Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Con ngựa quý của ông thủ tướng 3 ếch

1/  Con ngựa quý của ông thủ tướng - 3 ếch (*)


Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Dương Chí Dũng chọi "quả lựu đạn" 500 ngàn đô la Mỹ, ngay vào mặt ông quan cộng sản mang hàm Thứ trưởng Bộ Công An - Phạm Quý Ngọ, làm toàn bộ thiên hạ từ trên lề (bất kể trái, phải) cho đến những người đang ở ngay lòng đường, đều lặng người vài phút rồi ùn ùn kéo nhau ra coi những miểng đạn văng tới đâu và trúng vào những ai. 

Sở dĩ gọi "gói hối lộ" là quả lựu đạn, bởi vì 500 ngàn đô Mỹ thật ra không phải lớn nếu nói về nghĩa đen khi đem ra so với nhiều vụ liên quan đến tiền và càng không thể xem là quả bom, nếu nói về nghĩa bóng, khi cái chức thứ trưởng bộ Công an cũng chưa phải là gì quá ghê gớm, so với những cái ghế cao nhất ở thượng tầng kiến trúc xã hội cộng sản.

Tuy nhiên, câu chuyện làm không khí lạnh lẽo cuối năm trở nên nhộn nhịp hơn, ồn ã hơn đối với bá tánh và xôn xao hơn, nháo nhác hơn đối với phần còn lại mà lâu lắm rồi trong cái thể chế - ông thủ tướng vừa đòi đổi - buồn tẻ, bất công và tàn bạo lại có dịp chứng kiến công khai. 

Nếu những bộ quần áo cùng cảnh trí, trang thiết bị hiện đại tại Việt Nam hiện nay được thay bằng những gì của 500 năm về trước, có thể làm nhiều người giật mình để ngẫm nghĩ, đó chẳng qua thể hiện bối cảnh một triều đại phong kiến đang rữa nát chính từ sự suy đồi về mọi mặt của nó gây ra. Bất kỳ độc giả nào còn nghi ngờ, xin mời xem bài viết dưới đây [1], để thấy những con người hiện đại ngày hôm nay, bàn luận câu chuyện thuộc thế kỷ 21, vẫn chẳng chút ngại ngần viện dẫn những tư tưởng thuộc phạm trù đạo đức phong kiến đã quá lạc hậu để biện minh cho một vụ án thời hiện tại. 

Từ Phạm Quý Ngọ... 

Khi vụ án gia đình anh nông dân Đoàn Văn Vươn nổ ra, có lẽ nhiều người còn nhớ ông thủ tướng tuyên bố nghiêm trị việc chống người thi hành công vụ, sau đó tiếp tục "chỉ đạo giải quyết nghiêm vụ việc (Đoàn Văn Vươn), các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc, càng để lâu càng không có lợi" [2]. Tuy nhiên sau đó, cũng chính ông Nguyễn Tấn Dũng lại xoay chiều đột ngột để kết luận sai phạm thuộc về phía công quyền, lại còn trực tiếp đề nghị tòa địa phương xem xét giảm nhẹ tội trạng cho gia đình người nông dân này. 

Một trong những nhà báo đi đầu để lên tiếng cho gia đình nông dân khốn cùng, đó là nhà văn Nguyễn Quang Vinh. 

Ông Nguyễn Quang Vinh, trong quá trình lên tiếng, đã tiếp xúc trực tiếp với Trung tướng Phạm Quý Ngọ lúc bấy giờ. Trong cuộc trao đổi này, ông Vinh cho biết [3], lúc đầu ông Ngọ xem mọi sai phạm đều thuộc về gia đình Đoàn Văn Vươn, nhưng sau đó cũng "...chính ông Ngọ báo cáo lại với Thủ tướng, chính quyền Tiên Lãng làm trái luật". Đánh đổi bằng thao thức "trằn trọc cả đêm", tướng Ngọ mới có được "báo cáo" vì dân đến thế (!). 

Ở đấy, người quan sát nhận thấy "sự trùng phùng" về ý tưởng của ông thủ tướng và ông trung tướng công an gắn kết không cần che giấu. Nói cách khác, Phạm Quý Ngọ đã trưng bày rõ tư cách cố vấn đầy tín cẩn và tin cậy đối với Nguyễn Tấn Dũng. 

Nếu không tin lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa về việc Phạm Quý Ngọ mật báo ông Nguyễn Tấn Dũng chuẩn thuận bắt giữ và điều tra, thì cũng thật khó tin một ông thủ tướng công khai một cách vô pháp, khi đề nghị tòa địa phương xem xét giảm nhẹ tội trạng cho gia đình Đoàn Văn Vươn. Rất tiếc, thực tế đã xảy ra. Một sự thật hiển nhiên khác: Ông Nguyễn Tấn Dũng là một cử nhân luật (!). Trong lịch sử "pháp lý" của chế độ cộng sản Việt Nam, cho đến giờ phút này, chưa có một ông thủ tướng nào lại đi làm một việc kỳ quặc (mà có thật) như ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm trong vụ án Đoàn Văn Vươn. 

Đến "phao chuyên dẫn ngọc" [*] và "dương đông kích tây" 

Chuyện quan hệ giữa Dương Chí Dũng và Phạm Quý Ngọ đã râm ran trên mạng khá lâu, trước khi Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia. Người có quan tâm thời cuộc cũng biết việc đồn đoán này, làm sao nội bộ cấp cao của CSVN lại không mảy may chú tâm? Đó là điều quá đỗi bình thường. 

Nhiều người gắn kết mối quen biết này với câu hỏi: Tại sao đã có nghi ngờ mối quan hệ này lại còn phong hàm Thượng tướng cho Phạm Quý Ngọ trong khi Dương Chí Dũng đã bỏ trốn? Trả lời cho câu hỏi đó, một số người xem nó như thỏa hiệp hay dàn xếp "ấm êm" giữa các phe phái để trình diễn màn "đại đoàn kết" trước công luận mà ông Nguyễn Phú Trọng từng phát ngôn [4]: "Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ". 

Thật ra, điều này có thể lý giải theo góc độ kế sách "phao chuyên dẫn ngọc" trong "chiến tranh chính trị" giữa những người gọi nhau là đồng chí. Kế sách này coi như ném một "hòn gạch" (nghĩa là phao) ra để dụ địch nhằm đoạt cái lợi lớn hơn (viên ngọc). Mục đích của kế sách này thật dễ hiểu: đẩy phía địch vào thế huênh hoang vì nhầm tưởng "miếng nhỏ" đó là lớn, từ đó càng chứng tỏ "ta đây" uy tín đầy mình dễ dẫn tới chủ quan và sơ hở trong phòng bị mà thất bại. 

Nhìn lại vụ án Dương Chí Dũng kể từ lúc khởi tố, bỏ trốn, bị bắt cho đến trước ngày ra tòa, điều đáng lưu ý: Cái tên Phạm Quý Ngọ hoàn toàn không xuất hiện trên các mặt báo. Trong khi vụ trốn chạy diễn ra, người đọc biết, bên cạnh việc "Thủ tướng chỉ đạo rất sát sao vụ bắt giữ Dương Chí Dũng" [5], nhưng đồng thời lại [6] "yêu cầu báo cáo quá trình truy bắt Dương Chí Dũng" (?!). Thông tin tréo ngoe như thế vẫn được báo chí "vô tư" cập nhật (!). 

Khi Dương Chí Dũng đã bị bắt, người ta cũng chỉ thấy "Bộ trưởng Công an khen vụ bắt Dương Chí Dũng" [7] đồng thời "...kêu gọi những ai có hành vi che giấu, tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, nếu ra tự thú, sẽ được hưởng khoan hồng". Đó phải chăng một "sự bắn tin" cho "phía đối phương" mà rằng: Chúng tôi biết hết cả rồi nhé! 

Ở góc độ ngược lại, ban đầu "phía đối phương" vẫn bán tín bán nghi, khi không có dấu hiệu nào cho thấy Dương Chí Dũng bị bắt thật tại đâu đó, vì ngay cả quốc gia mà ở đó Dũng ẩn nấp cũng không được nêu ra cụ thể, thay vào đó là một tấm ảnh photoshop, nó tỏ ra như trò "rung cây nhát khỉ". Thế là, "chúng ta" nên ngồi im và quan sát cùng với nỗi thắc thỏm một chút, bởi đừng để "có tật giật mình" làm bộc lộ ra nhiều điều cho "chúng nó". 

Song song câu hỏi trên, thêm một thắc mắc chính đáng: Tại sao không những phong thượng tướng lại còn giao Phạm Quý Ngọ làm "Trưởng ban chuyên án vụ Vinalines" (tạm gọi Ban A)? Chẳng lẽ thượng tầng chính trị kia ngây ngô đến mức ấy? Thật ra, việc bổ nhiệm này hoàn toàn trong phạm vi của ông thủ tướng, nó diễn ra trong sự im lặng của "phe bên kia" như hàm ý đồng thuận tuyệt đối để tạo thêm một "sự tín nhiệm" cần có, nhằm dụ "địch" dính sâu vào bẫy hơn. Điều này có thể lý giải tiếp: đó là một trong các kế sách, tạm gọi "dương đông kích tây". 

Mặt khác, với Ban A công khai, chính danh như thế, thử hỏi Phạm Quý Ngọ làm gì tốt hơn là tỏ ra phớt lờ cùng một vài lời đôn đốc và báo cáo đâu đó mang chất chiếu lệ? Lý do Ban A không thể xăng xái, cật lực truy lùng, bất chấp có lệnh truy nã (do Trần Duy Thanh - một nhân vật cũng do Dương Chí Dũng khai có hối lộ - trực tiếp ký tên), cũng dễ hiểu: hành động càng nhiệt tình càng... chết, nó có khác gì tự Ngọ đang ra lệnh vây bắt mình? Vào lúc Ngọ tỏ ra tảng lờ, cũng là lúc dính bẫy càng sâu, bởi đó tạo lý cớ quá chính đáng để một "Ban chuyên án ABC" (tạm gọi Ban B) buộc phải hình thành. 

Chính hai kế sách: "phao chuyên dẫn ngọc" và "dương đông kích tây" lý giải thêm những nghi ngờ đang râm ran trên mạng: bên cạnh một "Ban chuyên án ông Ngọ" (nghĩa là Ban A), có vẻ song song, xuất hiện một "Ban chuyên án ông ABC" (nghĩa là Ban B) hoạt động lặng thầm quyết truy bắt cho bằng được Dương Chí Dũng. 

Hãy thử hình dung, dù Phạm Quý Ngọ đang bị nghi ngờ, nhưng trước muôn ngàn cặp mắt, ông ta vẫn được thăng hàm, vẫn được tin tưởng giao làm trưởng ban chuyên án thì có phải, ông ta và phe cánh, tựa như đang đi vào một mê hồn trận với cả một "vùng trời bình yên", có gì mà cần quá lo lắng? Tất nhiên, Ban B này hoàn toàn được lập ra trong thầm lặng của một nhóm mà chỉ có ít người được phép biết lúc bấy giờ, đến độ chẳng cần phải báo cáo ông thủ tướng cũng như không cần đếm xỉa gì đến ông Ngọ? 

Nếu độc giả nào hoài nghi lý luận này, có thể nhớ lại ông Bùi Văn Nam được thăng chức thứ trưởng Bộ Công an, nhưng lại do ông Tô Huy Rứa trao quyết định từ Bộ Chính trị. Đó không phải chỉ dấu nghiêm trọng lấn quyền thủ tướng, cũng như nó bộc lộ cho dân chúng thấy, người cộng sản sẵn sàng dẫm lên tất cả văn bản luật pháp vì mục tiêu đấu đá, tranh giành quyền bính trên hết? 

Thêm vào đó, dù Ban A có biết Ban B được âm thầm lập ra, họ cũng buộc phải tảng lờ như không hay và càng không thể dò la, dù một chút tin tức nội bộ từ Ban B, bởi có khác gì "lạy ông con ở bụi này"? Tóm lại, Ban A và phe Phạm Quý Ngọ hoàn toàn rơi vào thế bị động, nghe ngóng và chờ đợi, sau khi đã cắt liên lạc hoàn toàn với Dương Chí Dũng vào ngày 17/5/2012. Đó là thất bại tất yếu không tránh khỏi từ một kịch bản không thuộc loại đặc sắc lắm mà Ban A có thể đã viết ra. 

Kết. 

Cuộc "tác chiến" nào cũng cần có vài phương án. Ở đây, câu chuyện trở nên giản dị hơn khi Ban A, dù công khai lại trở nên vô hiệu quả và vô hình chung bị vô hiệu hóa với "vết chàm" lúc ẩn lúc hiện, thì phương án đẹp nhất cho ông Ngọ trong tư cách trưởng Ban A: im lặng, phớt lờ, xem như chuyện chẳng có gì ầm ĩ và cứ để nó trôi tuột theo lệnh truy nã. Đến lúc nào hay lúc đó, cũng chẳng dám chắc chắn 100% bắt được Dương Chí Dũng. Dù có bắt, cũng chưa chắc suy suyển đến mình, như lời ông ta trả lời với báo chí, dù trong giọng nói có chút lắp bắp và hơi mất bình tĩnh [8]: "phải chứng minh". 

Cứ tạm coi là chẳng có chứng cớ nào từ lời khai Dương Chí Dũng, câu hỏi khác đặt ra cho Phạm Quý Ngọ: Trách nhiệm đến đâu và hiệu quả ra sao của Ban A từ ngày thành lập "Ban chuyên án" đến khi bắt được Dương Chí Dũng? 

Phạm Quý Ngọ thật khó trôi chảy trong vai trò "Trưởng Ban chuyên án Vinalines". Đó là thất bại không chối được với tội danh có thể thành lập "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 285 Luật hình sự với mức án từ cải tạo không giam giữ cho đến 12 năm trong trường hợp "Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng"? 

Riêng ông thủ tướng, có lẽ mất một "con ngựa quý" cũng tiếc một chút, nhưng sá gì, vì trước đây một chú "bạch mã" dù hơi già cỗi một chút nhưng còn "chiến" hơn, cũng đã giã biệt "chiến trường". Quanh ông thủ tướng vẫn còn nguyên một "đàn ngựa" "khủng", chỉ có điều có vẻ dễ thấy hình ảnh: Một con ngựa đau cả tàu vẫn... ăn cỏ trong vô tư. Âu đó cũng là cách sống theo "văn hóa cộng sản" (!). 

Cuối cùng, một chi tiết nhỏ mà rất quan trọng trong vụ án lùng nhùng này: Người cộng sản vẫn hành xử trên mọi phương diện như thuở chưa biết đến bốn chữ "Hội nhập quốc tế". Đó cũng là cái giá phải trả cho những bộ mặt càng thêm lem luốc của bên này hay bên kia, dù thắng hay bại hoặc tiếp tục hòa cho những "ván cờ chính trị" vẫn đang tiếp diễn. 

Ông Nguyễn Tấn Dũng là một người tạo ra quá nhiều ân oán, ngay đối với các đồng chí. Một năm mới đầy chông gai có lẽ đang chờ đón ông ta với những vụ án lớn khác. 



_____________________________ 


Mời đọc thêm: 

                                    ===================================

2/  Mặt thật


Kông Kông (Danlambao) - Mấy ngày nay báo chí trong nước và bên ngoài đều thỏa mãn được đôi chút tò mò từ lâu về sự giàu có của giới chức đang cầm quyền chế độ CHXHCNVN do đảng CSVN lãnh đạo. Nay mới có cơ hội thấy rõ hơn được phần nào hệ thống độc quyền tham nhũng và cũng chỉ biết thêm chút ít về thế giới bí ẩn đó mà thôi! Nên chắc chắn đây không phải là cái gì quá to tát hay ngạc nhiên đến độ ngoài dự đoán!

Chi tiết về lời khai của tử tù Dương Chí Dũng về tình trạng liên kết tham ô của giới chức quyền lực cũng không có gì lạ lắm, chỉ có cái lạ là lượng tiền mặt đô la chứa đầy trong bao tải! Cứ hình dung ông Dương Chí Dũng phải ôm cả bao 500.000 đô la đến nhà ông Thượng tướng Thứ trưởng công an, Ủy viên Trung ương đảng, Trưởng ban chuyên án, Phạm Quý Ngọ đã thấy rất buồn cười! Chưa thể hình dung được là với 500.000 đô la tiền mặt nặng cỡ bao nhiêu nhưng một người ôm một túi tiền như thế ắt hẳn không thể đi thẳng lưng(!) Như vậy dù muốn hay không ông Dương Chí Dũng cũng phải cong lưng (còn cong nhiều hay ít là chuyện khác!) giao nộp cho ông Phạm Quý Ngọ, hình ảnh nầy không thấy vui thì là gì nữa? Ấy thế mà ông Phạm Quý Ngọ dám ăn quỵt ngoài việc chỉ thông báo “nên tránh đi một thời gian” còn chẳng giúp được gì khác hơn thì trách chi việc ông Dương Chí Dũng ôm hận nên phải tìm mọi cách để khai ra tất cả sự thật trong vai trò nhân chứng?

Rồi hình dung lúc ông Dương Chí Dũng còn tại chức đang ngồi ở văn phòng “hoành tráng” mà trên tường chắc có không ít bảng ghi công trạng hay khen thưởng cấp nhà nước và những hình ảnh ông rạng rỡ chụp chung với các lãnh tụ cao cấp nhất, lại có cả tượng ông Hồ Chí Minh bên trên nữa! Lúc đó ông chỉ khẻ cau đôi mày ngài thì những người đang khúm núm vào trình diện ông phải hồn phi phách tán, lại càng vui hơn! 

Bây giờ cũng những hình ảnh tương tự như vậy với ông Thứ trưởng công an, đặc trách chuyên án Phạm Quý Ngọ! Ông Thứ trưởng cũng đang ôm bao tiền đô la khác, chắc phải nặng gấp mấy lần bao tiền của ông Dương Chí Dũng nộp trước kia, lại khúm núm đến nhà ai đó, ở đâu đó và... cứ thế, cứ thế... là đủ thấy hết chuyện vui rất thời sự trong thời đại chế độ XHCNVN! 

Cho nên nếu các ông/bà cao nhất nước có cả tỉ đô la tiền mặt trong nhà chắc không còn là chuyện lạ nữa! Vì tiền nhiều quá không biết cất giấu ở đâu mà cũng không dám đem gửi thêm tại các ngân hàng nước ngoài vì sợ bị lộ! 

Bây giờ đến cảnh nghi can Dương Chí Dũng với chấp pháp.

Bao nhiêu hoạt cảnh “trốn mà không thoát” sau 4 tháng đào tẩu, ông Dương Chí Dũng phải vò đầu bóp trán suy nghĩ để đối chất với người khảo cung. Khi ông bị tóm và dẫn độ từ Campuchia về hẳn ông đã biết thân phận ra sao rồi và tại sao cấp trên làm ngơ! Bây giờ ông phải khai như thế nào để bảo toàn được mạng sống là ưu tiên số một, chứ chưa nói đến chuyện phải đối diện với pháp luật! Nếu ông khai không khéo thì chuyện “nghi can vì ân hận nên tự tử” tại nhà giam là điều rất dễ xảy ra, vì chuyện nầy đã trở thành “chuyện thường này ở huyện” trên cả nước! Nên trước hết ông Dương Chí Dũng phải thoát được cảnh “tự tử vì ân hận” để chờ dịp tố cáo trước công luận và nhờ công luận bảo vệ mạng sống! Vì thế hôm tòa xử vụ án của ông, khuôn mặt ông có vẻ như bình thường! Nhưng mới đây, khi ra tòa với tư cách nhân chứng trong vụ án xử em ông, cựu Đại tá Phó giám đốc công an Hải Phòng, Dương Tự Trọng, ông mới khai ra hết vì “tử tù thì chẳng còn gì để sợ mà giấu giếm nên phải nói ra tất cả sự thật” (!) Và ông đã nói! Bây giờ thì ông Dương Chí Dũng có thể yên tâm được đôi chút khỏi sợ bị “tự tử vì ân hận” trong nhà giam! 

Toàn cảnh cho thấy ngay trong giới chóp bu quyền lực cũng chẳng còn ai tin ai! Mỗi người đều đang ngồi trên cả núi tiền mặt và có cùng tâm trạng như nhau, là nơm nớp lo sợ “không biết bao giờ đến lượt mình”?

Hết ông Dương Chí Dũng bây giờ đến phiên ông Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ ngồi trên chão lửa mà chỉ cách đây mấy hôm ngôn ngữ của ông vẫn là loại ngôn ngữ của kẻ đang cầm chịch! Với lời khai thẳng thừng của ông Dương Chí Dũng như thế thì liệu ông Phạm Quý Ngọ sẽ nói gì? 

Dĩ nhiên, chối bay chối biến là điều trước tiên! [1]

Và ông nào đã được ông Phạm Quý Ngọ thăm viếng gần đây cũng phải thấp thỏm dây chuyền![2] 

Cứ như thế không mấy chốc các ông/bà chóp bu của chế độ đều cùng nhau bơi trong chão nước… sôi!

Cũng không thể làm ngơ, trước khi xử 2 vụ án nầy ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban nội chính Trung ương đảng, đã đi Bắc Kinh! Và Bắc Kinh cũng đang xử tham nhũng qua câu nói của Chủ tịch Tập Cận Bình “bắt cả hổ lẫn ruồi’!

Như vậy ông Nguyễn Bá Thanh qua đó không thể không có lý do!

Chỉ biết, ngay trong phiên xử vụ án Ụ nổi 83M Dương Chí Dũng, ông Nguyễn Bá Thanh, một mình, thình lình xuất hiện tại tòa! Còn vụ xử Phó giám đốc công an Hải Phòng Dương Tự Trọng về tội “tổ chức cho người trốn ra nước ngoài” thì báo chí cho biết là ông Trưởng ban nội chính trung ương đảng ngồi một mình xem qua TV! Điều nầy quan tòa đang ngồi xử không thể không biết!

Có thể võ đoán là chính ông Nguyễn Bá Thanh đã biết là các cán bộ cỡ các ông Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, dù chỉ ở cấp trung trong triều đình đảng CSVN, nhưng cũng đã thuộc quyền chỉ đạo từ Bắc Kinh nên trước khi đem xử phải sang thỉnh ý! Và đã được Bắc Kinh bật đèn xanh!

Với Bắc Kinh thì xử mấy “chú ruồi” trong 2 vụ án nầy chỉ là lời nhắn khéo đến các “chú hổ” trong nội bộ VN là: “Ngộ đang nắm bằng chứng trong tay nên các nị liệu hồn đấy!”

Như vậy thì bảng Thông điệp đầu năm của ông Thủ tướng mà dư luận đang còn râm ran sẽ đi về đâu? [3]

Còn nhớ trong thời điểm uy tín của ông Nguyễn Tấn Dũng xuống thấp nhất và chiếc ghế Thủ tướng đang lung lay dữ dội thì nhân cơ hội tham dự Hội chợ Thương mại tại Trung Quốc, ông Nguyễn Tấn Dũng đã tìm gặp và nhận được cái bắt tay “lịch sử” của ông Tập Cận Bình, lúc đó ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị nhận chức lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, nên mới giữ lại được chiếc ghế Thủ tướng!

Vì thế vận mạng chính trị của chế độ CSVN không phải do chính đảng CSVN tự quyết định mà phải ở một tầng cao hơn, xa hơn rất nhiều!

Rất tiếc là thân phận của người VN, của đất nước VN lại bị nằm trong vòng xoáy nghiệt ngã của cơn thác lũ đó! Hoa Kỳ trong chiến lược quay lại Biển Đông, và là người đã bỏ rơi “đồng minh” VNCH chỉ vì quyền lợi của chính nước Mỹ, còn Tàu cộng thì đang chủ trương xé lẻ khối Asian để bẻ gãy từng chiếc đũa thì cho dù Thái Bình dương đang dậy sóng, trông rất dữ dội, nhưng chính những cơn sóng ngầm từ đáy đại dương kia của các siêu cường xúm lại trong khu vực, mới quyết định dòng chuyển lịch sử! 

Trong hoàn cảnh như vậy mà chế độ vong thân CSVN chỉ lo phe cánh, thối nát, tham nhũng, không đặt nền tảng tổ quốc dân tộc là tất yếu, đoàn kết người VN thành một khối hòng tạo sức mạnh để đối phó với biến động lớn tại biển Đông thì tương lai VN sẽ về đâu?

Và liệu khối tài sản các quan chức CSVN đang thâu tóm, có thể giữ được không? Rất mong các ông/bà đảng viên nhớ lại hình ảnh cha con ông Saddam Hussein của xứ Iraq trong những ngày cuối cùng! 

Trên đường chạy thoát thân, tiền đô la đã vung vãi, bay tứ tán như giấy vụn và cuối cùng mạng sống cũng không còn!

(Jan 8th, 2014)


_______________________________

Chú thích:



                           =========================


3/  Hàng Quốc Cấm


S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – Người dân tiếp xúc với truyền thống định hướng một chiều lâu ngày sẽ vô tình tự triệt tiêu tư duy nhìn nhận vấn đề bằng con mắt đa chiều, đó là một vấn đề không thể phủ nhận được trong ý thức hệ của rất đông bộ phận người Việt hiện nay. - Hương Vũ

Mấy năm trước – khi ông Bùi Ngọc Tấn ghé qua Hoa Kỳ – chúng tôi có đi thăm thú vài nơi, hay nói theo ngôn ngữ “đương đại” là “tham quan” vài chỗ. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, tôi nghe nhà văn của chúng ta nhắc đi lại (đến) đôi ba lần, với ít nhiều hãnh diện: “Tôi là bạn của ông Dương Tường.”

Tuy chúng tôi biết nhau khá lâu nhưng đây là lần đầu mới diện kiến nên tôi không tiện hỏi:

- Dương Tường là cha nội nào vậy cà?

Sau đó, tôi mới được biết thêm Dương Tường là một nhà thơ, và là một dịch giả (thế giá) ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông được mến mộ không thuần vì chuyện sáng tạo thơ văn mà vì đã tìm ra phương cách giúp cho bạn bè thoát cơn bỉ cực:

“Đi bán máu ... Lấy xong máu, cầm biên nhận đến tài vụ lĩnh tiền, nhận phiếu bồi dưỡng. Tiền tính theo xê xê còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít máu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu.

Cho nên những ngày đi bán máu rất vui. Con người mình bỗng nhiên tăng thêm giá trị trước gia đình và trước bao cặp mắt của cánh phe vé, bỗng nhiên mình được bao bọc quấn quít giữa những cái nhìn trìu mến...” (Bùi Ngọc Tấn. “Thời Gian Gấp Ruổi”. Viết Về Bè Bạn. Fallchurch, Virginia: Tiếng Quê Hương, 2006).

Nghe đâu Dương Tường còn được thiên hạ (suýt xoa) nể phục vì quen biết lớn. Ông ấy có thể bán máu mà không cần qua cò, và cũng không bị xét nghiệm lôi thôi như bao kẻ khác. Tuy “thần thế” tới cỡ đó nhưng Dương Tường vẫn nhất định “ ... đứng về phe nước mắt!”

Ôi, tưởng gì chứ “nước mắt” thì tôi không hảo (lắm) và cũng hoàn toàn chả thấy hào hứng (tí nào) khi đi bán máu để nuôi thân, và... nuôi cả gia đình. Tôi thực vô cùng kinh ngạc khi nghe Bùi Ngọc Tấn thốt lên là “những ngày đi bán máu rất vui,” và ông ấy rất hãnh diện vì là bạn của ông Dương Tường.

Sống với cộng sản mà lại làm bạn với một thằng cha chuyên môn “đứng về phe nước mắt” thì đời nếu không te tua (e)cũng bầm dập lắm. Qúi báu (mẹ) gì mà cứ khoe nhặng cả lên như thế, lạ thật! 

Tuần rồi, tôi lại bị ngạc nhiên thêm “cú” nữa khi đọc mục hỏi đáp trên trang Thư Viện Pháp Luật của đất nước mình – xin ghi lại nguyên văn:

Hỏi:

tôi có người thân tới chơi. nhưng chưa kiệp làm tạm trú tạm vắng thì bị công an tới lập biên bản phạt. nhưng thời gian người thân tôi lên là chiều ngày thứ sáu. qua thứ bảy và chủ nhật thì họ không làm. tôi nghĩ qua thứ hai rùi lên báo cáo. nhưng đã bị lập biên bản tối ngày chủ nhật. công an tạm giữ giấy chứng minh nhân dân của hai người thân tôi. họ cứ hẹn lên hẹn xuống rồi lại điều tra sơ yếu lý lịch nhân thân gia đình rùi từ nhỏ cho đến lớn... mời lên lấy lời khai liên tục. hơn một tháng nay vẫn chưa giải quyết xong. họ cứ mơi lên lấy lời khai hoài. không đi đâu làm được. vậy hỏi các cán bộ ấy đã làm việc vậy đúng với pháp luật chưa.

chân thành cảm ơn ! 

Trả lời:

Theo quy định tại điều 31 luật cư trú 2006, người nhà bạn phải thực hiện thông báo lưu trú theo quy định. Vì người nhà bạn đến vào buổi chiều nên phải thông báo trước 23h cùng ngày. Việc thông báo này có thể thực hiện trực tiếp hoặc qua điện thoại đối với công an khu vực. Do đó, bạn chưa thực hiện đăng ký thường trú là vi phạm pháp luật và theo quy định thì sẽ phải chịu mức phạt 1.000.000 - 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 2 điều 11 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của chính phủ. 

Ý quỷ thần, thiên địa ơi, có nơi nào trên hành tinh này mà đi thăm bạn lại bị công an “mời lên lấy lời khai liên tục cả tháng trời mà vẫn chưa giải quyết xong.” Còn người được thăm “bị công an tới lập biên bản phạt.” Đã thế, khi thắc mắc thì được trả lời rằng: “... bạn chưa thực hiện đăng ký thường trú là vi phạm pháp luật và theo quy định thì sẽ phải chịu mức phạt 1.000.000 - 2.000.000 đồng...” Số tiền này bằng lương trung bình hàng tháng của một công nhân!

Ở đâu ra cái thứ “chính phủ” và “nhà nước” khốn nạn như thế, hả Trời? Vậy mà nó đã tồn tại gần hai phần ba thế kỷ trên đất nước này, và được người dân chấp nhận một cách thản nhiên – cũng thản nhiên y như chuyện họ coi bán máu như một phương cách để mưu sinh vậy.

Thảo nào mà người lạc quan (đến) như Phùng Quán cũng phải thốt lên đôi lời cay đắng:

Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ đắng cay như ở đây?
Chín người – mười cuộc đời rạn vỡ.
Bị ruồng bỏ và bị lưu đày…



Tuy thế, vẫn theo lời Phùng Quán: Có nơi nào trên trái đất này/ Mật độ thương yêu như ở đây/ Mỗi tấc đất có một người qùi gối/ Dâng trái tim và nước mắt... cho đồng bào của mình – như tường thuật của Trọng Thành, nghe được qua RFI, vào hôm 07 tháng 12 năm 2013: 

Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 năm 2013 là một dịp đặc biệt đối với Việt Nam, sau khi Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nhân dịp này, Mạng lưới blogger Việt Nam – một nhóm do hơn 100 blogger chủ trương, được thành lập hồi tháng 7/2013 – kêu gọi tổ chức một số hoạt động quảng bá các giá trị nhân quyền, độc lập với các hoạt động dưới sự điều hành của Nhà nước.

Hai hoạt động chủ yếu dự kiến sẽ diễn ra vào ngày mai 08/12 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Riêng sáng nay, tại Nha Trang, một nhóm thành viên của Mạng lưới blogger Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền bằng cách phân phát các tài liệu về nhân quyền trực tiếp đến người dân.”

Về hoạt động ngày mai 08/12 tại Sài Gòn, blogger Phạm Lê Vương Các cho biết:

Ngày mai tại Sài Gòn sẽ có một buổi tổ chức sinh hoạt để quảng bá và vinh danh các giá trị Nhân quyền, bằng các hình thức như thả bóng bay và các anh chị em sẽ ngồi lại với nhau, để trao đổi, tìm hiểu bản Tuyên ngôn phổ quát Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Tất cả những hoạt động đó đều nhằm hướng đến việc xây dựng cho mỗi cá nhân, công dân có được ý thức về quyền con người. Thông qua việc tìm hiểu về Nhân quyền, họ sẽ có được các kiến thức bổ ích, để có thể ngăn chặn được các hành vi vi phạm Nhân quyền đối với mỗi người dân.


Một người tham gia phát tặng TNQTNQ đang giải thích cho một người dân ở bến xe Mỹ Đình hiểu về quyền con người được ghi trong bản tuyên ngôn. - Ảnh và chú thích: Dân Làm Báo.

Công việc xem chừng có vẻ giản dị nhưng “không hề đơn giản.” Họ bị đánh đập dã man một cách vô cớ, theo ghi nhận của biên tập viên Gia Minh (RFA) nghe được vào hôm 10 tháng 12 năm 2013:

“Nhóm các bloggers Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), An Đỗ Nguyễn (Nguyễn Hoàng Vi) và Con đường Việt Nam (Hoàng Văn Dũng) chiều nay tại Sài Gòn bị hành hung một cách vô cớ… Blogger Hoàng Vi bị đánh rất tàn bạo và Hoàng Dũng cũng bị đánh chảy máu.”

Cùng với bạo lực, những kẻ “qùi gối, dâng trái tim và nước mắt” còn phải đối diện với sự xa lánh do sợ hãi của đồng bào – theo như kinh nghiệm (“Tôi Đi Tiếp Thị Sản Phẩm Quyền Con Người”) của blogger Phạm Văn Hải:

Có 3 mẩu chuyện nhỏ tôi muốn chia sẻ trong buổi phát tài liệu này. Nguyên tắc của chúng tôi là không ép buộc, không để tài liệu bị vứt bỏ thành rác thải như các loại tờ rơi ở ngã tư, cột điện... Thăm dò và nói vắn tắt nội dung tài liệu, nếu người nhận không cần thì sẽ không phát.

* Câu chuyện thứ nhất: Có một nhà sư lên xe. Ban đầu tôi nghĩ đã xuất gia thì chắc không cần đến tài liệu này. Nhưng nghĩ lại, Nhân quyền là phổ quát cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, tôn giáo... mà. Và cũng nảy ra một ý, dạo này nghe nói sư dỏm nhiều quá, trong tài liệu có phần nói về việc chống tra tấn hành hạ ngược đãi... rất gần với tâm thiện của nhà Phật. Mình chịu khó quan sát thái độ của vị này khi xem tài liệu có thể đoán được thật, giả chăng? Sau khi hỏi thăm xã giao thầy hiện đang tu ở chùa nào, đi công việc ở đâu... mình nói thưa thầy đây là tài liệu viết về Quyền Con Người, trang sau còn có Công ước chống tra tấn... nếu thầy muốn tham khảo thì giữ để xem, nếu không cần thì đọc xong cứ gửi trả lại ạ (phòng khi ông ta không muốn cầm mà ngại nên thấy khó xử). Rất vui là nhà sư đã xem và không gửi lại. A-Di-Đà-Phật!

* Câu chuyện thứ hai: Tôi và Võ Trường Thiện đến một quán nước. Vừa chào hỏi, tự giới thiệu và mới nói đây là tài liệu... thì hai người ngồi bàn ngoài cùng xua tay:

- Thôi, thôi có biết chữ đâu mà đọc...

Họ “không dám” chứ không phải là “không biết.” Hơn hai phần ba thế kỷ qua, người dân Việt đã “nhập tâm” rằng quyền làm người là một thứ taboo, hay một mặt hàng quốc cấm, ở đất nước này. Tuy thế, khi trả lời phỏng vấn báo Lao Động, phát hành hôm ngày 24 tháng 12, đại sứ Việt Nam tại Bắc Triều Tiên – ông Lê Quảng Ba – vẫn cứ băn khoăn: “Bao giờ ta có thể làm được như được họ?”

Với khuynh hướng xử dụng bạo lực và khủng bố, cùng với chính sách ngu dân hiện nay của chế độ hiện hành – có lẽ – cái ngày mà Việt Nam “đuổi kịp” Bắc Hàn (chắc) cũng không còn xa nữa.

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét