Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Những Thiên Thần trong ngục tối Quê Hương (*)



1/ Tôi thấy em - Ca khúc mới nhất của Trúc Hồ dành tặng cho Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha




Danlambao - Kênh Youtube của đài truyền hình SBTN vừa cho phổ biến bài hát 'Tôi thấy em', một sáng tác mới nhất của nhạc sỹ Trúc Hồ dành tặng cho 2 sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.

Nhạc sỹ Trúc Hồ cho biết, ca khúc này được phổ nhạc dựa theo ý của bài thơ 'Tôi thấy em thấp thoáng áo về' của tác giả Hạ Huyên 72 được đăng trên Danlambao vào đúng ngày diễn ra phiên tòa kết án 2 sinh viên yêu nước, 16/5/2013. Ca khúc này sau đó đã nhanh chóng được trình diễn qua giọng hát của ba ca sĩ Nguyên Khang, Nguyễn Hồng Nhung, Mai Thanh Sơn.

Trúc Hồ là nhạc sỹ đã sáng tác rất nhiều ca khúc có nội dung kêu gọi dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Anh hiện là giám đốc kỹ thuật của trung tâm ca nhạc Asia, nới được xem là thành trì kiên cố trên mặt trận văn hóa tại hải ngoại.

Vì các sáng tác cũng như các hoạt động đấu tranh dân chủ cho VN, các bài hát của Trúc Hồ bị nhà cầm quyền CS cấm phổ biến. Điển hình là lệnh cấm gần đây của UBND TP.HCM đối với bộ đĩa ASIA 71, trong đó có bài hát 'Triệu con tim' của Trúc Hồ.

Dưới đây là lời giới thiệu của kênh Youtube SBTN về bài hát 'Tôi thấy em' của Trúc Hồ dành tặng 2 sinh viên yêu nước Uyên và Kha:

Ngày 16/5/2013 tại Việt Nam, Tòa án tỉnh Long An đã diễn ra phiên tòa xử hai sinh viên yêu nước đó là Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên. Hai em đều là những thanh niên trăn trở với vận mệnh đất nước và không chấp nhận hành vi xâm lược của Trung Quốc. Họ cùng những bạn bè của mình xuống đường và lên tiếng chống lại thái độ bá quyền của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam. Họ cũng lên tiếng chống lại những bất công xã hội.

Nhưng trước tòa án của nhà cầm quyền CSVN, họ đã bị kết tội với những bản án thật nặng nề: Nguyên Kha bị kết án 8 năm tù giam, 3 năm quản chế và 2 năm tù giam nữa về một tội khác trong quá khứ bất ngờ được nêu lên; Nguyễn Phương Uyên bị kết án 6 năm tù giam, 3 năm quản chế.

Nhạc phẩm Tôi Thấy Em do nhạc sĩ Trúc Hồ sáng tác sau phiên tòa xử hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. Bài hát được lấy ý thơ từ một bài thơ của tác giả Hạ Huyên gởi đăng trên Blog Dân Làm Báo, do nhạc sĩ Trúc Hồ tình cờ đọc được trong khi đang tìm đọc tin tức về phiên tòa. (http://danlambaovn.blogspot.com/2013/...)

Bài hát được thâu live qua tiếng hát của ba ca sĩ Nguyên Khang, Nguyễn Hồng Nhung, và Mai Thanh Sơn. Mời các bạn cùng chia sẻ với nhạc sĩ Trúc Hồ qua sáng tác mới nhất của anh viết tặng hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.


                          ==================================


2/ Phương Uyên - Nguyên Kha: Những Thiên Thần trong ngục tối


August Anh (Danlambao) - Buổi sáng trời Sài Gòn đìu hiu quá, những dòng xe cộ làm thinh bước đi lầm lũi không thèm nhìn đến cả một tấm băng rôn hay biểu ngữ 2 bên đường, có tấm băng rôn, biểu ngữ nào có giá trị hơn của Phương Uyên: “Tàu khựa cút khỏi biển Đông”, trong tình thế đất nước bị lệnh cấm đánh bắt cá vô lối của Tàu hiện nay, cái lạnh không của trời đất mà cái lạnh vô cảm của con người xe lấy tôi. Cả 2 ngày hôm qua, đã có bao nhiêu giọt lệ rơi cho cái bản án kết tội 2 bạn, có lẽ là nhiều lắm, nhưng những người không dám nhỏ giọt lệ còn nhiều hơn, vì họ đã không dám cho phép mình hiên ngang như 2 bạn, họ chỉ dám cho phép mình sợ hãi và vô cảm.

Khi một phiên tòa bí rị trước những lời bào chữa và chất vấn của luật sư và im bặt tiếng trước lời tự bào chữa của Phương Uyên mà rồi cuối cùng vẫn kết án tù thật nặng thì điều tất yếu là sẽ dễ gây cho hết thảy mọi người một cảm xúc tiêu cực, khó chịu, phẫn uất. Ta lấy một ví dụ như khi một người bố hay mẹ ngăn cấm, răn đe một người con bé nhỏ của mình mà không có lý do chính đáng, không có nguyên nhân và lý giải thấu tình thì dễ sinh ra trong lòng đứa bé một sự bất mãn, khó chịu, dẫn đến một thái độ phản đối ngấm ngầm là đứa con sẽ không nghe lời và phản kháng mạnh mẽ hơn là cãi lại lời bố mẹ nó.

Cũng thế, khi kết tội những người yêu nước, cụ thể là Phương Uyên và Nguyên Kha hôm nay, là ta xem thường và đi ngược lại với những luân thường đạo lý xưa nay của ông cha ta, trong đó có cả sự kiên cường bất khuất trước giặc, mà ngay HCM cũng đã phải ca ngợi những anh hùng có công chống Tàu:

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu
Ông đà chí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
Cho nên Tàu dẫu làm hung
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà

Như vậy, khi kết án những bạn trẻ có tinh thần chống Tàu là đã lấy đi cái áo ấm của đứa trẻ thơ con ta và bỏ mặc nó trong đêm giá buốt, không còn đủ sức chống lại cái lạnh giá, khi kết án những bạn trẻ vì đã chống tham nhũng, độc tài là ta lấy luôn chén cơm của đứa bé đang cần phải ăn để phần ta sẽ dư đầy mãi không vơi, mặc cho thằng bé than khóc vì đói. Ta tước đoạt hết, rồi bỏ hết vào ngục tù những tiếng nói phản kháng mà không cần giải thích lý do thấu tình, lý lẽ công bằng, nghĩa là ta bất lực đành làm điều ác để chấp nhận gieo vào lòng những bạn trẻ một sự phản kháng ngấm ngầm, tất nhiên, thời gian sẽ không dừng lại chờ điều ác, sự phản kháng biến thành bão tố.

Chỉ cách đây ít hôm, hàng trăm tàu đánh cá của Tàu kéo ra Trường Sa đánh bắt trái phép, và ngày diễn ra phiên toà xử 2 bạn, chúng lại tuyên bố ngăn cấm ngư dân đánh bắt cá trên biển Đông, ta phản ứng bằng cách câm như hến, đồng thời xét xử 2 bạn trẻ yêu nước vì đã “nói về Trung Quốc không hay”!?? khi mà Phương Uyên dùng máu ghi lên vải dòng chữ : “Tàu khựa cút khỏi biển đông”

Có nhiều người không thể tin được đành phải thốt lên rằng: không biết mình đang sống ở Việt Nam hay Trung Quốc đây?

Chúng ta đã không thể chấp cho những người trẻ yêu nước 1 đôi cánh mà lại đang tâm cướp đi đôi cánh của họ

Thế nhưng, bấy nhiêu đó không làm 2 bạn sợ hãi, trái lại 2 bạn đã ngẩng cao đầu, trong phiên tòa, Phương Uyên dõng dạc: “Ông Hồ Chí Minh nói một năm bắt đầu từ mùa xuân, con người bắt đầu từ tuổi trẻ. Tôi là sinh viên có lòng yêu nước. Nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì mọi người trẻ sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền đất nước”

Và Kha: “Trước sau tôi vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống Đảng Cộng Sản, mà chống đảng thì không phải là tội”.

Uyên và Kha đã đang khơi dậy niềm khởi hứng cho những bạn trẻ khác đang từ từ thoát khỏi cái vỏ bọc an toàn của mình để biết bắt đầu nhìn đến những gì bi thương đời thường hơn là những cảnh phim Hàn sướt mướt, 2 bạn đã nhìn thẳng vào những bạn vẫn còn đang lo sợ ẩn sau bàn phím lấy những nick bí mật rất huyền ảo để tỏ bày chính kiến, tệ hơn là những “dư luận viên” đầy tính chất huyền bí thả sức múa mép định hướng dư luận mà chưa một lần dám bước chân mình xuống đường. 2 bạn đã tạo ra một sự động viên và khích lệ vô cùng lớn cho những ai còn đang là sinh viên biết trưởng thành trong suy nghĩ hơn là những gì họ chỉ được dạy trong trường.

Phương Uyên, Nguyên Kha, mà chúng ta gọi là những thiên thần, là hiện thân của lòng yêu nước, là đánh thức lương tâm nhân loại, lại không phải đang ở trên thiên đường mà đang ở nơi ngục tối, vậy thì chúng ta phải làm gì tiếp theo? Đó là câu hỏi mà mỗi người trẻ đều phải cần đặt ra cho chính mình trước sự hy sinh can trường của 2 bạn.

Khi mà hơn bao giờ hết, họa mất nước đang cận kề, quyền con người liên tục bị xâm phạm, những người thấp cổ bé miệng không có tiếng nói, những người oan khiên của luật pháp càng nhiều thì sự dấn thân và trợ giúp của mỗi người không chỉ là tiếng nói cho xong, không chỉ là những status thả niềm bức xúc, không chỉ là những bài viết “giỏi”, bài giáo huấn cho hay, mà đó phải là sự dấn bước, đồng hành, liên đới để đảm nhận những khó khăn của anh em đồng bào mình.

Chắc chắn không thể chỉ dừng lại ở Uyên và Kha niềm ngưỡng mộ và đau xót cho những gì 2 bạn đã làm và phải chịu, mà chúng ta phải gồng gánh cho 2 bạn những phần việc, những vấn đề mà 2 bạn và những người đi trước còn để lại. Gồng gánh và đảm nhận những vấn đề đó như chính phần việc của mình.

Qua phiên tòa, có mặt và chứng kiến bản lĩnh tuổi trẻ, sự hiên ngang, kiên cường của Uyên và Kha, bà Nhung mẹ của Phương Uyên đã hết sức tự hào và thốt lời cảm tạ trên facebook của mình: “cảm ơn Thượng Đế, Người đã ban cho con Phương Uyên”. Cầu xin Thượng Đế cho mỗi người dân Việt cũng biết thốt lên lời cảm tạ quả cảm ấy dù trong đau khổ và nước mắt…Vì khi đã cảm nhận được niềm hạnh phúc tranh đấu cho lẽ phải, là ta có thể đường hoàng dõng dạc như 2 bạn, hình ảnh hiên ngang trong phiên tòa đó sẽ mãi ghi dấu và không nhạt phai trong lòng mỗi người.

Chợt nhớ tới một bài thơ của Phương Uyên trong đó có câu:

Ngước ngắm hàng vạn sao điều ước
Trời đêm khuya lạnh nụ cười xòa

Giờ Uyên không còn được ngắm nhìn hàng vạn ngôi sao để nguyện cầu điều tốt lành cho đất nước và cho riêng mình, nhưng chắc một điều Uyên hoàn toàn mãn nguyện nở “nụ cười xòa” của mình trong ngục tối khuya lạnh. Ở ngoài này, hết thảy mọi người sẽ cầu thay nguyện giúp cho Uyên những điều tốt lành ấy và sẽ đảm nhận tiếp vai trò của các bạn như là chính phần việc còn lại của mình. Còn 2 bạn nhỏ, cũng khuya rồi, thôi thì 2 bạn nghe bác nhà thơ Trần Mạnh Hảo hát ru:

À ơi nước Việt đau thương
Ngủ đi những đóa hoa đương ngồi tù.


                                 =====================================

3/ Tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ về Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên


(17-5-2013)- Chúng tôi quan ngại về việc một toà án Việt Nam đã kết án Đinh Nguyên Kha 8 năm tù giam và Nguyễn Phương Uyên 6 năm tù giam với các tội danh chống chính quyền.

Các bản án này phần nào cho thấy một xu hướng đáng lo ngại là các nhà chức trách Việt Nam sử dụng các tội danh trong các luật về an ninh quốc gia để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hoà. 

Những việc làm này trái với quyền tư do ngôn luận và như vậy cũng trái với các nghĩa vụ của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới. 

Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho những tù nhân lương tâm và cho phép tất cả người dân Việt Nam được bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hoà.


                                     =================================

4/ Con có tội với bọn tham nhũng và bọn giặc Tàu, chứ không có tội với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam



Phương Bích - Nhiều người đã viết về Phương Uyên, toàn những bậc lão làng thuộc hàng đại thụ cả. Tôi có viết nữa cũng bằng thừa vì đều chung cảm xúc. Nhưng nhìn bức ảnh chụp cô gái trước vành móng ngựa, lại xúc động đến trào nước mắt.

Bức ảnh đẹp quá. Có người bảo bức ảnh này đáng trao giải thưởng. Còn tôi nghĩ, nó sẽ nằm trong những bức ảnh đi vào lịch sử. Khuôn mặt cô gái trẻ căng đầy nhựa sống. Vẻ hồn nhiên, ngây thơ của tuổi đôi mươi qua 6 tháng bị giam trong tù, trở nên điềm đạm và rắn rỏi hơn xưa. Nhìn bức ảnh này, tôi chợt nhớ đến những vần thơ xa xưa từ thuở học trò: 

“Sao ơi, em là con bướm trắng 
Mắc giữa cành gai sắc dập vùi 
Bao giờ em hết đời tù ngục 
Về với lũ làng múa hát, ca vui?” 

Đó là những câu thơ trong bài “Chim Chơ Rao” của Tố Hữu (rất xin lỗi vì nhớ nhầm - bài thơ Chim Chơ Rao của nhà thơ Thu Bồn ạ ).

Đọc những căn cứ để buộc tội Phương Uyên, tôi lại nhớ đến câu nói của viên quản giáo trong nhà giam Hỏa Lò: “Nếu có tội thì chị có tội với đảng và nhà nước, chứ không phải có tội với chúng tôi” 

Chính xác! Phương Uyên và Nguyên Kha cũng như nhiều người khác nữa, nếu họ chống tham nhũng, chống giặc Tàu xâm lược thì họ không có tội với nhân dân và đất nước này. 

Báo An ninh thủ đô vừa giật tít bài về Phương Uyên : "Hot girl" vào tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước


Tiến sỹ Nguyễn Hồng Kiên đã có lời bình: KHÔNG THỂ BÔI BẨN ĐƯỢC, KẺ CẢ KHI DÙNG TỪ “Hot girl”!

Rất đồng ý với tiến sỹ. 



                            ==============================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét