tôi săn sóc anh ấy, nhưng thực ra chính anh đã chăm sóc cho chúng tôi.”


 



image
Brooke Carrillo, center with dog
 
 
   Một người bạn “homeless” của Tuan Nguyên là bà Brooke Carrillo, 42 tuổi. Năm ngoái bà bị mất nhà, vì mất việc rồi không đủ tiền trả nợ ngân hàng. Mỗi Thứ Năm bà đến nấu nướng giúp nhà thờ, cung cấp bữa ăn cho những người vô gia cư khác. Tuan Nguyên tuần nào cũng tới, lần chót là hai ngày trước khi anh mất. Bà còn nhớ anh thích ăn mì spaghetti kiểu Ý và nước trái cây. Bà biết anh thường ngủ ở công viên Winnetka Park hoặc một chỗ kín đáo trên con đường đó. Bà Carrillo đang sống trong cái xe hơi cũ của mình, trên nóc xe chất đầy đồ, phủ mền kín. Hàng ngày bà cũng đi lượm lon. Bà cần tiền đổ xăng, vì phải di chuyển chiếc xe hơi trong những ngày đường cấm đậu xe. Bà nhớ lại có lần hết tiền mua xăng, Tuan Nguyên cho. Bà cũng khóc, “Anh ta là một người nhân từ, hào hiệp, không bao giờ làm phiền ai cả.”
 
 

image
 

   Bà Huỳnh vượt biển đã bán tiệm Violet Nails từ năm 2007, sau khi quen Nguyễn Tuấn 20 năm. Bà đã giặn dò người chủ mới “phải trông nom cho Tuấn” như một điều kiện khi bán tiệm. Và những người chủ mới vẫn giữ lời; nghe tin anh chết, ai cũng khóc. Họ đem hoa tới đặt tại nơi xẩy ra tai nạn. Cách đây ít lâu, Tuan Nguyên trúng vé số, được 800 đô la. Anh đã đi mua hoa đến tặng tiệm Violet Nails và mua nước hoa tặng các cô nhân viên.

 

image
Sivlai Chung, owner of Jolly Donuts in Canoga Park, stands in the empty store during the rebuilding process where Tuan Nguyen was killed when a car drove through the donut store.


   Ký giả David Montero, dưới tựa bài “Who was Tuan Nguyen?” đã viết thêm một dòng tự nhỏ: “Bạn bè kể lại niềm bí ẩn của người vô gia cư chết tai nạn xe hơi ở LA  ”        . (Friends unravel mystery of homeless man killed in LA accident). 

   Nhưng nhiều bí ẩn khác trong cuộc đời Nguyễn Tuấn sẽ không bao giờ được kể lại. Tại sao anh phải sống không nhà suốt mấy chục năm qua, trong khi nhiều thiếu niên cùng tuổi với anh đến tị nạn ở Mỹ một mình, các em đó vẫn sống  được, nhiều người đã thành công? Anh đã chứng kiến những thảm cảnh nào trong chuyến vượt biển, lúc 14, 15 tuổi Nguyễn Tuấn chỉ kể chuyện đời mình với bà Huỳnh sau hai năm quen biết, và bà kể lại rất ít chi tiết. Có phải vì anh vẫn còn kinh hoàng khi nhớ lại quá khứ hay không? Cái chết của cha mẹ anh, và bao nhiêu người khác trong chuyến đi đã ảnh hưởng tới tâm não anh thế nào? Anh đã trông thấy những gì, nghe những âm thanh nào trên mặt chập trùng gào thét? Nguyễn Tuấn mang theo những niềm bí ẩn đó xuống tuyền đài. Chắc hương hồn anh đã bay ngay lập tức về Biển Đông tìm gặp lại cha mẹ anh. Dân tộc Việt đã vác cây thánh giá trong bao nhiêu năm, hết cuộc chiến tranh lại đến chế độ độc tài tàn ác khiến mấy trăm ngàn người phải chết chìm trên biển cả khi chạy tị nạn. Nguyễn Tuấn vẫn một mình vác cây thánh giá đó bao nhiêu năm, cho đến ngày 4 tháng Mười năm 2014.
 
 

image
David Montero
 
 
   Nhưng có một điều rõ ràng, minh bạch, không bí ẩn trong cuộc đời Nguyễn Tuấn: Anh qua đời, tất cả những người quen biết anh đều thương tiếc – như David Montero kể. Không một ai nói một kỷ niệm xấu nào. Một người “không bao giờ làm phiền ai cả” như bà Carrillo nói về anh, đã khó kiếm. Nhưng Nguyễn Tuấn còn đáng ngợi khen hơn thế nữa. Anh nhân từ, hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ người chung quanh. Thấy có thể giúp được ai, là giúp, như một Hướng Đạo sinh tuân theo lời hứa thứ hai. Giúp một người chủ tiệm quên khóa cửa cho tới một người bạn homeless thiếu tiền đổ xăng; và chắc còn bao nhiêu người khác mà ký giả Montero không gặp. Nguyễn Tuấn sống một mình nhưng không cô đơn, vì lúc nào anh cũng nghĩ đến người khác. Anh sống vô gia cư nhưng có cả một gia đình lớn, là những người gặp gỡ hàng ngày, ai cũng quý mến anh. Anh tận tình giúp người mà không muốn nhờ vả ai, không chờ ai đền đáp. Anh giữ tư cách, không nhận người khác bố thí cho mình, dù chỉ là công cắt tóc trị giá 10 đồng. Khi có tiền, 800 đô la là một món tiền lớn đối với anh, anh không hưởng một mình mà đem chia sẻ niềm vui chung với những người tử tế quanh mình.


Nguyễn Tuấn đã theo một quy tắc cư xử mà loài người vẫn dậy nhau mấy ngàn năm nay: Sống đàng hoàng tử tế; người khác sẽ tử tế với mình. Cứ thế, chúng ta sẽ tạo nên một thế giới gồm những người tử tế. 

Một thiếu niên bơ vơ nơi đất khách quê người, không thân thích, không nơi nương tựa; chắc anh đã trả qua những thất bại lớn trong đời nên sống vô gia cư mấy chục năm nay. Nhưng khi qua đời anh vẫn được người khác kính trọng. Anh sống ở Mỹ, nhưng nếu sau khi vượt biển anh có lưu lạc đến xứ Zambia hay Equator thì chắc tư cách đàng hoàng của anh vẫn không thay đổi. Cha mẹ anh đã dậy dỗ thế nào để đứa con giữ được tư cách như thế? Họ đã học hỏi từ đâu mà truyền lại cho anh các đức tính kể trên? Cha mẹ anh chỉ dậy anh theo truyền thống dân Việt. Nền luân lý mấy ngàn năm để lại, cùng nền nếp xã hội trước năm 1975 tạo môi trường đào luyện những con người như Nguyễn Tuấn.

Có ai biết Nguyễn Tuấn không? Chúng ta vẫn có hàng triệu, hàng chục triệu những Nguyễn Tuấn đang được cha mẹ người Việt Nam làm gương và dậy bảo. Để các em sẽ trở thành những con người nhân từ, hào hiệp, sống tư cách đường hoàng như Nguyễn Tuấn. Dù còn ở trong nước hay đang sống khắp bốn phương trời, những Nguyễn Tuấn vẫn mang theo truyền thống luân lý của tổ tiên làm hành trang cho cả cuộc đời.

Nguyễn Tuấn mang trong mình một di sản văn hóa anh đã nhận được từ cha mẹ, ông bà, từ những người cùng sống trong xã hội chung quanh từ lúc anh sinh ra đời. Anh đã  sống di sản văn hóa đó suốt cuộc đời một người vô gia cư. Cuộc sống càng gian nan, các đức tính anh thể hiện càng sáng lên rực rỡ.
 
 

image
 

Đọc xong bài báo của David Montero, nhiều người không cầm được nước mắt. Nhưng không cần ai thương xót Nguyễn Tuấn. Chúng ta có thể còn hãnh diện về Nguyễn Tuấn. Vì mình là một người Việt Nam như anh. Tôi muốn dạy các con tôi tấm gương của anh: Dù gặp cảnh cùng quẫn đến đâu nữa cũng giữ vững vàng tư cách xứng đáng của một người Việt Nam.





Ngô Nhân Dụng

                 Bao Mai Blog

                        ===========================


2/ Một tấm gương cao đẹp 

 

image






WESTMINSTER (NV) - “Từ đầu tôi đã là người homeless nên tôi biết thân phận người homeless. Tôi hiểu cái lạnh làm mình không ngủ được, cái đói làm mình không ngủ được. Tôi cũng biết mình đã vui như thế nào khi có người đến thăm lúc còn ở trên đảo hoang, dù họ không cho tôi bất cứ cái gì nhưng họ khiến tôi nghĩ rằng vẫn còn có người nghĩ đến tôi.”
 
 

image
Ông Tuyến Nguyễn, người hơn 20 năm cung cấp bữa ăn cho người vô gia cư tại quận Cam, “sống trên đời phải có một chút gì cho đi. Một chút đó chính là cái mình cố gắng.”
 

   Khởi đi từ những suy nghĩ đơn giản như vậy mà ông Tuyến Nguyễn cùng các bạn bè, đồng sự của mình đã bền bỉ hơn 30 năm qua trong công việc cung cấp sách báo cho người dân ở trại tị nạn hàng tháng và thức ăn miễn phí cho người vô gia cư tại khu Civic Center vào mỗi chiều Thứ Ba và Thứ Năm hàng tuần.
Không chỉ vậy, từ 3 năm nay, sau khi người vợ thân yêu qua đời, mỗi tuần ông còn đến bệnh viện UCI để làm thiện nguyện công việc an ủi, động viên tinh thần, cầu nguyện giúp cho những bệnh nhân cô độc tìm lại được niềm tin vào cuộc sống.
Tìm hiểu câu chuyện của ông Tuyến Nguyễn cũng chính là dịp để mỗi người chiêm nghiệm thêm về quan niệm nhân sinh “Sống là phải cho đi.”
Từ câu chuyện những ngày trên đảo hoang

Tuyến Nguyễn là một người đàn ông trên dưới 70 tuổi, có dáng dấp cao ráo, mái đầu bạc trắng và một gương mặt thân thiện.
“Tôi vượt biên năm 1976. Lúc đó chưa có trại tị nạn, nên tôi sống như một người 'homeless' ở Indonesia khoảng một năm. Họ cho tôi ở nhưng không cho tôi đồ ăn. Vì cách của họ là muốn đuổi tôi đi. Thành ra từ đầu tôi đã là người 'homeless' nên tôi biết thân phận của người homeless.” Bằng giọng nói trầm, rõ từng tiếng, ông Tuyến bắt đầu những hồi ức về cuộc đời mình.
Theo lời ông Tuyến, thuyền ông đến một hòn đảo nhỏ ở Indonesia. “Họ đồng ý cho chúng tôi ở lại, nhưng không cung cấp thức ăn và canh chừng chúng tôi 24/24. Chúng tôi chỉ có thể sống trên thuyền và trên hòn đảo đó mà thôi.”
Ðể có thể sống còn, ông Tuyến dùng thuốc tây đổi cho người địa phương để lấy gạo và thức ăn, nước uống.
“Những người dân đó cũng nghèo lắm nhưng họ đã giúp tôi, sẵn sàng cho tôi ngọn rau, củ mì, sẵn sàng đổi cho tôi mấy viên thuốc lấy con cá, lấy tí gạo để tôi có thể sống qua gần 6 tháng, trước khi có sự giúp đỡ từ một hội thánh ở Ðức.” Người đàn ông nói trong lúc những hai bàn tay đan nhau trước mặt, nhớ lại một đoạn đời đã qua.
Ngoài sự thiếu thốn về vật chất, những ngày tháng ở đảo, ông Tuyến Nguyễn còn thấu hiểu hơn ai hết sự trống vắng về tinh thần.
Ông tiếp tục câu chuyện, “Tôi còn nhớ khi tôi nhận được lá thư của một người nào đó gửi đến thì tất cả mọi người đều chia nhau đọc lá thư đó, vì ai cũng muốn chia sẻ tin tức, muốn đọc được chữ Việt Nam.”
Không chỉ vậy, người thuyền nhân năm xưa còn nhớ “có một người đến thăm lúc tôi ở hoang đảo.”
“Cho dù người này không cho tôi cái gì, nhưng tôi cảm động vì nghĩ mình ở trong xó rừng đảo hoang như vậy mà cũng có người tốt quá tới thăm mình. Ðiều đó giúp tôi tin rằng cuộc đời này dù có như thế nào chăng nữa cũng có những người nghĩ đến mình, cũng có những người tốt nhớ tới mình.”
Từ những tâm tư đó, sau khi đặt chân tới Mỹ không bao lâu, người đàn ông mang nặng những suy nghĩ đầy tính nhân bản này đã cùng bạn bè bắt tay ngay vào công việc giúp đỡ tinh thần cho những người vượt biên còn đang ở các trại tị nạn.
Từ sách báo cho các trại tị nạn đến bữa ăn cho người vô gia cư

Thấu hiểu sự thiếu thốn về mặt tinh thần là như thế nào, ông Tuyến Nguyễn cùng bạn bè bắt tay vào thực hiện “chiến dịch gửi tặng sách báo cho đồng bào vượt biển” từ năm 1979 đến tận năm 1991 mới chấm dứt “do các trai tị nạn đóng cửa.”
Ông Tuyến cho biết, “Tụi tôi làm tờ nguyệt san Ðường Sống và in sách học tiếng Anh, tiếng Pháp, mỗi lần cũng đến mấy mươi ngàn bản copy để gửi sang 9 nước Ðông Nam Á. Sách thì tụi tui gửi sang Hải Quân Hoa Kỳ để họ chuyển đến các trại tị nạn giùm. Còn báo thì tụi tôi tự gửi lấy.”
Chi phí cho việc in ấn sách báo và gửi đi cho đồng bào vượt biên được chắt cóp từ “việc đi nhặt ống lon, báo cũ” với sự chung tay của các giáo dân từ các thánh đường quanh vùng Orange County.
Sau hơn 10 năm thực hiện, công việc tặng sách báo này chấm dứt khi các trại tị nạn đóng cửa. Thế nhưng tấm lòng mẫn cảm với những cảnh đời không may dường như chẳng bao giờ khép lại trong con người ông.
Ông Tuyến kể tiếp:
“Sau khi hết làm việc gửi sách báo, có một ngày tôi xem tivi, cũng là mùa Ðông năm 91, tôi thấy người 'homeless' sao khổ quá! Tôi nhớ lại thân phận tôi lúc ở trại tị nạn. Tôi nghĩ chắc cần phải làm cái gì.”
Vậy là ông bàn với vợ, khởi đầu cho một công việc thiện nguyện mà nhiều người Việt Nam sau này cũng noi theo: cung cấp bữa ăn cho người vô gia cư.
Thoạt đầu vợ chồng ông chỉ xin được “donut” và cà phê mang ra mời mấy chục người homeless vào buổi tối, nơi góc đường Walnut và First.
Ông lại trăn trở khi “thấy họ tội nghiệp và đáng thương quá, chỉ ăn 'donut' thôi thì làm sao mà ngủ được.”
Vậy là “vợ chồng tôi đi chợ, đọc báo và cắt những 'coupons,' hễ người ta giảm giá cái gì thì mua cái nấy, như nuôi, thịt hộp hay những loại bánh gì mình có thể làm được thì mua về làm. Bà vợ tôi cứ nấu hai, ba chậu to đem ra mời người ta. Tôi nghĩ họ ăn như vậy mới no.”

image
   Những người vô gia cư nhận phần ăn miễn phí do nhóm của ông Tuyến Nguyễn phục vụ tại Civic Center vào chiều Thứ Ba và Thứ Năm hằng tuần.
 
 

 Cứ vậy vợ chồng ông, cùng với sự giúp đỡ của một số bạn bè, cứ âm thầm làm công việc “cho ăn” khoảng 40 đến 60 người mỗi tuần tại góc đường Walnut và First trong khoảng thời gian 2, 3 năm, trước khi chuyển đến khu vực Civic Center, nhường địa điểm kia lại cho một nhóm Việt Nam khác cũng muốn thực hiện việc làm có ý nghĩa này.
Từ ngày đó, như đã thành lệ, hằng tuần cứ vào chiều Thứ Năm, sau khi đi làm ra, ông Tuyến chạy về nhà chở những nồi thức ăn vợ ông đã nấu sẵn cho khoảng 200 phần, mang ra góc đường Civic Center để phục vụ bữa ăn miễn phí cho những người vô gia cư sống quanh khu vực đó, mà phần đông là người bản xứ, rất hiếm có người gốc Việt.
“Tôi nghĩ đây không phải là cho, mà chỉ là làm cho đời sống tinh thần người ta được an ủi, làm cho người ta thấy trong một xã hội đầy rẫy những tranh đua như vậy mà cũng có những người nghĩ đến người ta.” Ông Tuyến nói về công việc mình đã và đang làm trong một suy nghĩ giản dị như thế.
Việc mang chút lòng của mình ra san sẻ với những người cơ nhỡ, gặp khó khăn, là chuyện không ít người làm, nhất là vào những dịp lễ Tết. Nhưng để có thể bền bỉ làm công việc này, như ông Tuyến Nguyễn và người vợ quá cố, cùng những bạn bè thân quen của ông đã làm, đều đặn hằng tuần, từ hơn 20 năm qua, không phải là điều ai cũng theo đuổi được.
“Ðiều gì khiến ông có đủ tinh thần và sự kiên trì để thực hiện việc làm mang tính thiện nguyện này trong suốt ngần ấy năm?” Tôi nêu câu hỏi.
Ông Tuyến nghĩ ngợi vài giây trước khi trả lời:
“Có những ông già bà cả không có tiền bạc gì cả nhưng mỗi lần thấy tôi ra thì họ cũng cố đưa cho tôi 1, 2 đồng bảo 'Cầm lấy đi để mua đồ ăn cho những người khác.' Những cử chỉ như vậy làm mình lên tinh thần. Bởi mình thấy có người trân trọng công việc của mình.”
“Thêm một điểm nữa làm tôi nghĩ đến là cộng đồng Việt Nam phải có san sẻ với người ta lúc họ cùng khốn, bởi người ta đã giúp mình lúc ban đầu, lúc mình cùng khốn, thì bây giờ mình cũng san sẻ với người ta một chút. Tôi nghĩ như vậy nên tôi cố tôi làm.” Ông chậm rãi nói tiếp.

Những kỷ niệm vui buồn qua những bữa ăn mang đến cho người 'homeless'

Trong bất kỳ công việc gì, khi người ta đã nặng lòng với nó, xem nó là một phần trong đời sống của mình, không thể khác, thì bao giờ người ta cũng tìm được nhiều kỷ niệm, nhiều niềm vui, để từ đó mà họ có thể tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn.
Ông Tuyến Nguyễn cũng không ngoại lệ.
Một cặp vợ chồng lấy nhau ngay trên vỉa hè. Ðể rồi vài năm sau trở lại giúp ông, người đàn ông trong đám cưới năm nào đã cho rằng, “Ðây không phải là hè phố mà là Thánh đường.”
Một người phụ nữ homeless muốn được giúp công việc rót nước trong ngày phát thức ăn chỉ với hy vọng “ông cho tôi vài chục cents mua ice cream ăn, vì hôm nay là ngày sinh nhật tôi.”
Một đứa bé 15, 16 tuổi ra xếp hàng thay bố lấy thức ăn vì “chân bố tôi bị thương” và bị vợ đuổi ra đường, cho ông niềm xúc cảm về tình thương của cô bé đối với người cha bất hạnh của mình.
Một người đàn bà homeless bị xe lửa cán chết vì chạy vào đường ray cứu con chó, đã được những người homeless cùng nhau đốt nến cầu nguyện cho, bởi sự luyến tiếc và quý mến mà mọi người đã dành cho người đàn bà vô gia cư này...
Những câu chuyện như vậy, những kỷ niệm như vậy đã khiến người đàn ông này nhớ, khiến ông suy nghĩ, trăn trở về cuộc đời, về con người, nhiều hơn là việc chỉ đưa một bữa ăn đến cho những người chọn lề đường, góc phố làm chốn nương thân trong cảnh túng cùng.
Ông nói, “Có lần tôi hỏi những bạn trẻ làm chung rằng nếu có những người không phải homeless cũng ra ăn luôn thì làm sao? Mấy em bảo 'thôi bác, mình ra đây là muốn đưa tình thương đến mọi người. Cho nên nếu họ đã đến xếp hàng thì kệ cứ để người ta ăn, mình không đặt vấn đề homeless hay không homeless.”
Ðồng lòng cùng nhau như vậy, nên không ai còn phân biệt đâu là homeless, đâu không là homeless, một khi họ có mặt đứng trong hàng, tức họ cần có cái ăn, cần có tình thương.
Tuy nhiên, “tinh thần người bản xứ ở đây rất đáng tự trọng” cũng là điều khiến ông Tuyến suy tư.
Ông kể, “Trước đây tôi hay nói rằng ai không phải homeless thì vẫn được ăn nếu tôi còn thức ăn, nhưng phải nhường cho người homeless ăn trước. Nghe vậy nhiều người tự động ra xếp hàng phía sau. Hay nhiều lúc tôi cho những phần quà như kem đánh răng, bàn chải, xà bông, thấy người nào ngồi tôi cũng đưa, thì có nhiều người bảo 'tôi có rồi, ông giữ lại đưa cho người khác.' Những điều như vậy giúp tôi tiếp tục đi tới mặc dù có rất nhiều khó khăn.”
Một kỷ niệm cũng đáng nhớ của ông là vào “một năm thời tiết rất lạnh,” “Khoảng 2 giờ sáng tôi thấy quá lạnh, mà trong nhà tôi lại có rất nhiều chăn. Thế là tôi đem chăn đi đắp cho những người homeless lúc giữa đêm như vậy. Tôi đắp một thời gian như vậy, cho tới hết mùa Ðông.”
Câu chuyện “người đàn ông mang chăn đi đắp cho người vô gia cư lúc đêm khuya” được kể ra từ người này qua người kia nghe như “chuyện hoang đường.” Thế nhưng “công ty Hyatt Hotel nghe chuyện đó và họ gọi cho tôi.”
Thế là người đàn ông viết nên câu chuyện thần thoại đắp chăn trong đêm được công ty Hyatt Hotel tặng cho “610 cái chăn rất dày và đẹp” để ông tiếp tục mang đi tặng lại những người bất hạnh.
“Sự cho đi là điều quan trọng”

Ông Tuyến Nguyễn chia sẻ bằng giọng tâm tình:
“Có những lần tôi chạy xe mang thức ăn đến, chưa kịp đậu lại, tôi đã nhìn thấy người ta đói quá phải lục thùng rác lấy tí đồ ăn thừa bỏ vào miệng. Nhìn cảnh đó, tôi thấy nếu mình có đầy đồ ăn đây mà mình không mang ra thì mình có điều gì bất ổn rồi. Tôi cố làm là vì lý do có những người cần như vậy. Cuộc đời có nhiều đau khổ, mình làm thì ít ra mình cũng nâng đỡ ít nhất một người.”
Tôi hỏi, “Từ công việc đã làm, ông nhìn về con người, nhìn về cuộc sống như thế nào?”
“Tôi nghĩ người ta nhìn tôi nhiều hơn là tôi nhìn người ta.” Ông trả lời.
Tại sao?
Ông giải thích, “Vì lúc ở trại tị nạn, những người gần tôi cũng là những người nghèo lắm, nhưng họ giúp tôi, họ sẵn sàng cho tôi ngọn rau, củ mì, sẵn sàng đổi cho tôi mấy viên thuốc lấy con cá, lấy tí gạo. Thì đấy là những người đã nhìn tôi. Từ cái nhìn của những người đó, đưa sang cho tôi một cách nhìn đối với người khác. Tôi học được ở người khác cách đối xử với con người, và giờ tôi cũng chỉ thực hiện việc nối dài tình thương đó thôi.”
Ngoài công việc cung cấp bữa ăn cho người vô gia cư, từ 3 năm nay, sau khi người vợ thân yêu qua đời, mỗi tuần ông còn đến bệnh viện UCI để làm thiện nguyện công việc an ủi, động viên tinh thần, cầu nguyện giúp cho những bệnh nhân cô độc tìm được niềm tin vào cuộc sống.

image
Ông Tuyến Nguyễn (bìa phải): “Sự cho đi là điều quan trọng.”

“Tôi nhớ mãi câu của ông Winston Churchill, 'we make a living by what we get, but we make a life by what we give.' Và tôi tự nhủ sống trên đời phải có một chút gì cho đi. Một chút đó chính là cái mình cố gắng.”

“Sự cho đi là điều quan trọng.” Người đàn ông có mái tóc trắng xóa, và nụ cười ấm áp nói, trong lúc đôi mắt chứa đầy những yêu thương đang hướng nhìn về hàng người homeless xếp hàng dài dằng dặc chờ nhận những đĩa thức ăn đầy ăm ắp.

Gió chiều Tháng Năm thổi bay những cánh phượng tím rụng đầy một góc Civic Center, mang theo trong nó những nụ cười thân thiện lẫn hàm ơn của cả người cho lẫn người nhận, những ân tình của cuộc đời, chứa chan.


Ngọc Lan

   Trong Bao Mai Blog