Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Phương Uyên ra tù

Phương Uyên ra tù
      

==================================================

1/ Phương Uyên: Tôi yêu Tổ quốc, nhưng xin đừng đánh đồng với đảng


"Em cho là không phạm vào điều 88 là chống Nhà nước. Em vẫn yêu Tổ quốc của mình đấy thôi. Em chỉ có xúc phạm đến Đảng. Vì Đảng chỉ là một tổ chức nên không cào bằng được. Không vì cái sự quá tôn sùng một đảng phái mà mọi người, nhất là Hội đồng xét xử cũng như Viện kiểm sát cào bằng Đảng với Nhà nước Việt Nam..." Nguyễn Phương Uyên

Phương Uyên trả lời phỏng vấn và truyền thông mạng sau phiên toà phúc thẩm:

************

Thụy My (RFI) - Vừa được trả tự do tại tòa phúc thẩm ở Long An chiều nay 16/08 (giờ Việt Nam), trong vòng tay vui mừng khôn tả của người thân, bạn bè và những người ủng hộ, đến tối sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã có mặt ở Saigon tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, nơi diễn ra một buổi liên hoan nho nhỏ để chào đón Uyên.

Trong không khí đầy xúc động này, Nguyễn Phương Uyên đã vui lòng dành thì giờ trả lời RFI Việt ngữ.

RFI: Thân chào Phương Uyên và xin chúc mừng bạn! Uyên có nghĩ mình sẽ được trả tự do hôm nay không?

Nguyễn Phương Uyên: Dạ không, tại vì rất là khó khăn, rất là khắt khe. Bởi vậy mà em không nghĩ là giờ này em được tiếp xúc với mọi người như thế này. Cảm giác rất là khó tả, vì bị giam đã mười tháng hai ngày, em mới được tiếp xúc với một bầu không khí khác với trại giam, một bầu không khí của sự tự do!

RFI: Trong phiên tòa phúc thẩm hôm nay Uyên đã nói những gì?

Nguyễn Phương Uyên: Dạ, tại phiên tòa phúc thẩm có ba vấn đề chính em đã đặt ra. 

Thứ nhất là về thẩm quyền: cơ quan của Long An không có thẩm quyền đối với vụ án của em.

Thứ hai là nói về cái hành động của em. Em cho là không phạm vào điều 88 là chống Nhà nước. Em vẫn yêu Tổ quốc của mình đấy thôi. Em chỉ có xúc phạm đến Đảng. Vì Đảng chỉ là một tổ chức nên không cào bằng được. Không vì cái sự quá tôn sùng một đảng phái mà mọi người, nhất là Hội đồng xét xử cũng như Viện kiểm sát cào bằng Đảng với Nhà nước Việt Nam.

Thứ ba là em nói ngắn gọn về sự khác nhau giữa phiên tòa sơ thẩm và giấy của tòa sơ thẩm gởi xuống cho em – có rất nhiều sự khác biệt. Mà em cho rằng đó là một bản án có trước, không công minh và không có sự công bằng. Đã có một sự sắp xếp trước, làm cho em cảm thấy thất vọng thêm về những gì đang diễn ra.

Tuy nhiên phiên tòa phúc thẩm lần này đã cho em một đốm lửa hy vọng, cùng với sự tin yêu vào mọi người. Cảm ơn mọi người rất là nhiều! Bây giờ em được như thế này là nhờ một phần rất là to lớn của mọi người, ở trong nước cũng như trên thế giới, đã đứng về phía em, cho em cơ hội nói lên quan điểm của mình tại một đất nước ở chế độ cộng sản.

RFI: Vì sao Uyên tự bào chữa mà không nhờ luật sư?

Nguyễn Phương Uyên: Tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù hai luật sư đã nói rất là nhiều, nhưng mà em thấy quyền hạn của luật sư rất là ít ỏi, thậm chí không có! Cho nên em sẽ tự bào chữa, bởi vì nếu quyền hạn không có thì không nên nhờ. Nếu tự nói thì sẽ tạo được nhiều cơ hội để em đối đáp với Viện kiểm sát cũng như Hội đồng xét xử. Sẽ có nhiều cơ hội để được nói hơn, em muốn nói lên tất cả những suy nghĩ của mình.

Điều thứ hai khiến em không muốn nhờ bào chữa của luật sư, là trong thời gian tạm giam mười tháng và hai ngày của em, em đã có một tí gọi là vững tâm. Vững tâm vào quan điểm mà mình cần nói. Bởi vậy em nghĩ là mình không có tội thì mình phải tự bào chữa cho chính mình. Cho nên em từ chối nhờ hai luật sư, là bác Lương và bác Sơn bào chữa.

RFI: Làm sao Uyên có thể giữ vững tinh thần được như vậy? Uyên còn trẻ, và chắc chắn là ở trong tù thì không thể như ở ngoài...

Nguyễn Phương Uyên: Dạ vâng, người ta bảo gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, ở đâu thì lại giống ở đấy thôi. Đôi khi lòng mình vẫn bị lung lay, sợ liên lụy đến những người bạn, đến cả gia đình. Nhưng em suy nghĩ, kinh Phật đã dạy em một câu: Cuộc sống chỉ là giả và tạm, sống trăm năm rồi cuối cùng cũng trở về với cát bụi.

Bởi vậy em không thể nào “bán danh chỉ có ba đồng”. Không thể nào làm trái lương tâm của mình được. Em không thể từ bỏ quan điểm, lập trường của riêng em. Đó là động lực thúc đẩy để em đứng trước tòa, tự bào chữa cho mình, cũng như giữ vững quan điểm và lập trường của mình.

RFI: Uyên vừa dẫn kinh Phật nhưng Uyên lại đang ở trong nhà thờ. Có lẽ đây là dịp để mọi người đoàn kết lại?

Nguyễn Phương Uyên: Vâng. Em chỉ có thể nói một lời: Cảm ơn tất cả mọi người trong nước cũng như trên thế giới! “We are one”- chúng ta là một, ở đâu cũng vậy, phải có công lý. Công lý và công bằng sẽ phải trở lại! Em hy vọng là trở lại càng sớm càng tốt.

RFI: Vẫn khó thể hiểu được là ở trong trại giam mười tháng rồi mà tinh thần Uyên lại được như vậy…

Nguyễn Phương Uyên: Đó là một việc không thể nào đoán biết được, em cũng không nghĩ là mình như thế. Ở cái tuổi hai mươi mốt, hai mươi hai này, em không nghĩ là mình như vậy. Nhưng mà em đã rất cố gắng, và nhờ mọi người rất là nhiều, những lúc đi thăm nuôi cùng gia đình em đã cho em động lực rất là lớn.

RFI: Thời gian gần đây Uyên có bị áp lực gì không?

Nguyễn Phương Uyên: Dạ, áp lực cũng rất là lớn. Mỗi khi gần ra tòa, áp lực đối với em là tại tòa. Phiên tòa có được công khai và minh bạch đúng thực chất hay không, hay là một phiên tòa dựng ra một cách hình thức?

Em mong muốn có những phiên tòa công khai và minh bạch, ở đó em nói lên được những quan điểm của mình, có nhiều người nghe, có nhiều người chứng kiến. Chứ không phải là phiên tòa chỉ mở ra để rồi bản án có sẵn đưa cho mình, thì em không muốn. Vì tòa là phải rõ ràng, công khai, đó là tính khoa học, pháp lý của pháp luật. Đó là sự công bằng. Em mong muốn có sự công bằng ở những phiên tòa.

RFI: Và có lẽ Uyên vẫn tiếp tục phản đối những thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông?

Nguyễn Phương Uyên: Dạ vâng, tất nhiên là như thế. Vì trước những thái độ tiêu cực thì phải có những ý kiến để dừng lại. Còn những gì về sau này, thì ngày mai rồi lại đến, “tomorrow will come”. Bởi vậy hãy để xem ngày mai mọi việc diễn biến như thế nào.

RFI: Chắc là bây giờ còn quá sớm để hỏi, nhưng dự định sắp tới của Uyên là gì?

Nguyễn Phương Uyên: Đó là một bí mật, rất là bất ngờ. Mọi người sẽ chờ xem. Em không thể nói cụ thể được là nó như thế nào, nhưng hy vọng là sẽ không làm mọi người thất vọng.

RFI: Uyên sẽ quay trở lại trường học hay không?

Nguyễn Phương Uyên: Dạ, học, học nữa, học mãi, con đường học vấn của em không bao giờ dừng lại đâu ạ.

RFI: Cảm ơn Phương Uyên nhiều lắm, và một lần nữa xin chúc mừng Uyên được tự do!

Nguyễn Phương Uyên: Cảm ơn chị và mọi người đã đứng về phía em rất là nhiều, em được trả lại tự do của mình là nhờ mọi người. Cảm ơn mọi người rất nhiều! Đó là sức mạnh để em vượt qua tất cả, là động lực của em!


                                            =================================

2/ Chuyện bên trong phiên xử phúc thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha


Hải Huỳnh (Danlambao) - Kết quả phiên xử phúc thẩm vụ Phương Uyên - Nguyên Kha tại Long An ngày 16.8.2013 là một chiến thắng ngọt ngào của phong trào dân chủ cho Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng của Việt Nam cộng sản tòa phúc thẩm tuyên án khác xa tòa sơ thẩm. Đây là thành quả của lòng can đảm của các sinh viên yêu nước, sự hi sinh của gia đình, sự khích lệ của bạn bè, phối hợp của các blogger, sự sát cánh của truyền thông lề dân cùng tác động quốc tế đúng thời điểm. 

Bên trong của phiên tòa phúc thẩm này là một cuộc chiến gay cấn giữa nhà cầm quyền độc tài toàn trị trong tay có đủ các phương tiện hùng hậu và một bên là phe dân chủ yếu ớt mỏng manh có lúc tưởng chừng như gục ngã. Chúng tôi những người làm báo vì chính nghĩa nhân dân rất vui mừng vì chiến thắng của công lý và niềm tin. Và may mắn cho chúng tôi là tiếp cận với những nguồn tin từ ngay trong các cơ quan nội chính của Long An. Những tin tức chúng tôi có được rất chính xác, nhưng vì sự an toàn của nguồn tin chúng tôi từ từ cung cấp cho độc giả các tin tức được cập nhật có chọn lọc.

A. Công tác tổ chức phiên tòa

I. Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm gồm 3 thẩm phán:

1. Thẩm phán Trương Thị Minh Thơ - chủ tọa phiên tòa.
2. Thẩm phán Phan Thanh Tùng (chồng của thẩm phán Lương Bội Trâm).
3. Thẩm phán Trương Vĩnh Thủy.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố là ông Hoàng Thanh Chuyên.

II. Phương thức tổ chức phiên tòa: 

Xử kín. Vì lý do an ninh nên hạn chế số người tham dự phiên tòa khoảng 15 người, đa số là an ninh của bộ, cục và từ thành phố xuống. Phía Long An có 2 người thuộc cục an ninh quản lý tham dự. Chỗ này cần nhắc lại là chúng tôi biết trước là gia đình của Nguyên Kha và Phương Uyên chắc chắn bị cấm tham gia phiên tòa này nên đã tìm cách báo tin cho phía gia đình các sinh viên yêu nước này biết trước.

III. Bất đồng giữa công an:

Có sự bất đồng về nhân sự trong việc tổ chức phiên tòa phúc thẩm này giữa Bộ công an và công an tỉnh Long An trong khâu tổ chức nên phía Long An gần như "thả nổi" các khâu phá sóng điện thoại, tuyên bố máy dò kim loại bị hỏng đột ngột nên đã có người cài được máy ghi âm và điện thoại di động vào ngay phòng xử. Việc bất đồng trong sự chỉ đạo thể hiện rõ là khi an ninh từ bộ yêu cầu công an tỉnh Long An cung cấp 4 đầu gấu xã hội đen để uy hiếp đoàn biểu tình vào buổi chiều ngày 16.08.2013 thì phía Long An từ chối nói là chúng tôi không có và yêu cầu gấp quá chúng tôi không chuẩn bị kịp.

IV. Phòng xử:

Phòng xử án được ngụy trang là vào sâu bên trong tòa án tỉnh Long An, xảy ra trong một phòng xử án dân sự nhỏ. Hội trường chính được trang trí như là phòng xử án chính nhưng để trống. Điều này đánh lừa được đám đông biểu tình đòi thả người có la hét ồn ào cỡ nào cũng chỉ ở khu vực gần hội trường chính được ngụy trang. Còn phòng xử thật thì sâu vào bên trong hoàn toàn không nghe gì từ bên ngoài.

V. Trang phục cho các sinh viên yêu nước:

Rút kinh nghiệm phiên sơ thẩm và nhằm hạ đổ hình ảnh thần tượng sinh viên, lần này người ta cho Nguyên Kha mặc áo xanh dương giống công nhân và có vẻ già trước tuổi. RiêngPhương Uyên mặc áo màu tím. Thêm vào đó các phóng viên báo lề đảng được yêu cầu chụp hình hai sinh viên này dưới một góc tối sao cho khung hình thể hiện các em già giặn hơn tuổi sinh viên.

VI. Không khí phiên tòa:

Phải tổ chức làm sao có màu sắc sợ hãi từ ngoài vào trong và nhằm giảm sự chú ý của dân chúng trong thành phố Tân An. Xe tù thì huy động 4 chiếc nhằm chở 3 tù nhân. Trong phòng thì lắp máy camera rất nhiều. 

VII. Luật sư:

Thuyết phục các bị cáo từ chối luật sư và dùng sức ép lên các đoàn luật sư để hạn chế luật sư tham gia phiên xử kín này. Bắt đầu mở các chiến dịch dùng các đoàn luật sư kỷ luật các luật sư tham gia phiên xử phúc thẩm này.

B. Những diễn biến tại phiên tòa

I. Mục tiêu của phiên tòa là ép các bị cáo nhận tội để tòa phúc thẩm giảm án theo hướng "sự khoan hồng của đảng và nhà nước". Nếu có luật sư bào chữa theo hướng vô tội thì rất căng.

II. Tuy nhiên diễn biến xảy ra ngoài "định hướng" mặc dù yếu tố luật sư đã được "giải quyết" xong. Cả Phương Uyên và Nguyên Kha đều tuyên bố là kêu oan chứ không yêu cầu giảm tội. Đặc biệt Phương Uyên đã đưa Hội đồng Xét xử vào thế bí là "yêu cầu xử đúng người đúng tội". Những hành động chống đảng cộng sản của các em là điều 258 Bộ luật hình sự chứ không phải điều 88 như đã áp dụng. Khi Phương Uyên chỉ ra điều này thì Hội đồng Xét xử và cả Kiểm sát viên đều lúng túng. Các em đòi xử theo Bộ luật hình sự còn Kiểm sát viên đòi xử theo Điều 4 Hiến pháp.

Chính điều này đã gây lúng túng cho Hội đồng Xét xử làm kéo dài tuyên án từ lúc 10 giờ 30 sáng đến 15 giờ 30 chiều. Thường những phiên Phúc thẩm thì rất chóng vánh và luôn y án. Nhưng buổi chiếu thì Hội đồng Xét xử thay vì tuyên án họ quay trở lại phần thẩm vấn xét hỏi. Khi điều luật 88 của Bộ luật hình sự bị thay đổi sang điều 258 thì Kiểm sát viên hạ giọng và đề nghị các mức án khác với mức án buổi sáng ông ta đã đưa ra trong phần luận tội. 

Nói về Kiểm sát viên Hoàng Thanh Chuyên thì ông ta lúng túng lẫn lộn phần xét hỏi và tranh luận. Khi xét hỏi thì ông ta tranh luận và ngược lại. Thẩm phán Phan Thanh Tùng suốt phiên xử không có ý kiến gì. Thẩm phán Trương Vĩnh Thủy thì là phản ứng gay gắt nhất luôn cay cú ăn miếng trả miếng với 2 sinh viên. Và dường như ông ta chưa đọc kỹ hồ sơ vụ án nên ông ta không biết rằng Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy là 2 anh em ruột. Riêng thẩm phán Trương Thị Minh Thơ được một nhân viên an ninh mô tả là "xơ cứng trịnh trọng đến mức buồn cười". Phần giải thích của bà về án treo cho Phương Uyên trong phần tuyên án được cho là vòng vo khó hiểu vì lúng túng khi tuyến án đã được chỉ đạo điều chỉnh. 

Luật sư Nguyễn Văn Miếng hỏi Đinh Nguyên Kha được 1 câu là khi mượn xe của Nhật Uy đi rải truyền đơn có cho Nhật Uy biết không. Đương nhiên Nguyên Kha trả lời là "không cho biết".

Trong suốt phiên xử có 3 vấn đề tranh luận gay gắt: 

1. Treo cờ vàng, 
2. Áp dụng điều 88 hay điều 258 Bộ luật hình sự 
3. Có xin giảm án khoan hồng không? 

Đặc biệt khi 2 sinh viên nhắc đến những vi phạm tố tụng trong phiên Sơ thẩm như là phiên Sơ thẩm không có nhân chứng nhưng trong bản án Sơ thẩm ghi là có 3 nhân chứng hiện diện tại tòa; hay là tuyên án Phương Uyên bắt đầu từ ngày 14.10 (ngày Phương Uyên bị bắt cóc) nhưng trong bản án ghi là ngay 19.10; hoặc là chưa có giám định nội dung các khẩu hiệu truyền đơn mà các sinh viên phân phát. Thẩm quyền xét xử là tòa thành phố hay tòa Long An... Tất cả những vấn đề này đã bị Hội đồng Xét xử gạt ra. 

C. Dư luận sau phiên xét xử phúc thẩm ngày 16.8.2013 tại Long An

1. Luật sư Ng. (Đoàn luật sư Thành phố) cho biết lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp án, kết quả bản án Phúc thẩm khác xa án Sơ thẩm một trời một vực.

2. Nhà báo T. D. cho là "Có sự do dự trong khi tuyên án, chưa bao giờ thấy căng thẳng như vậy".

3. Thẩm phán H. (Tòa án tỉnh Đồng Nai) cho biết dường như tác động của can thiệp ngoại giao nên kết quả mới đảo lộn như vậy.

4. Luật sư H. (Đoàn luật sư Thành phố) cho rằng chắc chắn sẽ có chiến dịch nhằm kỷ luật các luật sư khi Tòa án Tối cao ra công văn "quan điểm của luật sư làm xấu vụ án".

5. Biên tập viên báo P.L cho là bản chất của vụ án làm nhằm hạ bệ thần tượng và làm nhục các luật sư.

6 Luật gia A. (Hội luật gia X) cho là khi án phúc thẩm sửa như vậy thì cần đặt ra là kỷ luật những người trong Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm.

7. Blogger B. cho là chiến thắng ngọt ngào cho phe dân chủ nhưng đừng chủ quan và ngủ quên. 



                           =====================================

3/ Nhớ Nguyễn Tiến Trung nghĩ về Uyên - Kha


Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Giới cầm quyền Việt Nam hiện nay, một khi còn biết nói về khái niệm đạo lý, liêm sỉ, lương tâm, pháp luật v.v... nghĩa là họ còn hiểu được làm "người" không dễ nhưng cũng không quá khó. Do đó, cần nhắc lại trường hợp của tù nhân lương tâmNguyễn Tiến Trung để ĐCSVN ngẫm lại hành xử có xứng đáng với sự "quang vinh muôn năm" mà họ tụng ca hay không (!).

Nguyễn Tiến Trung sinh năm 1983. Ngày người thanh niên này trở về nước sau khi tốt nghiệp thạc sĩ hạng ưu lĩnh vực công nghệ thông tin tại Pháp, anh vừa tròn 24 tuổi. Trung du học từ năm 2002, với nhiều hoạt động xã hội sôi nổi và điều ấn tượng nhất, anh đã cùng bạn hữu lập ra tổ chức "Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ" vào ngày 6/5/2006.

Tháng 8 năm 2007, Trung về Việt Nam sau 5 năm du học.

Điều tồi tệ cần nhắc lại: Sau khi Trung về nước, người cộng sản đã dựng trò "đi nghĩa vụ quân sự" đối với chàng trai này vào năm 2008.

Lúc bấy giờ, nhiều người tin rằng, việc buộc Trung đi nghĩa vụ, nhằm mục đích "cảm hóa" anh đừng đi vào con đường "phản động" (!).

Có thể lúc bấy giờ, người Cộng sản nuôi chút hy vọng, dù sao Trung sinh ra, lớn lên trong gia đình "truyền thống cách mạng", nên họ dùng "tư duy" "suy bụng ta ra bụng người" mà mong Trung nghĩ lại?! Bên cạnh đó, họ dường như cũng biết tiếc rẻ, nếu như để mất một thạc sĩ hạng ưu do "bọn tư bản" đào tạo? 

Đó như là điều trớ trêu và giễu cợt người Cộng sản, vì có lẽ, những năm dài u mê tăm tối trong mớ giáo điều "Mác - Lê - Hồ" pha trộn thói gia trưởng đặc sệt trong tâm tưởng, nên họ không thể nào hình dung ra phẩm chất đặc biệt của Tuổi Trẻ luôn - tiếp thu cái mới và sáng tạo - sẵn sàng thăng hoa tối đa, một khi môi trường tự do thật sự bày ra trước mắt các chàng trai, cô gái. Ở đó, những thanh niên, thiếu nữ mặc sức bay bổng với những ý tưởng tuyệt vời nhất mà họ có thể nghĩ ra, sau những nhìn ngắm và ấp ủ trong những năm tháng sống ở nước ngoài.

Hồ Chí Minh chẳng từng như thế sao?

Hãy ngẫm lại mà xem, hỡi người Cộng sản! Ngay lúc này đây, được mấy người trong hàng ngũ cấp cao "ăn học" tại nước ngoài ở tuổi đôi mươi mà bằng chính khả năng có thật như Nguyễn Tiến Trung, chứ không phải những chuyến đi, "học" thì chẳng mấy mà "ăn" thì nhiều. 

Năm 2009, người Cộng sản loại ngũ Trung vì không ép được anh đọc cái gọi là "lời thề" "trung với đảng" - một thứ thề thốt phản động nhất, u mê nhất và phản khoa học nhất trong lịch sử Việt Nam.

Hai mươi bốn giờ đồng hồ sau loại ngũ, ngày 07/7/2009, Trung đã bị bắt để rồi bị truy tố, ép cung và kết án 7 năm tù giam cùng 3 năm quản thúc.

Có lẽ, người Cộng sản thất vọng và không đủ kiên nhẫn sau khi "cố" "giáo dục" Trung, nên họ đã lạnh lùng bóp nát tài năng và tương lai, bằng cách chụp vào đầu người thạc sĩ công nghệ thông tin "tội 88" (!).

Nhắc đến chi tiết "đi nghĩa vụ quân sự" của Nguyễn Tiến Trung để nhắn tới những ông cộng sản như: Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Quốc Thước, Dương Trung Quốc v.v... trước khi mạt sát, chê bai thanh niên "trốn nghĩa vụ", các ông hãy "vui lòng" nhớ lại hành vi đớn hèn của chính thể cộng sản đối với tuổi trẻ Việt Nam lồng trong mưu mô được gọi là "nghĩa vụ thiêng liêng" đối với Tổ quốc.

Trong một thư ngỏ năm 2006, Nguyễn Tiến Trung, 23 tuổi, gởi cho Nguyễn Minh Hiển - Bộ trưởng Bộ giáo dục lúc bấy giờ, anh viết [1]:

"...Chúng em được học những tư tưởng thù hận và nghi kị đối với các nước tư bản, phải tiêu diệt, đào mồ chôn họ chứ không được học cách sống chung trong hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngày 11/09/2001, khi cả thế giới bàng hoàng và đau đớn khi hai tòa nhà WTC ở New York bị tấn công, em đã nhảy lên vui mừng vì "đế quốc Mỹ" bị trừng phạt. Tính "ác" trong người em trỗi dậy nhưng em lại cho đó là suy nghĩ đúng đắn, theo những gì được dạy dỗ. Đến bây giờ em vẫn không hiểu tại sao lúc đó em có thể suy nghĩ như vậy..."

Đó là bằng chứng khó chối cãi được gọi tên "nhồi sọ" - tội ác man rợ và ngu xuẩn nhất mà người cộng sản đã gây ra suốt hàng chục năm qua. Nó để lại sang chấn tâm lý kéo dài nhiều thế hệ cho đến nay, nhưng người cộng sản chưa bao giờ nhận ra họ là hiện thân của quỷ dữ! "Đảng ta là đạo đức là văn minh" càng trở nên mỉa mai hơn bao giờ hết!

Tuổi trẻ Việt Nam trong nhiều năm dài chỉ được dạy hận thù, trả đũa và hả hê trước nỗi đau nhân loại. May mắn thay, vài năm ra nước ngoài, với tư chất thông minh cộng với cái nhìn khoáng đạt và tâm hồn nhân ái, Trung đã nhận ra sai lầm khi giật mình nói về "tính ác" trong con người của anh. Đó cũng là đặc tính hay nhất của tuổi trẻ: biết nhìn thẳng vào sự thật và thay đổi nhanh chóng.

Vì thế, trước khi mắng thanh niên Việt Nam ngày càng vô trách nhiêm, chỉ biết hưởng thụ, hèn nhát và độc ác, người cộng sản Việt Nam nên ăn năm sám hối tội lỗi của họ hơn 70 năm qua đã gieo rắc nọc độc vào các thế hệ Việt Nam khởi từ lúc trẻ con vừa ê a trong những năm đầu ngồi trên ghế nhà trường.

Sự đấu tranh tự nhiên giữa "Thiện" và "Ác" như vốn dĩ tạo hóa luôn đặt để cho nhân loại là quy luật muôn đời. "Thiện", dù ban đầu yếu ớt, mong manh, ít ỏi nhưng cuối cùng vẫn chiến thắng "Ác".

Hơn 4 năm qua, kể từ ngày chàng trai Nguyễn Tiến Trung nhận án, phong trào dân chủ tiến một bước thật dài, trong đó, Tuổi Trẻ đã vươn lên, trở thành lực lượng dẫn đầu trong hầu hết các phong trào, các hình thức đấu tranh. Họ trở thành đại diện sáng giá nhất trong phong trào đấu tranh dân chủ và bảo vệ Tổ quốc. 

Không những thế, chính thế hệ trẻ luôn tạo ra những bất ngờ, độc đáo mà vô cùng thú vị như"Tuyên bố 258" gần đây đã vươn ra thế giới; cũng chính họ đã khơi nguồn cảm hứng, gieo mầm trăn trở, đánh thức nỗi niềm thao thức cho thế hệ ông cha, để từ đó suy ngẫm về sai lầm trong quá khứ mà đoạn tuyệt với cái cũ, làm nền cho cái mới như luật gia Lê Hiếu Đằng vừa công khai đòi phải có đa nguyên đa đảng với ý tưởng thành lập một chính đảng? 

Nguyễn Phương Uyên, cô gái 21 tuổi cũng đã tạo ra bất ngờ lớn lao bằng những phát ngôn sâu sắc như nhiều người đã thấy trong phiên tòa phúc thẩm, cũng như trả lời rất đĩnh đạc trước các trang báo mà cô dành cho họ cuộc phỏng vấn.

Trong các trả lời đầy bản lĩnh của Uyên, điều gây chú ý khi cô nói [2]:"...kinh Phật đã dạy em một câu: Cuộc sống chỉ là giả và tạm, sống trăm năm rồi cuối cùng cũng trở về với cát bụi".

Ngày nay, với lứa tuổi này, nhiều thanh niên thiếu nữ trang lứa, họ không đặt nặng vai trò tôn giáo gắn kết với làm giàu tâm hồn để biết yêu mình cũng như yêu người. Nhiều người còn báng bổ tôn giáo theo những cách rất kém văn hóa hoặc bắt chước người lớn "ngã giá" với thánh thần trong những cuộc thi cử.

Không chỉ tuổi trẻ, dẫn lời Phật dạy, Phương Uyên còn như khuyên những người lớn với danh tiếng như cồn, học vị cao thâm nên úp mặt vào gối mà suy ngẫm tục ngữ: "thương người như thể thương thân", nó đã bị lãng quên và chối bỏ quá lâu rồi!

Nguyễn Tiến Trung bị kêu án 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc ở tuổi 26. Đinh Nguyên Kha với tuổi 25 bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản thúc.

Dù thật vui mừng khi cô gái xinh đẹp và cương nghị đã thoát khỏi nhà tù nhỏ, nhưng đọng lại trong băn khoăn của nhiều người là chàng trai 25 tuổi kia tại sao vẫn chịu mức án nặng nề trong cùng một nội dung mà người Cộng sản kết tội?

Ở đây, như ló lên một "sự kèn cựa" giữa các phe phái đang tranh giành ảnh hưởng mà người Cộng sản hay gọi là "cân bằng động"? Ai cũng hoài nghi và không chủ quan về một kết quả mà mọi người đều gọi là chưa có tiền lệ từ trước tới nay, dành cho "án chính trị". Dù sao, đó cũng có thể coi như một điểm son cho Trương Tấn Sang sau chuyến Mỹ du.

Tuy nhiên, trong luật hình sự, những con số tù như thế này lại làm bật lên sự tùy tiện nhất cũng... chưa từng có. Trong điều 88, chỉ có tù giam, làm gì có tên gọi nào là "tù treo"?!. Có lẽ, "họ" bí lắm rồi và một sự thỏa hiệp mà không bị mất mặt với Mỹ cùng nhiều tổ chức quốc tế chỉ trích gay gắt là có thể tạm chấp nhận trong buổi "giao thời"?

Đã quá muộn và quá nhiều lần của rất nhiều người cùng vô số tổ chức quốc tế, một lần nữa, người cộng sản được kêu gọi hãy hủy bỏ tất cả những cái tội: "tạm tạm", "hai năm tạm", "bậy chín" và mới nhất là cái "nghị định bầy hầy" nhằm bịt miệng dân chúng.

Thời thế đã đổi, lòng người đang chuyển, vận nước đang nguy. Người Cộng sản đừng lần lữa và đấu đá thêm nữa!

Phải chăng Việt Nam đang "xua tan nghìn dấu lệ"?

Tuổi Trẻ mãi mãi là những gì mới nhất, đẹp nhất, tinh khôi nhất.

Vui mừng dâng trào trong từng ánh mắt, khuôn mặt, lời nói và vì vậy không thể thiếu âm nhạc. Tôi muốn gởi đến cô gái tuổi thanh xuân nhạc phẩm "Hai Mươi Mùa Nắng Lạ" do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác [3]:
...
Em hai mươi tuổi như bài thơ
Sài Gòn nắng mưa em chợt đến
Làm lời mộng mị giữa thiên thu
Em hai mươi tuổi em đâu ngờ
Năm xưa vui buồn chút phù du
Sài Gòn xua tan nghìn dấu lệ
Cho em bây giờ mắt tình đưa.

Không chỉ Sài Gòn "xua tan nghìn dấu lệ" mà Hà Nội, Đà Nẵng và khắp mọi miền đất nước này sẽ bừng nở những nụ cười tươi mới, mong ngày dân chủ tự do đang đến thật gần, phải không Phương Uyên?


_______________________________



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét