Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Chương trình viếng thăm và tặng quà các gia đình quân nhân VNCH trong trận Hải chiến Hoàng Sa 19.01.1974

 TIN CUA TRANG  : danlambaovn.blogspot.com/


1/ No-U Sài Gòn: Chương trình viếng thăm và tặng quà các gia đình quân nhân VNCH trong trận Hải chiến Hoàng Sa 19.01.1974


Các bạn thân mến,

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa, No-U Sài Gòn rất mong muốn sẽ thực hiện chuyến đi thăm và tặng quà Tết để tỏ lòng tri ân với các gia đình quân nhân Hải quân Việt Nam Cộng Hòa - những chiến sỹ yêu nước đã hy sinh vì tổ quốc khi bảo vệ biển đảo quê hương trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Chúng tôi hy vọng những người bạn của mình có thể đồng hành cùng No-U Sài Gòn trong chuyến viếng thăm này bằng cách trực tiếp tham gia hay ủng hộ, khích lệ về tinh thần cũng như đóng góp, giúp sức thực tế.

Hiện tại No-U Sài Gòn đang có danh sách các gia đình quân nhân đã hy sinh hoặc tham dự trong trận hải chiến Hoàng Sa hào hùng là 10 gia đình:

1. Ngụy Văn Thà – Trung tá HQ-10 (hy sinh)
2. Nguyễn Thành Trí – Thiếu tá HQ-10 (hy sinh)
3. Vương Thương (hy sinh)
4. Phạm Ngọc Roa – Trung úy HQ-4
5. Vũ Văn Chu – Trung sĩ HQ-4
6. Lữ Công Bảy – Giám lộ trên HQ-4
7. Trần Dục – Thượng sĩ nhất HQ-4
8. Trần Văn Hà – Lính thợ máy HQ-10
9. Đỗ Văn Thọ - Trung sĩ điện tử HQ-4
10. Nguyễn Đình Long – Trung úy HQ-4

Nếu các bạn có thêm thông tin liên lạc về những gia đình khác, xin vui lòng liên lạc với No-U Sài Gòn để bổ sung danh sách cho chuyến viếng thăm được hoàn thành trọn vẹn. Địa chỉ email liên lạc: NoUSaigon2014@gmail.com

Toàn bộ số tiền quyên góp sẽ được chúng tôi thay mặt chuyển đến gia đình các quân nhân VNCH trong danh sách ở trên. Nội dung, hình ảnh cũng như toàn bộ kết toán thu chi sẽ được thông báo chi tiết trên các trang mạng.

Kính thưa các bạn,

Có thể một chút quà, một chút tình cảm tri ân của chúng ta cũng không thể nào giúp gia đình những người lính đã tham chiến, hy sinh bảo vệ tổ quốc vơi bớt được nỗi đau, không thể giúp gia đình các bác/các chú cải thiện cuộc sống khá hơn, không thể giúp đất nước giành lại được biển đảo quê hương. Thế nhưng với tinh thần vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu và gìn giữ tinh thần yêu nước bất khuất, chúng tôi - No-U SG chân thành kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và kính ngưỡng đến các anh - những anh hùng "vị quốc vong thân", để thế hệ người Việt hôm nay và mai sau sẽ vẫn mãi mãi ghi nhớ đến các anh, để tiếp tục nuôi hy vọng một ngày nào đó Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam sẽ không còn chỉ là trong tiềm thức và tiếng hô vang của đồng bào.

Xin chân thành cám ơn sự khích lệ, ủng hộ và đóng góp của mọi người.

Mọi sự trợ giúp cho các gia đình thân nhân của các chiến sỹ đã hy sinh và chiến đấu vì Tổ quốc, vì Hoàng Sa thân yêu xin gửi về:
1. Nguyễn Hoàng Vi 
Địa chỉ: 107/22 Phan Văn Năm, P. Phú Thạnh, Q. Tân Phú, Sài Gòn
Phone: 0905 37 50 17

2. Hoặc chuyển khoản:
Vietinbank 711A01737932 - Lê Doãn Cường - Chi nhánh Vietinbank Quận 10, Sài Gòn.

THỜI GIAN NHẬN ỦNG HỘ ĐÓNG GÓP: TỪ NAY ĐẾN NGÀY 17.01.2014


                                  ================================

2/ Nhà báo tự do Đặng Chí Hùng được công nhận quy chế tị nạn


Nhận thức nguy cơ đang tiếp diễn về việc trục xuất, UNHCR đang tìm cách tái định cư khẩn cấp ông Phạm Mạnh Hùng sang một nước thứ ba.”

Thời Báo - Hôm 8 tháng 1, 2014, văn phòng Cao Ủy Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) ở Thái Lan đã gửi đến văn phòng của Thượng nghị sĩ Canada Ngô Thanh Hải văn thư xác nhận họ đã công nhận ông Phạm Mạnh Hùng là một người tị nạn theo quy chế của UNHCR và sẽ cố gắng để khẩn cấp đưa ông Hùng đi định cư ở một nước thứ ba.

Ông Phạm Mạnh Hùng là một nhà báo tự do ở Việt Nam, sử dụng bút hiệu Đặng Chí Hùng. Loạt bài viết “Những sự thật không thể chối bỏ”“Những sự thật cần phải biết” và “Chúng ta phải làm gì” của ông trên trang mạng Dân Làm Báo nhắm vào việc cung cấp cho người đọc những thông tin về các lãnh tụ cộng sản VN mà người dân trong nước bị bưng bít hay nhồi sọ không hề biết. Các bài viết của ông, với tài liệu và bằng chứng, đã được nhiều trang mạng khác tiếp tay truyền tải và khiến cho nhà cầm quyền CS lo sợ và bực bội, nhất quyết phải bắt ông cho bằng được. Ông Hùng đã phải trốn sang Cam Bốt rồi từ đó chạy sang Thái Lan, nhưng gần đây, mật vụ CS VN đã sang tận Thái Lan nhờ cảnh sát Thái bắt giữ ông, và yêu cầu Thái trục xuất ông Hùng về Việt Nam.

Hôm 16/12, Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đã gửi đến văn phòng UNHCR một văn thư kêu gọi Cao ủy bảo vệ ông Đặng Chí Hùng.


Trong văn thư gửi Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, bà Mireille Girard, đại diện văn phòng UNHCR ở Thái Lan cũng xác định đã theo dõi sát tình trạng của ông Hùng từ ngày ông bị bắt và đưa về trại giam của Bộ di trú ở Suan Phlu. Bức thư viết, văn phòng đã can thiệp nhiều lần với chính phủ Thái. Văn thư viết, “Nhận thức nguy cơ đang tiếp diễn về việc trục xuất, UNHCR đang tìm cách tái định cư khẩn cấp ông Phạm Mạnh Hùng sang một nước thứ ba.”




                               =============================

3/ Các nhóm nhân quyền vận động ngoại giao trước thềm điều trần UPR


Mạng Lưới Blogger Việt Nam - Hà Nội, 10/01/2014 -- Vào 10h sáng ngày hôm nay, 10-1, một số nhóm hoạt động nhân quyền ở Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc với đại diện một loạt đại sứ quán ở Hà Nội gồm có Đức, Thuỵ Điển, Úc, Hà Lan, Na Uy, liên minh EU, Bỉ nhằm thảo luận về phiên điều trần liên quan đến báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ Quát (UPR) của Việt Nam vào ngày 5/2 tới tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. 

Võ Văn BảoLý Văn DũngVũ Sỹ Hoàng (tức blogger Hành Nhân), Đào Trang Loan (Hư Vô), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Nguyễn Thị Yến Trang (Mí Rưỡi), Huỳnh Anh Trí, và Nguyễn Chí Tuyến (Anh Chí) đã đại diện cho Mạng Lưới Blogger Việt NamNo-U Sài GònNo-U Hà NộiPhật Giáo Hòa Hảo Truyền thống và Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam tham dự cuộc tiếp xúc.

Đại diện các nhóm No-U Hà Nội, No-U Sài Gòn, Mạng lưới Blogger Việt Nam, 
Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo VN, Phật giáo Hoà Hảo 
và người H'Mông và đại diện các đại sứ quán: 
Đức, Thuỵ Điển, Úc, Hà Lan, Na Uy, liên minh EU, Bỉ 

Nội dung của buổi gặp xoay quanh việc trao đổi thông tin về tình hình nhân quyền Việt Nam, đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình và đề xuất chính phủ các quốc gia nêu trên sử dụng thông tin và khuyến nghị này trong phiên điều trần về báo cáo UPR của Việt Nam. Các nhóm cũng đồng thời thảo luận với các đại sứ quán về tình trạng gia tăng đàn áp đối với giới hoạt động trong thời gian gần đây. 

Blogger Mẹ Nấm, đại diện cho Mạng Lưới Blogger Việt Nam, khẳng định: “Một trong các tiêu chí hoạt động của MLBVN là phấn đấu nỗ lực vì quyền con người, đó là lý do vì sao các nhóm đến gặp các đại sứ hôm nay để cung cấp thêm thông tin về tình trạng nhân quyền của Việt Nam trước phiên điều trần UPR. MLB mong muốn rằng với những nỗ lực này, các đại sứ sẽ có thêm nhiều thông tin cũng như bằng chứng để buộc Việt Nam phải thực hiện các cam kết khi tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC)”

Có còn quyền gì không bị vi phạm? 

Một thành viên khác của Mạng Lưới Blogger Việt Nam - Facebooker Mí Rưỡi - thông báo với quan chức các đại sứ quán chuyện bị cấm xuất cảnh và không thể tham gia UPR khi có thư mời. Hư Vô và Mẹ Nấm bổ sung thêm về việc thay đổi hình thức đàn áp với blogger: Thay vì mời “làm việc” vì bài viết thì giờ đây, giới bảo vệ chính quyền chuyển sang sử dụng côn đồ và các nghị định thông tư để đánh đập và phạt tiền. 

Hai blogger Anh Chí và Hành Nhân nói về tự do lập hội, trình bày các khó khăn mà đội bóng No-U Hà Nội và No-U Sài Gòn gặp phải, như bị quấy nhiễu, đàn áp, bị câu lưu khi tham gia chơi bóng. Nhưng do càng ngày càng có nhiều hội viên và người quan tâm đến tham gia nên phong trào No-U vẫn phát triển được. Gần đây, cũng có thêm nhiều hội mới ra đời và có sự giao lưu giữa các hội, nhóm, các phong trào bảo vệ nhân quyền. 

Anh Huỳnh Anh Trí, đại diện Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, kể lại khoảng thời gian bị đối xử khắc nghiệt trong tù. Anh cho biết chỉ được tiếp cận luật sư (do nhà nước chỉ định) hai ngày trước phiên xử. Ở tù, anh liên tục kêu oan, nhưng đã bị đối xử thô bạo và tra tấn bằng hình thức cùm chân, hoặc treo dốc ngược đầu xuống đất cả một ngày trời. 

Đặc biệt, một thành viên của giáo phái Dương Văn Mình là anh Lý Văn Dũng đã phản ánh về tình trạng người dân tộc H'Mông thiểu số bị công an đánh đập, bắt giữ mà không có giấy tờ gì. Họ cũng không được thông báo cho người thân. Nhiều bà con xuống Hà Nội đấu tranh đòi thả người bị bắt, nhưng chính bà con cũng bị công an đánh đập, đàn áp. Cũng nói về hành động trấn áp tự do tôn giáo, anh Võ Văn Bảo mô tả lại việc Phật Giáo Hòa Hảo bị kiểm soát chặt chẽ bởi người do chính quyền đưa vào, ai tỏ ý chống đối sẽ bị cách ly, bị đàn áp. Bảo bổ sung thêm trường hợp mẹ của anh là bà Mai Thị Dung đang bị bệnh nặng trong tù nhưng không được đưa đi điều trị vì không chịu nhận tội. 

Ông Felix Schwarz - Lãnh sự và tham tán chính trị Đức tại Việt Nam - 
trao tặng lịch Nhân Quyền 2004 cho các nhóm. 

Góc nhìn khác với thông tin do chính quyền cung cấp 

Về phần mình, các đại sứ quán (ĐSQ) đều tỏ ra quan tâm đến việc thành viên của MLBVN bị cấm xuất cảnh khi có thư mời tham dự UPR. Có đại diện của tổng cộng 7 cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, gồm ĐSQ của Đức, Bỉ, Đan Mạch, Nauy, Úc, Thụy Điển, và phái đoàn EU. Ông Felix Schwarz, tham tán chính trị ĐSQ Đức, cho biết, trước khi có cuộc gặp hôm nay, sứ quán đã có nhiều tiếp xúc với các tổ chức hoạt động dân sự ở Việt Nam (được cho phép) và nhà nước. Những thông tin họ nhận được hoàn toàn khác với thông tin từ các blogger và nhà hoạt động. Do vậy, buổi gặp hôm nay là cơ hội để họ có thêm thông tin cho phiên UPR tới. 

Bà Elenore Kanter, Bí thư thứ nhất ĐSQ Thụy Điển, cũng cảm ơn những thông tin do các nhóm mang lại. Bà nói rằng thông tin này “thực sự khác với những gì ĐSQ nhận được từ phía nhà nước”. 

Với các thông tin đã nhận hôm nay, phái đoàn EU tại Hà Nội và các đại sứ quán sẽ tiếp tục đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải thực hiện cam kết của mình trong nhiệm kỳ 2014-2016 ở UNHRC. 

5/2/2014: Việt Nam tiến hành điều trần UPR 

Cuộc gặp hôm nay của các nhóm hoạt động diễn ra trong khuôn khổ chính sách tham vấn xã hội dân sự của chính phủ những quốc gia thành viên của UNHRC cũng như các quốc gia quan tâm đến việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên giới hoạt động ở Việt Nam sử dụng cơ chế UPR của Liên Hiệp Quốc để báo cáo thực trạng và đưa ra khuyến nghị về nhân quyền. 

Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là thủ tục đặc biệt của UNHRC, được tiến hành bốn năm một lần với tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, nhằm đánh giá việc thực thi các cam kết về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền của mỗi quốc gia trong số đó. Việt Nam đã tiến hành thủ tục UPR lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2009 và nhận được nhiều khuyến nghị của các quốc gia thành viên Hội đồng nhân quyền, trong đó có các khuyến nghị cụ thể liên quan đến việc cho phép báo chí tư nhân, trả tự do cho tù nhân lương tâm, bãi bỏ án tử hình, đảm bảo quyền tự do tiếp cận luật sư của bị can, bị cáo, cho phép Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc vào Việt Nam để khảo sát thực trạng nhân quyền. Các khuyến nghị cụ thể này đều bị Việt Nam từ chối. 


Thành viên MLBVN Hư Vô, Mí Rưỡi, Mẹ Nấm cùng bà Elenore Kanter: 
Bí thư thứ nhất Ban chính trị và Thương mại Thuỵ Điển và 
ông Ông Felix Schwarz - Lãnh sự và tham tán chính trị Đức tại Việt Nam. 


                                     ==============================

4/ Bà Trần Thị Ngọc Minh - Mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh được mời làm nhân chứng trong buổi Điều trần ở Quốc hội Hoa Kỳ


CTV Danlambao - Theo thông tin từ Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, bà Trần Thị Ngọc Minh sẽ là một trong những nhân chứng của buổi Điều trần "Bảo vệ Tự Do - Làm nổi bật cảnh ngộ của tù nhân lương tâm trên thế giới".

Bà Trần Thị Ngọc Minh
Buổi điều trần sẽ diễn ra vào lúc 10 giờ sáng, ngày 16 tháng 1, 2014. Đây là buổi điều trần đầu tiên trong năm 2014 của Ủy Ban Nhân quyền Tom Lantos. Buổi điều trần được tổ chức tại phòng HVC 210 trong Trung Tâm Tiếp Khách của Quốc Hội. 

Cùng tham dự với bà Trần Thị Ngọc Minh trong tham luận đoàn là ông Natan Sharansky - một nhà đấu tranh nhân quyền nổi tiếng của Nga đã từng bị giam 9 năm trong trại tù Gulag của Sô Viết; Tiến sỹ Robby George - Chủ tịch Ủy ban Tự Do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ; Ông Frank Jannuzi, phụ tá giám đốc của cơ quan Vận động và Chính sách, Ông Natan Sharansky - Giám đốc Cơ quan người Do Thái; Bà Geng He - Vợ của Tù nhân và Luật sư hoạt động nhân quyền Gao Zhisheng; Ông Jared Genser - Sáng lập viên tổ chức Freedom Now; Josh Colangelo-Bryan - đại diện cho tổ chức Nhân quyền Nabeel Rajab; và nhà văn Gal Beckerman. 

Đỗ Thị Minh Hạnh
Đỗ Thị Minh Hạnh - con gái của bà Trần Thị Ngọc Minh - bị bắt vào ngày 23-02-2010 và bị tòa án của đảng cộng sản kết án tù 7 năm vì đã đấu tranh cho quyền lợi của công nhân. Trong suốt thời gian bị cầm tù, Đỗ Thị Minh Hạnh đã bị bạo hành và bị đối xử tàn tệ bởi cai tù cộng sản và tình trạng sức khoẻ của cô ngày càng suy yếu. Trong thông tin gửi gia đình cách đây 4 tháng Đỗ Thị Minh Hạnh cho biết hiện cô thường xuyên đau nhức và bên ngực trái bi teo dần, mỗi buổi chiều thường bị sốt và đây là một trong các biểu hiện của bệnh ung thư vú...

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, bà Minh chia sẻ: "Việc làm của Hạnh cũng như bao nhiêu người khác đã làm như anh Nguyễn Văn Hải hay chị Tạ Phong Tần. Tôi không dám đòi hỏi gì hơn vì những người đó cũng khổ như con mình. Hạnh ở tù như chia sẻ những gian nan với họ. Tôi mong muốn con mình được tự do và cũng mong muốn Hùng, Chương, và những người đã dấn thân cho Tổ quốc được ra tù cùng một lúc. Trước mắt, tôi thiết tha yêu cầu cộng đồng người Việt trong và ngòai nước, cộng đồng quốc tế giúp đỡ, lên tiếng mạnh mẽ cho Hạnh để Hạnh được đi khám chuyên khoa, được điều trị để bảo vệ tính mạng cho Minh Hạnh trong lúc này..."

Việc tham gia làm nhân chứng trong buổi điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ vào 16 tháng 1, 2014 là một trong những nỗ lực của bà Trần Thị Ngọc Minh, vận động tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh cũng như nhiều tù nhân lương khác tại Việt Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét