Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

HAPPY CHRISTMAS 2014 - Vatican: Thuốc đắng dã tật ? & ...






          

1/ Vatican: Thuốc đắng dã tật ?



 
 
Trong buổi tiếp kiến dành cho những người lãnh đạo các cơ quan trung ương tại giáo triều Rôma ngày 22/12/2014, Đức Giáo hoàng Francis đã liệt kê 15 thứ bệnh cần bài trừ khỏi những người phục vụ tại đây.
 
Không chỉ người ngoài mà có thể nói ngay cả cử tọa có mặt – trong đó 60 Hồng y và 50 Giám mục – cũng không ngờ Ngài lại gay gắt phê phán tình trạng quan liêu ở Vatican khi họ đến chúc mừng Giáng sinh và Năm mới Ngài như vậy.
 
Sống đơn sơ, đạm bạc
 
 
image
 
 
 
Nhưng nếu nhìn lại những gì Đức Giáo hoàng Francis nói, làm và sống – đặc biệt kể từ khi Ngài được bầu làm Giáo hoàng vào tháng 3/2013 – thì những chỉ trích, phê phán ấy không có gì ngạc nhiên.
Ngài được bầu lên ngôi vị Giáo hoàng vào một thời điểm mà Giáo hội Công giáo nói chung và Vatican nói riêng đang phải đối diện với nhiều tai tiếng. Một cách nào đó có thể nói các hồng y bầu Ngài vì họ biết Ngài có đủ khôn ngoan, đức hạnh và can đảm thể lèo lái con thuyền Giáo hội qua những sóng gió đó.

Vì vậy, không quá ngạc nhiên ưu tiên hàng đầu của Ngài sau khi được bầu làm Giáo hoàng là canh tân Giáo hội và cải tổ Giáo triều Rôma. Và Ngài làm việc đó trước hết bằng chính đời sống, gương mẫu của mình.
 
Đến từ một quốc gia đang phát triển, lại có một đời sống đạm bạc, đơn sơ, Ngài không chấp nhận lối sống khá xa hoa, trần tục, lãng phí, thích phô trương Ngài thấy nơi một số giáo sĩ.

 
 
 
Ngày lễ tấn phong Giáo hoàng, thay vì đội vương miện, đeo nhẫn vàng, đi giày đỏ như các vị tiền nhiệm, Ngài vẫn dùng trang phục cũ, chỉ khác chiếc khăn choàng trắng trên vai.
 
Thay vì đi xe Limousine mới, với biển ưu tiên của Vatican hay vào sống trong một căn hộ sang trọng dành cho Giáo hoàng tại điện Tông Tòa, Ngài vẫn đi chiếc xe cũ và chọn sống tại Lưu xá Thánh Mátta (một nhà khách của Vatican).

Không chỉ sống đạm bạc, khó nghèo, Ngài cũng là một con người rất khiêm tốn, cởi mở, luôn dành một tình cảm, sự quan tâm đặc biệt cho những người thấp kém, bất hạnh, thiếu may mắn trong xã hội và rất coi trọng sự hợp tác, đối thoại.

Một mục tử như Ngài không vui gì khi thấy có những giáo sỹ trưởng giả, háo danh, thích xu nịnh, khép kín, bè phái, quan liêu và dửng dưng với tha nhân.

Một con người với những đức tính đó, Đức Giáo hoàng Francis lại càng không thể im lặng khi thấy những người lãnh đạo các cơ quan trung ương của Tòa Thánh có một cách nhìn, lối sống như thế.
 
 
 

image
 
 
 
Ưu tiên của Ngài khi được bầu làm Giáo hoàng là cải tổ Vatican – một cơ chế nặng nề, thiếu hiệu quả, nhiều tai tiếng, nếu không muốn nói là đang mang nhiều bệnh.
 
Và việc cải tổ đó chỉ có thể được tiến hành khi những người nắm giữ những chức vụ trong cơ chế đó biết nhận ra bệnh của mình và tìm cách chữa trị. Đây cũng là lý do tại sao Ngài công khai chỉ ra 15 ‘căn bệnh’ tại Vatican.
 

 
 
Như mọi cơ thể khác
 
 
Có một điểm khác có thể giúp mọi người cảm thấy không quá ngạc nhiên khi Đức Giáo Hoàng chỉ ra 15 căn bệnh của Giáo triều Vatican.
Trong diễn từ của mình, trước khi liệt kê 15 căn bệnh tại Giáo triều Vatican, Đức Giáo Hoàng Francis đã nhấn mạnh rằng dù ‘luôn được mời gọi cải tiến và tăng trưởng trong tình hiệp thông, thánh thiện và khôn ngoan để chu toàn sứ mạng, cũng như mỗi thân thể con người, Giáo triều cũng có thể bị bệnh, hoạt động không tốt, bị yếu liệt’.

Thực ra, điều này không chỉ đúng đối với Giáo triều Rôma mà còn rất đúng đối tới toàn thể Giáo hội Công giáo và mọi cộng đoàn, dòng tu, giáo xứ hay mọi thành phần trong Giáo hội.
 
 
 
 
 
Trong một thông cáo gửi tới các cơ quan truyền thông sau bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Francis, Linh mục Thomas Rosica, phát ngôn viên tiếng Anh của Vatican, đã nhấn mạnh rằng những điều Đức Giáo Hoàng nói không chỉ dành cho Giáo triều Rôma mà còn dành cho toàn thể Giáo hội.

Vì ý thức rằng mình là con người (và vì vậy), có thể bị bệnh, dễ phạm tội, Giáo hội luôn mời gọi con cái mình biết xét mình, xưng tội, hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân.
 
 
 
 
Đức Giáo hoàng liệt kê 15 căn bệnh đó củng chỉ muốn ‘giúp chúng ta [Ngài cũng như Giáo triều Rôma và toàn thể Giáo hội] chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa giải để đón mừng lễ Giáng Sinh’.

Hơn nữa, theo Linh mục Rosia, những gì Đức Giáo Hoàng nói còn giá trị đối với nhiều thể chế trên thế giới đang đánh mất sứ vụ nguyên thủy của mình.

Đúng vậy, nếu không biết – và đặc biệt biết mà không dám thừa nhận hoặc chữa trị – những căn bệnh của mình thì một tổ chức hay một thể chế không thể phát triển được.
Trái lại, nếu biết nhận ra những yếu kém của mình và biết đổi mới, hoàn thiện chính mình thì một tổ chức, một thể chế có thể phát triển, bền vững.

Có thể nói Giáo hội Công giáo tồn tại, phát triển hơn 2000 năm qua không phải vì Giáo hội luôn tốt lành, thánh thiện mà vì Giáo hội luôn ý thức được những yếu kém, mỏng giòn của mình và qua đó biết hoán cải, canh tân.
 
 

Đức Giáo Hoàng Francis nhấn mạnh rằng 'cũng như mỗi thân thể con người, Giáo triều cũng có thể bị bệnh, hoạt động không tốt, bị yếu liệt’
 
Trong thông cáo của mình, Linh mục Rosia còn chỉ rằng trong chiều dài lịch sử của Giáo hội, ‘có lúc các ngôn sứ xuất hiện để kêu gọi chúng tôi quay trở về với cội nguồn và sứ vụ căn bản của mình. Và đó là những gì mà Đức Giáo hoàng Francis đang làm’.

Đúng vậy, trong quá khứ nhiều lúc Giáo hội rơi vào khủng hoảng, suy thoái vì những chia rẻ, xâu xé, bê bối, xung đột ngay trong lòng Giáo hội. Mỗi lần như vậy có những nhà cải cách, ngôn sứ hay thánh nhân xuất hiện.

Chẳng hạn, vào cuối thể kỷ 12 và đầu thế kỷ 13, khi Giáo hội trở nên xơ cứng, hàng giáo sỹ suy thoái, xa lạ với người dân, Francis thành Assisi xuất hiện. Bằng chính đời sống đơn sơ, khó nghèo của mình, Thánh Francis – hay còn được gọi là Thánh Phanxicô Khó nghèo và cũng là vị thánh mà Đức Giáo hoàng Francis chọn làm tông hiệu của mình) – đã giúp Giáo hội canh tân, vượt qua được những khủng hoảng lúc đó.

Có thể nói, như phát ngôn nhân của Tòa Thánh nhận định, bằng chính những lời nói, gương sáng của mình, Đức Giáo hoàng Francis cũng đang từng bước giúp cải tổ giáo triều Rôma và canh tân Giáo hội.

 
 
 
Là một người rất tế nhị và nhạy cảm, công khai chỉ trích những thói hư tật xấu của những người nắm giữ các vị trí quan trọng trong các bộ, cơ quan quan trọng trong Tòa Thánh – và cũng là những cộng sự thân cận của mình – chắc chắn Ngài và cử tọa hôm đó cũng cảm thấy không thoải mái.

Nhưng đó có thể là một liều thuốc đắng nhưng hiệu nghiệm giúp Giáo triều Rôma và Giáo hội chữa lành những căn bệnh hiện tại của mình, và qua đó có thể chu toàn sứ mạng luôn báo Tin mừng của mình.



TS Đoàn Xuân Lộc
 
 
           
             
 
                       ========== Trong Bao Mai Blog ==========
 
          
   2/ Salvador Dali và những tấm thiệp giáng sinh kỳ quái


animation animated GIF
 
 
 
Bạn có biết vào cuối năm 1940 giới yêu nghệ thuật tạo hình đã được tiếp xúc và sở hữu những tấm thiệp Giáng Sinh đầy màu sắc nghệ thuật do nhà sản xuất Hallmark đưa ra. Nhà làm thiệp Hallmark đã có sáng kiến in lại những bức tranh xưa và cả những hoạ phẩm của các hoạ sĩ tài danh thời hiện đại. Hoạ phẩm của Pablo Picasso, Paul Cezanne, Paul Gauguin, Vincent Van Gogh và Georgia O’Keeffe đều có mặt trong các tấm thiệp Giáng Sinh của Hallmark. Thông điệp của nhà sản xuất rất cao nhã, họ muốn chia sẻ những kiệt tác nghệ thuật với người dân Hoa Kỳ.

 
 
Năm 1959, Salvador Dali đã đồng ý gia nhập thế giới thiệp gấp với vài điều kiện. Ông đòi $15 ngàn đô tiền mặt đưa trước cho 10 tấm thiệp sẽ được hoạ kiểu. Nhà Hallmark không được quyền ra chủ đề, nội dung hay thời gian hạn định. Mặc dầu thời đó Dali đã nổi tiếng, nhưng đồng thời ông cũng lừng danh với thái độ lập dị, và tính ưa khoa trương, hợm hĩnh. Sau này, càng ngày ông càng đòi tiền tác quyền cao ngất khiến những hoạ phẩm của ông bị chỉ trích là nặng tính thương mại. Điển hình là năm 1970, ông đã đòi nhà làm phim phải trả $100 ngàn đô một giờ cho một vai diễn “Ông Hoàng của Vũ trụ” trong một phim khoa học giả tưởng. Ông đã trở thành một tài tử được trả tiền cát xê cao nhất thời ấy. Nhà làm phim đồng ý mướn ông chỉ một tiếng và sau đó dự định dùng người máy robot thay thế vai ông cho hết cuốn phim. Tuy nhiên kế hoạch làm phim đã bị hủy.

      
 
 
Và những tấm thiệp của Dali đã ra đời năm 1960 như một sự kết hợp kỳ thú giữa thế giới siêu thực và ngày Chúa Hài Đồng giáng thế. Ông đã đưa cho Hallmark 10 tấm thiệp mà sự siêu thực được thể hiện trên cây thông Noel và gia đình của Thiên Chúa. Trong những hình ảnh đẹp mắt nổi bật và gây ấn tượng, nét siêu thực lạ lẫm đã tạo cho những tấm thiệp Giáng Sinh Dali hoạ kiểu có một nét rất riêng. Có những hình ảnh kỳ quái được tạo tác theo  phong cách Dali trông giống như nửa ảo, nửa thật. Nó dường như không có bố cục, khiến người thưởng ngoạn có một cảm giác đang lạc vào một thế giới ma mị kinh dị.

Bức thiệp dưới đây “The Holy Family” miêu tả một thiên thần không đầu đang chơi đàn luýt(lute) . Trong khi đôi cánh thiên thần lại là hai gò núi băng sơn kỳ ảo mang đầy nét trinh tuyền. Nếu bạn quan sát kỹ hơn sẽ khám phá ra hình ảnh Đức Mẹ Maria trong chiếc áo choàng màu lam ngọc đang quỳ bên đấng Chirst vừa mới hạ sinh. Gần đấy một người đàn ông trang phục giống kẻ chăn chiên đang ngồi, một tay chơi đàn luýt, một tay cầm giải nơ lụa cổ áo buông rũ rất dài và quyến rũ của thiên thần như chỉ đợi dịp kéo bung nút thắt. Trên trời, giữa hai gò núi, ta thấy vần vũ những cánh chim đen bay, tạo cho bức thiếp hoạ một nét hoang mạc của cơn ác mộng kỳ ảo hơn là cảnh hào quang rực rỡ trong đêm Chúa giáng thế.
 
 

image
The Holy Family
 
 
Đây là bức thiệp khác “The Christmas Tree” với hình một cây Giáng Sinh kết nối bằng những con bướm mang màu xanh đen, nâu tối, vàng sẫm, cam đậm trên những nền xanh dương đậm, lạt, đặt trên một cây gỗ bào đẵn trơ trụi. Nó mang đến cảm giác u tối cho người xem hơn là những áng màu rực rỡ huy hoàng. Những điều trái khoáy này hoàn toàn đi ngược lại khiếu màu sắc thẩm mỹ truyền thống của dân Mỹ thường dùng trong ngày lễ Noel, như màu đỏ tươi, hoàng kim nhũ, và xanh lục thắm.
 

image
The Christmas Tree
 
 
 
Còn đây là hình ảnh Ba Vua “The Three Wise Men” trên lưng lạc đà quen thuộc đã biến tướng thành những nhân vật trông rất bí ẩn đang cỡi những con lạc đà hình dung cổ quái nửa như rồng, nửa như ngựa, lúc giống quái long.

image
The Three Wise Men
 
 
Nếu bạn tìm hiểu thêm về Siêu Thực, bạn sẽ thấy những hình ảnh sắp xếp không có bố cục đều có chủ tâm. Tâm điểm của Siêu Thực, chính là đánh mạnh vào trực giác người xem bằng những khái niệm hay hình ảnh phi lý được đặt sát cạnh nhau. Ấy cũng là mục tiêu khởi động những tiềm năng sáng tạo sẵn có trong vô thức của người hoạ sĩ. Tuy nhiên nó lại không là chủ ý của nhà sản xuất thiệp Hallmark. Hallmark cảm thấy chỉ có hai trong 10 hoạ kiểu hợp với tâm nguyện của quần chúng và họ đã cho in đó là bức “The Nativity”(Giáng Sinh) và “Madonna And Child”( Đức Mẹ Madonna và Hài Đồng)
 
 
 

image
The Nativity

image
The Madonna And Child
 
 
Bức thiệp “Giáng Sinh”(The Nativity) rất siêu thực của Dali có lẽ là một bước ngoặc quá tiên phong trong trí thưởng ngoạn của khách mua thiệp Giáng Sinh năm 1960. Bạn phải quan sát rất kỹ trong đống lộn xộn áo quần sậm màu để thấy hình dáng một con bò đực ngồi phía dưới thấp bên tay phải. Bên phía vai trái của Đức Mẹ là hai vật giống như chim và một con ngựa trong tư thế phóng tới. Toàn cảnh tiết lộ một vẻ đẹp phức tạp nguyên thủy của gia đình Thiên Chúa mà Dali muốn tặng dữ cho người xem. Tuy nhiên làm sao hình ảnh mờ nhạt của một đống màu sắc hỗn độn ám chỉ Đấng Christ và Đức Mẹ này đánh đổ được hình ảnh thần tượng đầy nữ tính dịu hiền của một Đức Mẹ Vô Nhiễm và sự trong sáng chói rạng của một Đấng Cứu Thế.

Doug Storer, một nhà sản xuất truyền thanh tài năng đã viết trong nhật báo Evening Independent năm 1981 rằng “Trong khi những bức hoạ hoang dã của Dali tạo thành công rực rỡ trong các phòng tranh, thì những bức thiệp của ông nằm ở quầy thiệp Giáng Sinh đã làm quần chúng phản đối kịch liệt” . Hallmark đã phải ngưng sản xuất và lấy chúng khỏi các quầy bán. Chỉ còn vài trăm tấm sót lại, sau này trở thành những vật sưu tập hiếm hoi, đánh dấu một giai đọan thất bại của Dali. Có lẽ đó là một trong những điều đáng suy ngẫm cho chúng ta và Dali về sự mâu thuẫn giữa nghệ thuật và thương mại. 
 
                 

http://baomai.blogspot.com/



Trịnh Thanh Thủy
Tài liệu tham khảo
These Salvador Dali Christmas cards outraged Hallmark shoppers in 1960

http://www.washingtonpost.com/blogs/wonkblog/wp/2014/12/23/these-salvador-dali-christmas-cards-outraged-hallmark-shoppers-in-1960/

 
                                  ==========================




3/ Các đóng góp của Tòa Thánh trong diễn trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba 

 

image
New York Times 17.12.2014: “Pope Francis Is Credited With a Crucial Role in U.S.-Cuba Agreement”
 
 
Việc bình thường hóa mối liên hệ Mỹ Cuba chủ yếu là một bước ngoặt đối với hai quốc gia này, nhưng cũng được coi như một chiến thắng của chính sách hòa dịu của Tòa Thánh bắt nguồn ít nhất từ thời Đức Gioan Phaolô II.

Theo lịch sử, Cuba vốn là một quốc gia Công Giáo. Hiện nay, 60 phần trăm dân chúng vẫn tự nhận mình là Công Giáo và Giáo Hội Công Giáo vẫn là người cung cấp phần lớn các dịch vụ xã hội và trợ giúp nhân đạo.

Dưới chế độ Fidel Castro, Đạo Công Giáo chịu nhiều hình thức bách hại và xách nhiễu. Thời đầu chế độ Castro, khoảng 3.500 linh mục và nữ tu Công Giáo đã bị tống giam, sát hại hay phát vãng. Chính Đức HY tiên khởi của Cuba, Manuel Arteaga y Betancourt, phải tỵ nạn chính trị tại Tòa Đại Sứ Á Căn Đình trong hai năm 1961, 1962.

Sau đó, các cuộc tấn công giảm dần, nhưng GH Công Giáo vẫn không được phép điều hành các trường học và giảng dạy tôn giáo công khai. 
 
Tín hữu giáo dân tiếp tục bị kỳ thị nơi sở làm nếu biểu lộ thái quá căn tính tôn giáo của mình. Hiện nay, các thẩm quyền GH vẫn đang chờ được hoàn trả các tài sản bị trưng thu cách nay 40 năm.
 
 

image
 
 
 
Đứng trước các thực tế trên, đường lối của Vatican trong 40 năm qua luôn nặng về tiếp xúc và từ từ đưa Cuba trở lại cộng đồng các quốc gia, dựa vào lý thuyết cho rằng một Cuba tiến về phía giữa sẽ thân thiện hơn với tôn giáo.

Khi Đức Gioan Phaolô II, một người nổi tiếng chống Cộng, thăm Cuba năm 1998, nhiều người cho rằng ngài sẽ lặp lại những đụng chạm quen thuộc lúc gợi hứng cho Phong Trào Đoàn Kết tại Ba Lan trong các thập niên 1970 và 1980.

Nhưng ngài đã không làm như thế, mà chọn thân thiện hơn là đối đầu qua việc cùng xuất hiện công khai với Castro nhiều lần và vẽ ra nhiều hình ảnh đối thoại thân hữu.

Tuy công khai kêu gọi cho có nhiều tự do phát biểu và lập hội hơn, nhưng xét chung, ngài coi Fidel Castro như một quốc trưởng chứ không phải một tên vô lại. Ngược lại, Castro đã mặc bộ complê để tiếp đón ngài, chứ không mặc bộ áo trận như thường lệ, và sau khi ngài rời Cuba không lâu, ông ta phục hồi ngày Giáng Sinh thành ngày nghỉ của cả nước trở lại.
Đức GH gửi điện cám ơn Castro, khiến nhiều người chống Cộng giận dữ.
 
 

image
 
 
 
Năm năm sau, Đức HY Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Truyền Bá Phúc Âm, tới Cuba để mừng việc mở cửa lại một nữ tu viện của Dòng Brigit. Nhiều người Công Giáo bảo thủ chỉ trích cuộc viếng thăm này, coi nó chẳng qua chỉ là một cách đánh bóng chế độ Castro. Nhưng các viên chức của Tòa Thánh thì nhấn mạnh rằng cuộc viếng thăm này là một phần trong chiến lược lâu dài nhằm lái Cuba về phía ôn hòa hơn.

Chính sách hòa dịu trên tiếp diễn qua thời Đức Bênêđíctô XVI. Khi ngài tới thăm Cuba năm 2012, Đức Bênêđíctô XVI nhất định không tiếp một phái đoàn của “Các Mệnh Phụ Áo Trắng”, một trong những nhóm chống Castro mạnh mẽ nhất ở trong nước. Ngài cũng kết án việc cấm vận của Mỹ, cho rằng nó “đặt gánh nặng bất công” lên nhân dân Cuba.
 

image
 
 
Thái độ trên khiến TNS Marco Rubio của Florida, một người Mỹ gốc Cuba và là người Công Giáo, lo ngại rằng hàng giáo phẩm Công Giáo “muốn thương thảo một không gian hành động, bằng cách bằng lòng nhìn đi chỗ khác” thay vì nhìn vào các tội ác của chế độ.

Tờ The National Review, một tờ báo bảo thủ xưa nay vốn ủng hộ ngôi vị giáo hoàng, còn đăng lời hăm dọa nhằm chỉ trích Đức Bênêđíctô XVI và Giáo Hội địa phương cho rằng không chịu công khai ủng hộ người bất đồng Cuba. Một người phụ trách tờ Miami Herald mạnh hơn, nói thẳng: “Hàng giáo phẩm của GH Cuba sẽ đi vào lịch sử như là những người về phe với những tên áp bức chứ không về phe người bị áp bức”.

Tuy nhiên, không lời chỉ trích nào đã làm các nhà ngoại giao Vatican chùn bước. Họ cương quyết giữ các đường đối thoại với Cuba rộng mở, nhất là trong lúc nước này đang chuẩn bị bước vào thời hậu Castro.

image
Đức GH Phanxicô có gặp Berta Sole, lãnh tụ của “Các Mệnh Phụ Áo Trắng” của Cuba vào cuối buổi yết kiến chung hồi tháng 3 năm 2013 và gửi lời chúc lành cho cả nhóm. Lúc ấy, các lực lượng chống Castro hy vọng rằng đây là dấu hiệu của một thay đổi đường hướng dưới quyền cai trị của vị giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên.

Nhưng trên thực tế, Đức Phanxicô phần lớn vẫn tiếp tục chính sách chính thức là nói chuyện với Cuba, một phương thức giúp định vị Vatican như người môi giới đáng tin trong cuộc thương thảo qua lại giữa Hoa Thịnh Đốn và Cuba.

Mùa Thu vừa qua, Đức Phanxicô viết cho Ông Obama một lá thư riêng và viết cho Raul Castro một lá thư khác, những lá thư mà người ta tin đã góp phần rất lớn vào việc phá tan băng giá giữa hai kẻ cựu thù.
Một viên chức cao cấp của Tòa Thánh vừa xác nhận rằng chính phủ Obama và Tòa Thánh đã cùng nhau làm việc hơn một năm qua để chấm dứt nhiều thập niên hận thù và tái lập bang giao giữa Mỹ và Cuba.

image
Sau 18 tháng thương thảo bí mật phần lớn do Gia Nã Đại môi giới và được sự khuyến khích của Đức Phanxicô, Đức Giáo Hoàng đã tổ chức phiên họp cuối cùng hồi tháng Mười qua tại Vatican giữa các viên chức Mỹ và Cuba. Thỏa hiệp sau cùng đã đạt được nhờ cuộc điện đàm giữa Obama và Castro hôm thứ Ba.
Trong lời công bố về mối tương quan ngoại giao mới, TT Obama cám ơn Đức Phanxicô về vai trò của ngài trong diễn trình bình thường hóa này, ông nói: “điển hình tinh thần của ngài cho ta thấy tầm quan trọng của việc theo đuổi thế giới như nó phải là, chứ không chịu bằng lòng với một thế giới như nó hiện là”.

Một lần nữa, TNS Marco Rubio lại lên tiếng chỉ trích cả TT Obama lẫn Đức Phanxicô. Ông bảo “Tôi muốn … yêu cầu Đức Thánh Cha ủng hộ chính nghĩa tự do và dân chủ, một chính nghĩa rất quan yếu đối một dân tộc tự do, một dân tộc thực sự tự do. Tôi nghĩ nhân dân Cuba đáng được hưởng những cơ may có dân chủ như nhân dân Á Căn Đình nơi ngài phát xuất; như nhân dân Ý Đại Lợi, nơi ngài đang sống”.

image
Nhưng nhà lãnh đạo CG tại Miami, nơi tập trung số dân Cuba lưu vong đông nhất, thì hết lời ca ngợi sự can thiệp của Đức Phanxicô. Thực vậy, Đức TGM Thomas Wenski tuyên bố rằng “Đức GH Phanxicô đã làm điều các vị giáo hoàng giả thiết phải làm: xây cầu và cổ vũ hòa bình. Ngài hành động giống vị ngài mang tên: Thánh Phanxicô Assidi”. Tuy nhiên Đức TGM thừa nhận nỗi đau của người Cuba lưu vong: “Nỗi đau của họ có thực, họ từng chịu đau khổ thực sự, nhất là ở những năm đầu cách mạng, bị xỉ nhục lớn lao, và thường bị tù tội hoặc tử vong”.

Nhưng ngài vẫn cho việc can thiệp của Tòa Thánh là hợp lý: “Dù sao, chính sách đối đầu và cô lập suốt 50 năm qua đã không đem lại việc thay đổi chế độ, nên ta buộc phải xét xem liệu chính sách tiếp xúc có dẫn tới những thay đổi tích cực hay không khiến người Cuba ở bên này hay bên kia eo biển Florida hài lòng”.

Trong một tuyên bố của Phủ Quốc Khanh, Tòa Thánh cho hay “sẽ tiếp tục bảo đảm sự hỗ trợ của mình đối với các sáng kiến mà hai bên sẽ đưa ra để tăng cường các mối liên hệ song phương và cổ vũ phúc lợi của nhân dân hai nước”.

image
 
 
Các tờ New York Times và New York Post, trong bản tin ngày 17 tháng Mười Hai, đều đồng thanh ca ngợi vai trò của Đức Phanxicô trong việc phá vỡ bế tắc ngoại giao giữa Mỹ và Cuba: “Đức GH Phanxicô, vị giáo hoàng đầu tiên từ Châu Mỹ La Tinh, đã đóng vai trò sinh tử trong việc giương cao cành ôliu giữa Hoa Kỳ và Cuba”.



Vũ Van An


                             


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét