Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Tư duy về Dân trí - Hoa thương yêu nở dưới chân tường đổ nát BERLIN

  THURSDAY , NOVEMBER 20 , 2014

1/ Tư duy về Dân trí 

 

Khai Dân Trí hay Chấn hưng Dân Trí ?
 
Mới đây trang mạng Bauxite đã lặng lẽ thay “logo” của mình, thay vì bức hình tướng Giáp là hình Chí sĩ Phan Châu Trinh. Đó (với tôi) là tín hiệu đáng mừng về dân trí, vì tôi vào trang đó thường xuyên và điều phản cảm đầu tiên duy nhất lâu nay với tôi chính là cái “logo” cũ của họ. Đó là sự tiến bộ rõ ràng trong quan điểm của những trí thức chủ trang báo mạng, thể hiện mức độ dân trí ở tầm cao mới. Hơn nữa, Bauxite VN còn mở chuyên mục “Chấn hưng dân trí” (tự coi là tổng hợp của cả ba phần trong con đường dân trí của Phan Châu Trinh) và bắt đầu đăng tải các bài viết/phỏng vấn của nhiều trí thức có tên tuổi về đề tài này.



Từ nay, có thể tạm hiểu, khẩu hiệu chính thức của Bauxite VN sẽ là theo tinh thần Duy Tân do các Cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng từ hơn thế kỷ trước (1904-1908): “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. 



Nhưng nên hiểu thế nào về tên chuyên mục “Chấn hưng dân trí” của BVN và về tuyên ngôn - con đường dân trí trên của Cụ Phan Châu Trinh? Chúng có là một như BVN “tổng hợp”? 



Thế nào là “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”? Và tại sao Cụ Phan bắt đầu từ “Khai dân trí”? 

Tại sao nay hậu sinh lại chủ trương bắt đầu từ “Chấn hưng dân trí”, chứ không phải “Khai dân trí” rồi mới có “Chấn (hưng) dân khí”? Có phải hậu sinh của cụ Phan hơn trăm năm sau đã vượt Cụ và “đi tắt đón đầu” với chủ trương “Chấn hưng dân trí”? Tại sao ghép động tác “chấn hưng” vốn cụ Phan dành cho khái niệm “dân khí” ở vế giữa vào đối tượng/khái niệm “dân trí” ở vế trước, và bỏ hẳn vế sau là “hậu dân sinh”?



Đó là những câu hỏi tư duy về dân trí mà tôi mạo muộn đặt ra muốn tìm câu trả lời trong bài viết này.
 
Con đường Dân trí của cụ Phan Châu Trinh
 
Dân trí là khái niệm cơ bản đầu tiên, từ thời Cụ Phan nêu ra, ai cũng dùng và nói đến thường xuyên không cần định nghĩa, nhưng các trí thức hiện nay vẫn còn rất mù mờ và chưa nhất trí với nhau về nó. Nhiều người đơn giản cho dân trí là tri thức (trung bình) của xã hội và nhiều người phản đối (như bài “Bàn về dân trí” của Huỳnh Thục Vy, và tôi cơ bản đồng ý với Thục Vy). Nhiều người nhấn mạnh dân trí là đạo đức xã hội hay đạo đức người lao động (như bài viết của Vũ Cao Đàm trên BVN), và rất nhiều người không định nghĩa dân trí là gì nhưng coi dân trí là điều kiện cần và đủ để xã hội có dân chủ - điển hình là các trí thức cộng sản (như ông Nguyễn Trung trong bài mở đầu chuyên mục “Chấn hưng dân trí” của BVN: Hãy bắt đầu từ suy nghĩ), để rồi qui trách nhiệm về dân trí thấp hoàn toàn do dân (một đại biểu Cuốc hội CS khóa 12 mà tôi không nhớ tên) hay do cả dân và quan như nhau 50/50 (ông Nguyễn Trung, trong bài “Chấn hưng dân trí…” trên)…



Hãy xem lại Cụ Phan – người Việt Nam đầu tiên có và truyền bá tư tưởng dân chủ, đã gián tiếp định nghĩa dân trí là gì thông qua việc xác định con đường Khai dân trí của Cụ từ hơn một thế kỷ trước.



Cụ Phan Châu Trinh giải thích “khai dân trí” là giáo dục theo cách học mới (là bỏ Nho học và theo Tây học - cũng chính là thoát Trung) cho toàn dân về ý thức công dân, về tinh thần tự do của từng người dân, là xây dựng các cá nhân công dân có tinh thần độc lập tự chủ, và là phổ biến quảng bá (để dân học hỏi và áp dụng) văn minh phương Tây với tam quyền (pháp quyền, nhân quyền và dân quyền) và với tư tưởng Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Như vậy, “khai” là giáo dục phổ quát, là khai mở, khai thông cái học mới, là giải thoát, là tạo điều kiện thúc đẩy…dân trí. Còn dân trí ở đây không phải các vấn đề đạo đức hay kiến thức cụ thể, mà là tinh thần và tư tưởng của mỗi người về quyền con người, về trách nhiệm công dân và quyền công dân, về tổ chức xã hội của các công dân tự do-bình đẳng-bác ái… dựa trên hệ thống tam quyền: pháp quyền-nhân quyền-dân quyền.



Cụ Phan nói rõ cách khai dân trí là công khai, ôn hòa (bất bạo động), là hợp tác rộng khắp trong mọi giai tầng xã hội. Và Cụ gọi đó là chủ thuyết hay chủ nghĩa dân trị, đối lập với quân trị. Với nội dung trên thì chủ thuyết dân trí của Cụ Phan Châu Trinh chính là tư tưởng và mục đích của một xã hội dân chủ hiện nay, vì dân trí như Cụ Phan chủ trương khai mở và nâng cao, chính là để toàn dân được làm chủ cuộc sống và xã hội một cách tự do (theo nhân quyền) công bằng (theo pháp quyền) và bác ái (theo dân quyền). Đó chính là tinh thần dân chủ, là nội dung dân chủ.



Tác phẩm cuối cùng cụ viết và giảng tháng 11 năm 1925 tại Sài Gòn là “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa” mà ở đó Dân trị chính là Pháp trị, là Dân chủ. 



Cụ Phan đã không nói gì, hay không nói gì nhiều, không có gì lưu truyền lại, về “Chấn dân khí” và “Hậu dân sinh” cả, trong khi Cụ nói nhiều nói rõ chi tiết và dồn toàn sinh lực cuối đời của mình vào việc “Khai dân trí”. Tại sao thế?



Có phải tại vì Cụ biết, nếu Khai được Dân trí (theo nội dung và tinh thần, phương cách dân chủ như Cụ đã vạch ra) thì Dân khí tự khắc sẽ được sinh ra và được chấn hưng, và khi Dân khí được chấn hưng thì Dân sinh tự động sẽ được hậu phát? Bởi vì, theo Qui luật Hiển hiện của Vũ trụ và Tự nhiên (The Law of Manifestation) thì: Trí sinh ra Khí, Khí sinh ra Hành động, Hành động là cầu nối mang lại Kết quả vật chất, hay: Tinh thần sinh ra Vật chất. 



Nói cách khác, Dân trí (tư tưởng, tinh thần) được khai mở, được nâng cao làm Dân khí (niềm tin, cảm xúc, tình cảm dân tộc, xã hội) phát triển mạnh mẽ, Dân khí cao sinh ra Hành động có kết quả cao làm Dân sinh (đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần... của dân tộc, xã hội) được nâng cao (hậu hĩnh). Đó là một quá trình tự nhiên và tự động theo Qui luật nhân quả và qui luật Tinh thần sinh ra Vật chất của Tự nhiên mà Con người chỉ cần khởi động và vận hành đúng điểm xuất phát: Tinh thần của Người dân chủ (trong xã hội Dân trị, dân chủ), đó là Khai Dân trí.



Vậy Dân trí là mức độ ý thức và tinh thần làm chủ cuộc sống của mình và tham gia làm chủ xã hội của công dân (bằng pháp quyền) và có tránh nhiệm tự chủ (bằn dân quyền) trên cơ sở quyền công dân của mỗi người được đảm bảo (nhân quyền).



Chính vì thế, việc nói nhiều về Chấn dân khíHậu dân sinh là không cần thiết vì nó là kết quả tất yếu của Khai dân trí, tất nhiên, sau khi đã tập trung đủ toàn lực vào việc Khai dân trí đó. 



Nếu đồng ý như thế, thì chúng ta thấy khẩu hiệu “Chấn hưng dân trí” là sự chắp vá không logic của những khái niệm khác nhau do những người không hiểu đúng và hết tinh thần, nội dung khẩu hiệu “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” của Cụ Phan Châu Trinh, mà lại hay thích “sáng tạo cộng sản” “đi tắt đón đầu” hay “tổng hợp cả ba”!



Như thế cũng có nghĩa dân trí không thể chấn hưng, mà chỉ có thể khai mở, bằng giáo dục mới (giáo dục tinh thần văn minh dân chủ). Còn dân khí thì không thể khai và chỉ có thể được chấn hưng, nhưng đó là quá trình chấn hưng tự động, sau khi và trong khi dân trí được khai mở. Và nếu muốn dân khí được chấn hưng khác đi và cao hơn nữa thì cần phải khai thông dân trí khác đi và ở mức độ sâu rộng hơn nữa, chứ không phải làm các động tác “chấn hưng” cụ thể vào dân khí – điều Phan Châu Trinh không hề nói đến.



Như vậy, muốn nâng cao dân trí thì phải bắt đầu từ đâu? Chỉ có thể từ việc Khai dân trí, không thể từ việc “chấn hưng dân trí”, hay thậm chí từ Chấn dân khí và từ Hậu dân sinh.
Ai có thể và có trách nhiệm Khai Dân Trí ?
Như định nghĩa Khai dân trí của Cụ Phan, thì Khai dân trí có thể gói gọn là giáo dục tư tưởng và tinh thần dân chủ cho công dân. Mà việc đó từ ngày đảng CSVN cai trị, tức 70 hay 40 năm nay, thì chỉ có họ độc quyền làm việc giáo dục tư tưởng đó. Và tư tưởng, tinh thần duy nhất mà họ ra sức “giáo dục” bằng họng súng và lừa bịp là tư tưởng cộng sản và tinh thần bán nước theo đạo đức Hồ Tàu! Họ đè ép đưa tư tưởng cộng sản và đạo đức Hồ tàu vào chương trình giáo dục bắt buộc ở mọi cấp trường học và mọi đoàn thể, cơ quan trong xã hội, từ nhà trẻ vỡ lòng đến sinh hoạt của các cụ phụ lão… Còn những nội dung của giáo dục kiến thức phổ quát, đạo đức xã hội và văn hóa dân tộc thì họ chỉ làm qua loa, giả dối. Việc giáo dục dân trí với nội dung cụ Phan đề xướng từ đầu thế kỷ trước thì họ cấm tiệt. Đó chính là lý do mà dân trí nước Việt từ 1945 và 1975 đến nay chỉ có cắm đầu đi xuống thảm hại, vì tư tưởng cộng sản và tinh thần bán nước là hố đen dân trí, khiến dân trí Việt Nam đang rơi thẳng đến nguy cơ xóa nhòa hình ảnh dân tộc Việt trong bùn đen nô lệ Tàu!



Thế mà những kẻ như Nguyễn Trung còn dám nói dân trí thấp là một nửa do dân một nửa do quan (cộng sản), tưởng là quan CS “tự nhận một phần trách nhiệm”, nhưng vẫn là cố tình đánh lận con đen!



Để kết thúc bài này về tư duy về dân trí, tôi xin nói rõ quan điểm của tôi về dân trí Việt hôm nay, đó là, dân trí Việt Nam hiện nay thấp hơn năm 1945 và 1975 dù hiện nay CSVN đã “đào tạo” ra trên 23,000 “tiến sĩ” các loại và đã phong hàm cho trên 9,000 “giáo sư” các giống… Có nghĩa là, ở VN, mức độ dân trí luôn chắc chắn đi xuống theo tỷ lệ nghịch với số giáo sư tiến sĩ của cộng sản đi lên như bắp nổ. Nhưng trách nhiệm cho tình trạng dân trí thấp của VN không chỉ là do 9,000 và 23,000 “hạt bắp nổ” đó, mà do những kẻ rang bắp phải chịu hoàn toàn, đó là đảng CSVN. Tại sao tôi nói vậy? Bởi vì 90 triệu người Việt hôm nay có ít ý thức về quyền công dân của mình hơn 30 triệu dân Việt có ý thức về dân chủ nhiều. Và vì 90 triệu dân hôm nay sợ các đảng viên CSVN gấp nhiều lần 30 triệu người Việt năm xưa sợ đội quân xâm lược thực dân và đô hộ của Pháp. Chính đội quân Pháp ấy đã đạy Cụ Phan về tự do, Bình đẳng và bắc ái, về pháp quyền, nhân quyền, dân quyền … những cái mà đảng CSVN hiện đã và đang cướp đi của 90 triệu dân Việt hôm nay.



Vì thế tôi nói, con đường Khai dân trí như Cụ Phan Châu Trinh khởi xướng từ hơn 108 năm trước để có Dân chủ cho Việt Nam, vẫn đang bị đóng kín hoàn toàn (và còn tàn bạo hơn nhiều cách Pháp đã ngăn trở khi Cụ Phan còn sống), trừ trên mạng. Và chỉ có một cơ hội duy nhất để Con đường Dân trí đó lại mở ra cho dân tộc, đó là chỉ sau khi đảng CSVN và thể chế của nó sụp đổ hoàn toàn trên đất nước này. Tôi không nhìn thấy con đường nào khác - vì làm sao nâng cao dân trí khi giáo dục dân trí đã và đang bị cấm và đánh tráo thành ngu dân bằng lừa bịp và súng đạn hoàn toàn?



Nhưng tôi cũng nhìn thấy rằng ngày Con đường đó hiện ra còn không xa nữa, rất gần! Niềm tin đó chính là bậc thang để tôi bước chân lên con đường Dân chủ mà Cụ Phan đã vạch ra: Khai dân trí



Niềm tin vào Dân chủ và Con đường Khai dân trí của Cụ Phan là lý do tôi là tôi trên những trang mạng Dân chủ này hôm nay - một Phan Châu Thành nguyện theo tư tưởng dân chủ của Cụ Phan Châu Trinh chỉ ra từ 108 năm trước. Tất nhiên tôi không hề đơn độc. Tôi có rất nhiều và ngày càng nhiều bạn đồng hành, đồng chí hướng!
                                              ============================

2/ Hoa thương yêu nở dưới chân tường đổ nát 

  BERLIN-GERMANY

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Từ trên đỉnh cao quyền lực, Erich Honecker, người đứng đầu Đảng Cộng sản Đông Đức trong gần 20 năm, rơi nhanh xuống hoàn cảnh bi đát - không sức khỏe, không tiền bạc, không bạn bè,và không chốn dung thân- sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.



Trong khi chờ ra tòa về tội phản bội và lạm dụng quyền lực, ông được tòa cho tại ngoại vì sức khỏe yếu. Nhà ông đã bị chính quyền cộng sản cải cách lấy. Không ai dám chứa chấp ông vì ông là người bị căm ghét nhất ở Đông Đức. Mọi người, kể cả các đồng chí đảng viên đảng cộng sản Đức, quay lưng lại với ông. Chẳng ai muốn dính dáng gì đến vợ chồng ông. Tuy không phải ở tù vì sức khỏe yếu, nhưng ông cần một nơi để tá túc và dưỡng bệnh sau khi mổ khối u ung thư.



Honecker chẳng biết đi về đâu. Qúa tuyệt vọng, thông qua luật sư của mình ông nhờ Giáo Hội Tin Lành giúp đỡ tìm nơi tạm trú cho vợ chồng ông trong thời gian chờ ra tòa. Vào ngày 30 tháng Giêng, 1990 Honecker và vợ ông, Margot xuất hiện trước cửa nhà mục sư Uwe Holmer ở làng Lobetal. Mục sư đã tự nguyện cho hai vợ chồng ông ở tạm trong nhà mình.



Chẳng bao lâu nhiều người trút giận dữ lên gia đình mục sư Uwe Holmer vì ông đã mở cửa cho vợ chồng Honecker vào nhà. Họ biểu tình phản đối ngay trước cửa nhà ông, gọi điện thoại chưởi bới gia đình ông, gởi thư hăm dọa đến nhà ông, và đe dọa đặt bom và ngưng đóng góp cho nhà thờ ông quản nhiệm.



Hai ngày sau khi vợ chồng Honecker dọn đến, mục sư phải ra trước nhà của mình để phân trần với những người biểu tình. Ông nói: "Đây là điều phải ta nên làm cho một người già, bệnh hoạn. Khi chúng tôi cầu nguyện để xin tha thứ tội lỗi của mình và tha thứ những người có tội với chúng tôi, chúng tôi phải theo những điều răn này một cách nghiêm túc."



Một ông già bất ngờ la to: "Ông hãy nghe đây, điều ấy chẳng phải là quan trọng nhất." Ông ta là người về hưu và cùng với vợ đã lái xe một tiếng rưỡi đồng hồ từ Đông Berlin đến Lobetal để bày tỏ sự phẫn nộ của ông là Honecker đã không ngồi trong nhà tù lạnh cóng và ẩm ướt. "Thử nghĩ xem, Honecker đánh phá giáo hội suốt 40 năm trời thế mà giờ đây họ còn cho hắn ăn ở nữa. Họ nên giam hắn như những kẻ khác. Hắn nên buộc phải thấy tất cả những đau khổ do hắn gây ra."



Mục sư Holmer lặng lẽ đứng nghe đám đông tập hợp lại để phản đối sự hiện diện của Honecker ở trong nhà ông. Nghe xong, ông đáp "Nhưng Đức Chúa Jesus dạy yêu kẻ thù của mình. Tôi không thể nào bỏ mặc một người lang thang ở ngoài đường cho dù người ấy đã làm những điều sai trái."



Sau này trong tuyên bố chính thức giải thích việc giúp đỡ cho vợ chồng Honecker trong hoàn cảnh ngặt nghèo của họ, Giáo hội chỉ ra rằng những bất công và những vi phạm nhân quyền dưới chế độ Honecker thường được những người không cộng sản chấp nhận trong im lặng. Do vậy "trách nhiệm cho hoàn cảnh hiện nay của đất nước này là trách nhiệm của tất cả mọi người." Cùng ý tưởng ấy mục sư Holmer diễn đạt cụ thể hơn: "Vợ tôi và tôi tin rằng thật là sai trái khi tất cả yếu đuối, tất cả sai lầm, và tất cả tội của thời quá khứ đều trút hết lên vai của một người." Hay nói cách khác, xét cho cùng, tội lỗi của chế độ là tội lỗi ít nhiều của tất cả mọi người từng sống dưới chế độ.



Về sau mục sư Uwe Holmer giải thích cho nước Đông Đức lý do ông thương xót Honecker trong lá thư gởi tờ báo Đông Đức Neue Zeitung:



"Ở Lobetal" ông viết, "có bức tượng Đức Chúa Jesus mời mọi người đến với Người và kêu lên rằng: "Hãy đến với ta hết thảy những kẻ lao đao và vác nặng, và ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức." Đức Chúa Jesus răn dạy chúng tôi theo gương Người và đón nhận những ai mệt mỏi và vác nặng, về tinh thần và về thể xác, nhưng đặc biệt những kẻ không nhà."



Mục sư nói ông luôn luôn phân biệt giữa con người và chính trị. Từ đấy ông thấy mình làm điều đúng vì ông thấy cho dù tàn ác, Honecker vẫn là con người, và quan trọng hơn theo ông "đây là con người cần được giúp đỡ, chúng tôi không thể khiến cho ông thất vọng. Đức Chúa Jesus cũng không khước từ ông."



Nhưng đa số mọi người không biết rằng khi mở cửa đón vợ chồng Honecker. Mục sư Uwe Holmer đã thật sự tha thứ tất cả những gì mà Honecker, biểu tượng chính của chế độ áp bức và thối nát, đã hại chính gia đình của ông trong suốt hàng chục năm trời.



Dưới chế độ chuyên chế của Honecker, giống như nhiều người khác theo đạo, gia đình ông phải sống bên lề xã hội và bị tước bỏ tất cả các quyền lợi dành cho tất cả các công dân khác. Họ thường xuyên bị nghi ngờ là thành phần phản động vì họ không chịu vào đảng cộng sản. Chỉ vì không từ bỏ đức tin, gia đình họ gánh chịu nhiều bất công và đau khổ dưới chế độ mà Honecker đứng đầu. Chẳng hạn, tám nhân viên mật vụ Stasi ở Lobetal thường xuyên theo dõi và báo cáo công việc và đời riêng của mục sư.



Trong suốt gần ba mươi năm Bộ Giáo dục Đông Đức không cho tám người con của ông được theo học đại học vì gia đình theo đạo. Người đứng đầu Bộ Giáo dục trong những năm ấy lại chính là Margot, vợ của Honecker.



Còn cha mẹ và anh chị em của mục sư Uwe Holmer đã đào thoát sang Tây Đức sau khi cha ông vì theo đạo mà mất việc làm. Chính Honecker dựng lên Bức tường Berlin, bức tường đã chia lìa ông với gia đình và khi cha ông qua đời ông không thể nào đến để đưa tiễn cha lần cuối cùng.



Mục sư cũng còn nhìn thấy dưới thời Honecker cảnh đất nước bị chia cắt, những người bị bắn chết khi cố vượt tường, môi trường bị tàn phá và trải nghiệm biết bao khó khăn, bất công, và áp lực mà chế độ áp đặt lên giáo hội và lên ông và gia đình.



Tuy nhiên, xuất phát từ lòng trắc ẩn và đức tin, ông đã mở cửa đón vợ chồng Honecker vào nhà mình. Tuy nhiên ông tha thứ nhưng không ân xá Honecker vì theo ông Honecker "phải chịu trách niệm về những điều ông ta đã làm, nhưng tôi trong lòng không còn muốn oán hận ông. Tha thứ làm cho tôi thanh thản và nhẹ người hơn."



Nhiều năm sau, mục sư Holmer giải thích rõ ràng và sâu sắc hơn lý do ông mở cửa cho họ vào nhà và lý do ông tha thứ cho các viên chức cộng sản và những nhân viên mật vụ Stasi dù những người này đã không biểu lộ sự hối hận về những việc làm sai trái trước đây của họ.



"Rõ ràng quả là tốt đẹp hơn nếu người khác ăn năn. Nhưng tha thứ chỉ có nghĩa là giải thoát những gì đã nhiễm độc trong lòng mình. Còn người khác nên xử sự như thế nào khi nhận được sự tha thứ của tôi, tôi phó thác vào tay Chúa. Tôi chỉ tống khứ chất độc đó đi, và không còn nhớ quá khứ nữa, không còn hành hạ tinh thần mình nữa. Tôi biết điều này rất là khó, đặc biệt đối với những người đã bị trấn áp chính trị, hay những gia đình có người thân bị bắn chết ở bức tường. Nhưng ta trở thành người tù của lòng thù hận nếu ta không tha thứ cho những kẻ phạm tội. Nạn nhân phải tha thứ để họ không trở nên thù oán hơn. Những nạn nhân trong lòng vẫn còn chất chứa căm hận và thù oán từ quá khứ rồi sẽ bị bệnh."



Hận thù không giết chết nhân ái trong tim người. Và tương lai của dân chủ sau bóng đêm độc tài khởi đi chắc chắn từ niềm yêu thương giữa người và người ấy.
Tài liệu tham khảo chính


1. Craig R. Whitney, Upheaval in the East: the Germans; For an Ailing Honecker, Two Strange Bedfellows, New York Times 2/2/1990



2. Marc Fisher, Hot on Honecker's Heels, Washington Post 2/2/1990



3. Mihaela Mihai &Mathias Thaler, On the Uses and Abuses of Political Apologies, trang 189, nhà xuất bản Palgrave Macmillan, Anh.
                                ====================================

3/ Nhớ Trần Lâm... một nhà giáo bị bỏ quên 

 

Nguyễn Thượng Long (Danlambao) - Biết tôi có một mối quan hệ đặc biệt với Luật Sư Trần Lâm, chiều 13 – 11- 2014, Phạm Thanh Nghiên, nguyên là một tù nhân lương tâm nổi tiếng, nghẹn ngào cho tôi biết tin dữ: Cụ Trần Lâm đã tạ thế trưa 13-11. Tôi đã dành cho cháu Nghiên những lời động viên cần thiết và nối ngay máy với người con gái cụ Trần Lâm là cô Trần Ánh Hồng lúc đó cùng chồng đang trên đường từ Đà Nẵng ra Hải Phòng để làm tang cho cha mình. Dù tình trạng sức khỏe đang rất tệ, tôi vẫn quyết định sáng hôm sau 14-11-2014 sẽ lên đường đi Hải Phòng để đưa tiễn người thầy, người bạn vong niên có vai trò đặc biệt đối với tôi những năm tháng vừa qua.



Tôi lặng lẽ chuẩn bị cho chuyến đi đó trong những hồi ức, những kỷ niệm ngày nào cùng làm báo Tổ Quốc với cụ Trần Lâm. Và cũng từ đó, tôi phải trả lời nhiều cú điện thoại của người trong nước cũng như ngoài nước đang rất quan tâm tới sự kiện này. Trong đó có cả những câu hỏi của cơ quan an ninh thành phố, rằng tôi đã biết tin đó chưa? Và tôi có đi viếng Luật Sư Trần Lâm không? Tôi trả lời rằng, “Xin cám ơn sự quan tâm của quý vị, việc đó là việc riêng tư, đi hay không đi và đi thế nào là quyền tự do tối thiểu của tôi, xin quý vị nhớ cho”. Và điều gì có thể đến với tôi trong suốt hành trình này... thật khó mà xác định và tôi cũng chẳng quan tâm. Chỉ biết rằng trong tôi duy nhất là tâm thế đi và sẵn sàng đón nhận...



Có lẽ hình ảnh dữ dội nhất đập vào mắt tôi khi đặt chân lên đất Hải Phòng là phải chứng kiến một vụ đánh lộn kinh hoàng giữa hai thanh niên săm trổ đầy mình, trong tay họ là dao là kiếm, làm tôi sực nhớ lời một học sinh cũ đang làm công tác đặc biệt ở Hải Phòng rằng: “Đến Hải Phòng, thầy cần nhớ, Rừng nào có Cọp đó - Nhưng giang hồ đất cảng luôn ở đẳng cấp thượng thừa về khoản máu lạnh!”. Tôi càng nhớ hơn lời người đồng nghiệp của tôi, anh là thầy giáo của anh em nhà họ Dương, danh gia vọng tộc nức tiếng đất cảng (Dương Chí Dũng - Dương Tự Trọng)... ngày nào anh đọc được bài viết “Chiều mưa Tiên Lãng anh đi về đâu?” của tôi trên các trang mạng xã hội để bênh vực anh em nhà Đoàn Văn Vươn và chê bai “TRẬN ĐÁNH ĐẸP ĐÁNG GHI VÀO SỬ SÁCH!” của Đại Tá Đỗ Hữu Ca, nay là Thiếu Tướng giám đốc công an Hải Phòng... rằng “Viết như thế... mày có làm sao ở Hải Phòng! Đừng trông chờ gì ở tao!”. Tôi biết là anh giỡn tôi thôi, nhưng khi thấy những người đồng bào săm trổ đầy mình đang lao vào nhau trong sự vô cảm của người đi đường... thú thực tôi cũng thấy chờn chợn...



Trong tâm trạng đó, tôi bước vào nhà tang lễ giữa lúc lễ cầu siêu cho cụ Trần Lâm do các vị sư sãi áo vàng cùng các phật tử đang đi đến phần kết thúc. Chọn một góc ngồi có thể quan sát được toàn cảnh hiện trường, tôi rất buồn khi thấy về hình thức bài trí và cả nội dung tiến hành lễ viếng... là không xứng tầm với một tên tuổi lớn mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải kính trọng. Tuy vậy tôi không hề gặp khó khăn hay trở ngại nào trong việc... di chuyển, chụp ảnh, gặp gỡ người này, hỏi chuyện người kia... và chỉ có một chi tiết mà tôi thấy rất bất ngờ... khi bạn bè của cụ Lâm, chống gậy và đi xe lăn tới lễ viếng nhận ra tôi. Đáp lễ lại, tôi trao cho các cụ cùng xem tờ PHIẾU CÁ NHÂN của Tòa Án Nhân Dân Tối Cao làm ngày cụ Trần Lâm về hưu (1/5/1983) mà năm đó, một lần đến đàm đạo với cụ, cụ đã trao gửi cho tôi như gửi gắm một nỗi niềm của một người biết trước chuyến đi xa không tránh khỏi của mình... thì bất ngờ một người đàn ông mặc đồng phục của công ty phục vụ tang lễ Thiên Thảo với cặp mắt mang hình viên đạn, anh ta xông vào chỗ chúng tôi khá thô bạo... Tôi giật mình, biết ngay anh ta là ai trong bộ đồng phục đó, tôi vẫn đàng hoàng đọc lớn:


QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC.

- 1945: Tự vệ Hà Nội.



1946: Cán bộ BDHV – Thông tin tuyên truyền Tỉnh Bộ Việt Minh Lạng Sơn. 



1946/ 1947: Trưởng Ty Thông Tin Hải Phòng – Trưởng Ban Thông Tin Chiến Khu Ba.



1947/1948 Trưởng Ty Thông Tin liên tỉnh Quảng Yên Hòn Gay – Thường Vụ Huyện Ủy, Trưởng Ban dân vận Huyện Thủy Nguyên.



1949/ 1951: Trưởng Ban huấn luyện Tỉnh Kiến An.



1951/ 1961 Tỉnh Ủy Viên Kiến An – Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban tuyên huấn Kiến An.



1961/ 1964: Phó Giám Đốc Ty Giáo Dục – Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban kiến thiết Hải Phòng.



1961/ 1971 Chuyên Viên – Vụ Phó Vụ Địa Phương thuộc Ủy Ban Kế Hoạch nhà nước.



1971/ 1982: Thẩm Phán Tòa Án ND Tối Cao.



1982/ 6 – 1983: Chuyên Viên TANDTC.



Từ khi nghỉ hưu mở trường THPT tư thục – Làm Luật Sư Đoàn Luật Sư Hải Phòng.



Làm tại Hà nội ngày 1 Tháng 5 năm 1983



Trần Lâm.

Và tờ giấy này được truyền tay qua các cụ. Các cụ nhận ra những giai đoạn mà mình đã làm việc cùng cụ Trần Lâm. Cụ PBL (1926) người mặc vét mầu trắng tay chống can nói với tôi những ngày cùng cụ Lâm mở trường THPT tư thục đầu tiên của cả nước tại Hải Phòng. Cụ bảo: “Những năm tháng đó làm gì có nạn bằng giả, chứng chỉ giả, có thể mua được như bây giờ”. “Những năm đó, thầy ra thầy - trò ra trò” Và…

Cụ PBL người cầm can… 


“Chúng tôi mở trường tư thục hoàn toàn là vì dân trí chứ đâu có núp bóng xã hội hóa để thương mại hóa học đường , làm giầu nhem nhuốc như nền giáo dục bây giờ”... 
Suốt từ lúc đó trở đi, trong tôi như vang vọng những ước nguyện sẽ có một phép mầu nào đó:



Để các vị vua tập thể... còn nhớ đến một Trần Lâm, chiến sĩ tự vệ thành Hà Nội ngay từ ngày cách mạng tháng 8 bùng nổ 1945, một đảng viên cộng sản từ lúc ĐCS còn là trứng nước… một nén hương dành cho bậc Trưởng Thượng đó vào lúc này chẳng lẽ lại làm cho ĐCS bớt đi một ánh hào quang rực rỡ của một đỉnh cao trí tuệ hay sao! 



Để ông Phạm Vũ Luận - Đương kim BT Bộ Giáo Dục, ông Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng hôm nay... biết đến một Trần Lâm là chiến sĩ bình dân học vụ từ 1946, một Trần Lâm Phó Giám Đốc Ty giáo dục Hải Phòng 1961-1964, một Trần Lâm Hiệu Trưởng PTTH Hải Phòng 1983-1984... đã bị ngành GDĐT đưa vào quyên lãng. Một vòng hoa viếng dành cho một nhà giáo lão thành như cụ Trần Lâm lúc này chẳng lẽ lại là viêc làm “Không Đúng Quy Trình” như các quý vị vẫn nói.



Để ngành Thông Tin - Tuyên Huấn - Tư Pháp... đặc biệt là các luật sư đang chửi nhau, tố nhau, dọa khởi kiện nhau như mổ bò giữa diễn đàn quốc hội... Các quý vị nghĩ gì về Thẩm Phán Tòa Tối Cao, Luật Sư Trần Lâm đã từng dũng cảm nhận bào chữa miễn phí cho những gương mặt Dân Chủ nổi tiếng: Phạm Hồng Sơn, Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Lê Thị Công Nhân, Vi Đức Hồi... Ông đến với họ trong các buồng giam, đứng bên họ trong các phiên tòa... những mong cho họ bớt được một ngày tù cụ cũng không từ nan, mà không hề vì tiền bạc như đời sống tố tụng bây giờ. Chẳng lẽ một phút lặng lẽ cúi đầu trước một bậc Đại Thụ, một nhân cách sáng ngời như thế lại cũng là một việc làm không cần thiết hay sao?



Những ước nguyện hết sức bình thường như thế cứ luẩn quẩn ám ảnh tôi suốt thời gian tôi nấn ná ngóng chờ những gương mặt Dân Chủ thân quen mà tôi đinh ninh họ sẽ không thể không đến trong lễ viếng này. Tôi không thể kiên nhẫn chờ đợi thêm khi đồng hồ đã chỉ 17 giờ chiều, đặt lên bàn lễ phong bì đề tên tôi và tên cụ Lê Hồng Hà - Nguyên chánh văn phòng Bộ Công An, nguyên Ủy Viên Đảng Đoàn Bộ Công An, thắp cho cụ Trần Lâm một nén hương, vái tiễn biệt cụ xong quay ra tạm biệt mọi người thì Ái Nữ duy nhất của cụ Trần Lâm cô Trịnh Ánh Hồng tiến đến cám ơn và cho tôi biết, gia đình đã thuê bao toàn bộ nhà nghỉ bên kia đường cho mọi người lưu trú lại chờ nghi lễ đưa thân phụ cô đi đài hóa thân hoàn vũ vào trưa hôm sau. Người phụ nữ thành đạt và giàu có đó ngập ngừng... diễn đạt rất lúng túng cái tình thế hết sức khó xử khi phải đối diện với những áp lực rất vô lý, rất không bình thường từ các ban ngành ở Đà Nẵng và ở cả Hải Phòng nhằm vào sự nghiệp kinh doanh của cô. Tôi bầy tỏ sự cảm thông của người không phải là doanh nhân như vợ chồng cô, nhưng...: “Gia đình tôi cũng đã từng rơi vào tình cảnh tương tự...”.



Vì lý do sức khỏe, tôi không lưu lại theo ước muốn trân thành của cô Hồng được. Cô Hồng sai con rể lái xe chở tôi ra bến xe Tam Bạc cho kịp chuyến xe cuối về Hà Nội. Đây là lần thứ 2 tôi gặp cô Hồng, lần trước khi nhận được tin cụ Trần Lâm bị tai biến ở Đà Nẵng, tôi là thượng khách của khách sạn Starlet cực kì lộng lẫy của vợ chồng cô bên bờ biển Đà Nẵng. Hôm đó, lần đầu tiên cô Hồng nói với tôi: 



“Nhiều người nhầm tưởng em trưởng thành, thành đạt về kinh doanh là do em dựa vào cái bóng quá lớn của bố em. Người ta đâu có biết, em tự khẳng định mình bằng sự bươn trải của chính mình trên những khốc liệt của thương trường Thành Phố Cảng... Nơi đó không chấp nhận những đặc thù thường thấy của chính trị. Chính trị không phải là lựa chọn của vợ chồng em”. 



Chia tay vợ chồng cô Hồng, tôi chỉ ao ước sẽ không có những gì là bất thường và khó xử sẽ xảy ra với gia đình cô trong những ngày tang tóc này. Vậy mà, khi về đến nhà... tôi vô cùng bất ngờ và thất vọng khi nhận được tin từ Facebook Phạm Thanh Nghiên:



“Một đoàn gồm 12 người từ Hà Nội đi Hải Phòng để tham dự tang lễ Luật Sư Trần Lâm đang gặp nguy hiểm. Một bọn người đi xe gắn máy đuổi theo xe ô tô chở đoàn và ném gạch đá vỡ cửa kính. Hiện tình đang rất khẩn cấp và nguy hiểm. Mong mọi người chia sẻ thông tin gấp”.



Đọc được tin dữ này, tôi càng nhớ lời người học trò và người bạn của tôi mà phần đầu bài viết này đã nói tới. Thế là những ước nguyện cuả tôi trong bài viết này thoắt trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Ngày 20 – 11 – 2014 đã đi qua, không chỉ một Nhà Giáo Trần Lâm bị quyên lãng mà “Con Người Chính Trị Trần Lâm!” ở thời khắc giã từ thế giới này... cụ vẫn phải nhận về mình những đọa đầy đến từ thể chế chính trị đương thời lại phải mượn bàn tay của những kẻ chỉ quen hành xử theo cách thức của đám xã hội đen.

(Ảnh Internet)


Chao ôi ! Biết đến bao giờ người Việt Nam chúng ta mới thực sự được sống với nhau theo cái nghĩa cử “Một con ngựa đau - Cả tàu không ăn cỏ” và biết đến khi nào người ta mới được đến với nhau bằng cái nghĩa tình “Nghĩa tử là nghĩa tận!”. 



Câu hỏi này xin được gửi đến tất cả những ai vẫn còn nghĩ đến nhau, vẫn còn nghĩ đến sự kết gắn của cộng đồng mình qua lời răn dậy của ông bà:
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài…

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Hà Đông 20-11-2014.



Nguyễn Thượng Long

- Nơi ở: Số nhà 4, Đường Văn La, Phường Phú La

Hà Đông, Hà Nội.

- ĐT: 0433521066 & 01652323836.

- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét