Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Đảng Ba Đình bắt đầu countdown.

 Đảng Ba Đình bắt đầu countdown.  

    

      Đảng Ba Đình bắt đầu countdown. Tranh Babui..

                                                                                                

                                                             Tranh Babui.  


===========================================


1/ Điếu Cày đã tuyệt thực sang ngày thứ 31 liên tiếp, không rõ sống chết ra sao


* Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An đã xác nhận blogger Điếu Cày tuyệt thực

Danlambao - Hôm nay, 23/7/2013, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải vẫn đang tiếp tục tuyệt thực đến ngày thứ 31 liên tiếp để phản kháng chế độ lao tù cộng sản. Việc tuyệt thực kéo dài đến ngày thứ 31 trong điều kiện biệt giam kỷ luật đã vượt quá sức chịu đựng của một con người, hiện không ai rõ tình trạng Điếu Cày sống chết ra sao.

Cũng trong sáng nay, 23/7, vợ cũ blogger Điếu Cày là chị Dương Thị Tân cùng con trai Nguyễn Trí Dũng vẫn tiếp tục đến viện kiểm sát tỉnh Nghệ An để yêu cầu giải quyết khẩn cấp. Đại diện VKS Nghệ An là ông Nguyễn Quốc Ấn (phó phòng 4) đã trả lời với gia đình: “Chúng tôi còn chờ phía trại 6 gửi hồ sơ báo cáo về việc ông Nguyễn Văn Hải tuyệt thực, sau khi nghiên cứu sẽ cử người đến điều tra”

Như vậy, VKS Nghệ An đã xác nhận việc tuyệt thực của blogger Điếu Cày, nhưng lại cố tình chây lỳ với lý do: phải chờ trại giam báo cáo, để nghiên cứu rồi mới đến điều tra. Trong khi tình hình đã rất cấp bách, tính mạng của Điếu Cày đang hết sức nguy kịch và chỉ còn tính từng giờ.

Trước câu trả lời của VKS Nghệ An, chị Dương Thị Tân tỏ ra vô cùng phẫn nộ, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu về việc phải giải quyết khẩn cấp. Trước sự đấu tranh kiên quyết của gia đình, ông Nguyễn Quốc Ấn vội vàng giải thích: “Chúng tôi đã làm việc ngay bằng cách gọi điện thoại đến trại 6. Qua trả lời, chúng tôi thấy CA trại 6 không có sai sót trong quá trình giam giữ”.

Không chấp nhận với lời giải thích này, chị Tân đã phản ứng rất dữ dội về lối làm việc vô trách nhiệm của VKS. Bị chất vấn liên tục, người đại diện của VKS Nghệ An là ông Nguyễn Quốc Ấn không trả lời được nên vội vàng chuồn mất.

Trước đó, hôm 22/7/2013, VKS tỉnh Nghệ An đã buộc phải ký văn bản xác nhận với gia đình nội dung 'chưa nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Hải'. Trong khi đó, tại buổi làm việc hôm 20/7, một cán bộ trại giam tên Nguyễn Văn Diệu (cấp bậc đại úy) đã khẳng định với chị Tân"Chúng tôi đã chuyển đơn của ông Hải đến Viện Kiểm sát".

Văn bản xác nhận VKS Nghệ An chưa nhận được đơn của Điếu Cày, trong khi trước đó, cán bộ trại giam khẳng định đã chuyển đơn tố cáo đến VKS. (Ảnh: BaSam.info)

Phía trại giam thì nói đã chuyển đơn, trong khi VKS thì lại trả lời chưa nhận được. Như vậy, phải chăng cả VKS và trại giam đã thông đồng dùng thủ đoạn để hại Điếu Cày?

Cũng trong buổi chiều ngày 22/7, hai mẹ con chị Tân tiếp tục đến trại giam số 6 để chất vấn việc gửi đơn, đồng thời yêu cầu thăm gặp Điếu Cày. Tại đây, viên đại úy Nguyễn Văn Diệu đã quay ngoắt 180 độ, trơ trẽn nói rằng: “Trại giam chưa nhận được đơn của ông Hải”. Trong khi đó, một viên cán bộ khác thì lại nói “Đơn của ông Hải đang được xem xét, nghiên cứu”.

Hành động dối trá trắng trợn của CA trại 6 đã khiến sự phẫn uất của chị Tân lên đến đỉnh điểm. Trước mặt 3 viên CA, chị đã lớn tiếng lên án gay gắt những thủ đoạn tàn độc của trại giam nhằm hãm hại Điếu Cày. Chị Tân khẳng định: Nếu ông Hải chết thì tất cả cán bộ công an trại 6 phải chịu trách nhiệm. 

Dù bị chỉ trích dữ dội, nhưng 3 viên CA này chỉ im lặng chịu trận mà không hề phản ứng lại như những lần trước. Chính điều này càng gây thêm nghi ngờ, phải chăng những cán bộ CA trại giam đang cố tình che dấu điều gì liên quan đến sinh mạng Điếu Cày? 
  
Cho đến thời điểm này, ngoài sự dối trá liên tục của CA trại giam, người ta không biết gì thêm về tình trạng hiện nay của Điếu Cày trong ngục tối. Điều chắc chắn là chưa có dấu hiệu nào cho thấy anh ngưng tuyệt thực. 31 ngày nhịn ăn trong điều kiện biệt giam kỷ luật đã vượt quá giới hạn chịu đựng của một con người, Điếu Cày không rõ sống chết ra sao!

Xin được nói thêm, blogger Điếu Cày tuyệt thực trong tình trạng 'biệt giam kỷ luật', với hình phạt kéo dài 3 tháng. Theo lời một số tù nhân, 'biệt giam kỷ luật' thường đi kèm với việc cùm chân người tù. Đây là một hình thức tra tấn, trừng phạt hết sức man rợ thường được các trại giam mang ra áp dụng đối với tù nhân. Đã có trường hợp tù nhân phải bỏ mạng sau 10 ngày bị biệt giam kỷ luật bằng hình thức cùm chân. (Đọc thêm bài: Trại giam Z30A Xuân Lộc cùm chân tù nhân cho đến chết)

Hiện không rõ trong thời gian tuyệt thực, Điếu Cày có bị cùm chân hay không. Tuy nhiên, một chi tiết cũng cần lưu ý là trong buổi thăm gặp vừa rồi, theo lời kể của gia đình thì Điếu Cày không thể đi lại được mà phải có hai người dìu, thậm chí đôi chân anh cũng không thể tự đứng được.


* Được biết, hôm qua (22/7) là sinh nhật lần thứ 55 của chị Dương Thị Tân, nhưng chị cũng chẳng còn lòng dạ nào nhớ đến ngày sinh nhật của mình. Từ ngày Điếu Cày bị bắt đến nay, chưa năm nào chị Tân và gia đình có một sinh nhật trọn vẹn.   

                                                ===========================

  2/  Sức mạnh tinh thần con người


Trần Quốc Việt (Danlambao) ...Chúng ta từng nhìn thấy ánh mắt phản chiếu lương tâm trong sáng của Điếu Cày ngay tại tòa án. Hôm nay chúng ta mới thấy hết tất cả ý chí quật cường và lương tâm sáng ngời ấy trong 31 ngày ông tuyệt thực. Nơi mà tất cả mọi người có thể trở thành người tù dự khuyết, dây thép gai chỉ là đường chia cắt tượng trưng giữa nhà tù nhỏ bên trong và nhà tù lớn bên ngoài. Nhưng hàng rào thép gai không bao giờ giết được tinh thần hy sinh và lương tâm trong sáng của những người tù lương tâm như Điếu Cày...

*

Vào ngày 2 tháng Sáu, 1979 Nelson Mandela viết trên tờ lịch trong xà lim "Mục đích của tự do là tạo ra tự do cho những người khác." Ngày 11 tháng Hai, 1990 ông bước ra khỏi nhà tù trước sự hoan hô vang trời của gần 100.000 người da đen chờ đón ông. Ông nói với họ "Chúng ta đã chờ tự do của chúng ta quá lâu." Chẳng bao lâu thế giới đã chứng kiến sự ra đời của nước Nam Phi tự do và dân chủ sau hàng thế kỷ dưới ách chế độ kỳ thị chủng tộc Apartheid.

Phép lạ Nam Phi bắt đầu từ niềm khao khát tự do mãnh liệt của hàng triệu người da đen không chấp nhận cuộc sống không có tự do và nhân phẩm thiêng liêng. Mandela là hiện thân của ánh sáng tự do và đồng bào da đen của ông là tấm gương phản chiếu ánh sáng tự do ấy

Điếu cày đã tuyệt thực 26 ngày khi thế giới mừng sinh nhật của Mandela. Như Mandela, Điếu Cày hằng đêm mơ về ngày khi "Sóng biển trào dâng đòi Tự do Dân chủ / Sóng cuốn phăng đi thành lũy độc tài." (1) Khác với Mandela, ông và gia đình đã chịu đựng biết bao nhiêu khổ đau dưới một chế độ còn tàn bạo và vô nhân hơn rất nhiều chế độ Apartheid ở Nam Phi.

Tổng thống Obama cùng gia đình đã đến tận xà lim rất nhỏ trên Đảo Robben, nơi giam giữ Mandela. Thay mặt gia đình ông đã viết vào sổ lưu niệm nhà tù:

"Chúng tôi thấy mình rất nhỏ bé khi đứng tại nơi mà những người rất can đảm đã đối mặt với bao bất công nhưng không chịu khuất phục. Thề giới biết ơn những anh hùng của Đảo Robben, những người nhắc nhở chúng ta rằng không có gông cùm nào hay không có xà lim nào có thể sánh bằng sức mạnh tinh thần của con người."

Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã kêu gọi mọi người không được quên những người như Điếu Cày. Bây giờ biết Điếu Cày đã cương quyết tuyệt thực đến cùng để bảo vệ nhân phẩm và tâm hồn của mình, ông Obama chắc càng thấu hiểu sâu sắc hơn sức mạnh tinh thần của con người bên trong dây thép gai của lao tù.

Nhà văn Nga Aleander Solzhenitsyn đã viết về những người tù sẵn sàng chấp nhận cái chết để không làm hoen ố lương tâm duy nhất của mình như sau:

"Nhưng Quần Đảo Ngục Tù không biết lương tâm cắn rứt!
Không, ta không những không hối hận, mà lương tâm trong sáng của ta, tựa như hồ trong veo trên núi, vẫn sáng ngời trong mắt ta."

Chúng ta từng nhìn thấy ánh mắt phản chiếu lương tâm trong sáng của Điếu Cày ngay tại tòa án. Hôm nay chúng ta mới thấy hết tất cả ý chí quật cường và lương tâm sáng ngời ấy trong 31 ngày ông tuyệt thực.

Nơi mà tất cả mọi người có thể trở thành người tù dự khuyết, dây thép gai chỉ là đường chia cắt tượng trưng giữa nhà tù nhỏ bên trong và nhà tù lớn bên ngoài. Nhưng hàng rào thép gai không bao giờ giết được tinh thần hy sinh và lương tâm trong sáng của những người tù lương tâm như Điếu Cày.



_____________________________________

(1) Trích từ bài thơ "Những Dòng Sông Tranh Đấu" của Điếu Cày gởi ra từ trong tù.


Những dòng sông tranh đấu

Tác giả: Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.


Đêm đêm trong lao tù,
Tôi bỗng mơ thấy những dòng sông lạ.
Những dòng sông cuộn sôi hối hả,
Trên những nẻo đường đổ về trung tâm,
Những dòng sông lại gặp những dòng sông,
Hòa thành biển lũ.
Sóng biển trào dâng đòi Tự do Dân chủ,
Sóng cuốn phăng đi - thành lũy lũ độc tài,
Những dòng sông chảy mãi tới tương lai,
Chúng tôi đi, hòa cùng dòng sông,
Như những hạt phù sa, một phần bé nhỏ,
Cuộc đời tôi từ nay gắn bó,
Với dòng sông tranh đấu của quê hương,
Những dòng sông sinh viên xuống đường,
Chống quân Bắc triều xâm lược
Những dòng sông Công nhân
Hàng triệu người nhịp bước,
Đòi tăng lương, đòi tự lập công đoàn.
Những dòng sông của hàng triệu dân oan,
Đòi lại đất đai ruộng vườn bị mất.
Những dòng sông giáo dân,
Nguyện cầu đòi đất,
Tòa Khâm Sứ, La Vang, Giáo xứ Thái Hà...
Khơi dòng sông Tâm linh tuôn chảy đến mọi ngã,
Thắp nến hiệp thông cùng chung lời nguyện ước
Chống bất công, chống tham nhũng độc tài,
Như Lê Thị Công Nhân như Nguyễn Văn Đài
Nay giúp dân oan, mai hướng dẫn sinh viên hiểu biết về dân chủ,
Chúng tôi đi vì quyền dân chưa đủ,
Dù bị bắt giam trong lao ngục đọa đầy
Những dòng sông vẫn không nghỉ một ngày
Chảy về phía TỰ DO DÂN CHỦ.

DC


* Chân thành cảm ơn bạn "Nói thiệt" đã chuyển bài thơ của Blogger Điếu Cày sang văn bản. 


                                        ================================


3/ Nếu Blogger Điếu Cày ký vào bản nhận 


tội


Hà Sĩ Phu (Danlambao) - ...Ít người làm được, vì cái giá phải trả cho khí phách kiên cường quá lớn, trả bằng sinh mệnh. Ngót một tháng tuyệt thực, 4 gói mì tôm do quản giáo quẳng vào vẫn còn nguyên không lay động nỗi lòng người chiến sĩ. Người tù đã lả đi, yếu lắm. Không thể tự đi, tự ngồi, cái đầu vẫn hiên ngang tự bên trong nhưng sức nặng bên ngoài của cái vỏ đã cần đến hai cánh tay trơ xương gầy chống đỡ mới không gập xuống... Từng phút một, hình hài đáng quý trọng ấy có thể giã từ chúng ta, làm thế nào loại trừ để khả năng đáng ân hận ấy không thể xảy ra, không được xảy ra?...


     *********   

Vụ án Điếu Cày đặt ra những dấu hỏi tất yếu.

Vụ bắt cóc ngay trên đường phố cho thấy tính dối trá, không dám chính danh của công quyền, khi bắt thì lu loa là buôn ma túy, khi xử án lại truy tố tội trốn thuế, một thứ tội “vớ vẩn” mà hàng chục nghìn doanh nhân thời nay đều mắc phải và có thể bị khởi tố bất cứ lúc nào nếu nhà nước muốn.

Hết 30 tháng tù giam Điếu Cày không được về nhà, bị bắt lại ngay và truy tố tiếp tội tuyên truyền chống nhà nước (điều 88). Rất lạ, hành vi gọi là “tuyên truyền chóng nhà nước” không thể phát sinh trong 30 tháng ngồi tù, vậy sao trước đây không xử lại phải xử tội “trốn thuế”? Cuộc tù tiếp theo 12 năm đã là quá nặng, nhưng đáng nói hơn là sự khắt khe ngược đãi, điều kiện giam giữ khắc nghiệt và sự thăm hỏi giao lưu với người thân bị cản trở đến mức cực kỳ khó khăn nếu chưa muốn nói là tùy tiện, bất chấp luật pháp một cách vô nhân đạo.

Không ai tin vào những cái cớ bề ngoài, ai cũng tự hỏi thực chất vụ án là gì, khiến cho nhà nước đối xử đặc biệt nghiệt ngã đối với một cựu chiến binh của chính chế độ, “tội” gì mà ghê gớm quá vậy?

Qua thực tiễn, nghiệm ra rằng chỉ có mấy “tội” này là nặng nhất, bị nhà nước ta “ghét” nhất: thứ nhất là tội xúc phạm đến tình hữu nghị 16+4, hai là tội lập tổ chức “ngoài sự lãnh đạo”, ba là tội bướng - nhất định giữ khí phách, lương tâm và danh dự cá nhân, không chịu phục tùng. Ba “tội” hàng đầu này Điếu Cày đều dính cả, trọng tâm là tội thứ nhất, nói nôm na là “tội chống Tàu xâm lược”! (Nếu các nhà lãnh đạo đất nước mắc được 3 “tội” này thì đáng quý biết bao!).

Tấm hình Điếu Cày cùng các bạn trẻ trương khẩu hiệu song ngữ “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” trước nhà hát thành phố HCM có sức cổ động lòng yêu nước của người Việt thế nào, phía Trung Quốc nhất định phải đọc. Phải chăng đây mới là xuất xứ thật của vụ án Điếu Cày?


Sự điển hình cả về chất lượng “lương tâm” của người tù lương tâm cũng như sự đối xử khắc nghiệt của nhà nước Việt Nam đã khiến cho Blogger Điếu Cày được Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh trong ngày Tự do Báo chí Thế giới (3/5/2012) khi nhắc tới những ngòi bút bị tù đày vì đã can đảm đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền: "Chúng ta không được quên [các nhà báo] như blogger Điếu Cày, người bị bắt giữ năm 2008 trùng hợp với một khối lượng đàn áp báo chí công dân ở Việt Nam".

Trên cái nền của các sự kiện ấy, hãy đặt dấu hỏi vì sao đúng lúc này tự dưng trại giam cương quyết bắt Điếu Cày phải ký giấy nhận tội? Vì không chịu ký nên bị nhận một lệnh biệt giam 3 tháng, dẫn đến cuộc tuyệt thực kinh hoàng một tháng này.

Không phải ngẫu nhiên mà “sự cố Điếu Cày” nổ ra đúng lúc có hai cuộc viếng thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang Trung Quốc và sang Hoa kỳ. Thử tưởng tượng Tập Cận Bình biết tin Việt Nam quyết đàn áp một người chống Tàu Bành trướng ắt phải vui lòng, và lạy trời, nếu tên tù đó lại ký giấy nhận tội thì món quà này quả có giá trị không xoàng.

Nhưng trong chuyến thăm Hoa Kỳ, nếu có được một bản nhận tội như thế để trình ra cho Tổng thống Obama biết rằng cái anh tù nhân lương tâm Điếu Cày mà ông từng vinh danh và can thiệp chẳng qua chỉ là một kẻ phạm luật hình sự Việt Nam, tội gây rối để chống chính quyền, hắn nhận tội rồi đây nay! Thế thì đây là “cú tát nảy đom đóm”, liệu ông Obama còn có thể nói gì về nhân quyền Việt Nam, rồi từ nay dám lên tiếng bênh vực nữa hay thôi? Không biết “cú” này có bàn tay đạo diễn phương Bắc hay do ta tự nguyện hiến dâng?

Tình thế nghiêm trọng không thể xem thường.

Nhưng không, Điếu Cày không ký gì hết! Anh đã cứu một bàn thua chính trị cho đất nước và cho cả người bạn Obama. Giá trị của một khí phách kiên cường của người tù lương tâm ưu tú Điếu Cày Nguyễn Văn Hải biết lấy gì đo?

Rất có thể Điếu Cày không có thông tin, không hiểu hết tình huống, anh không ký nhận tội chỉ vì bản tính anh như thế, lương tâm anh như thế, không, và quyết không chịu nói một lời nhận tội để phản bội đất nước, phản bội đồng đội và tự phản mình, mặc dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, nếu anh có một chữ ký “trá hàng” cũng đáng được thông cảm, không ai nỡ trách.

Ít người làm được, vì cái giá phải trả cho khí phách kiên cường quá lớn, trả bằng sinh mệnh. Ngót một tháng tuyệt thực, 4 gói mì tôm do quản giáo quẳng vào vẫn còn nguyên không lay động nỗi lòng người chiến sĩ. Người tù đã lả đi, yếu lắm. Không thể tự đi, tự ngồi, cái đầu vẫn hiên ngang tự bên trong nhưng sức nặng bên ngoài của cái vỏ đã cần đến hai cánh tay trơ xương gầy chống đỡ mới không gập xuống.

Con anh nhìn bố mà không thể nhận ra hình hài bố mình. Xót thương, xót lòng tất cả những người Việt Nam còn lương tâm và lý trí. Nhưng tất cả chúng ta càng nhận ra anh, rõ nét và mãnh liệt hơn bao giờ hết, vì hình hài này đang sống trong tất cả chúng ta, cho tất cả chúng ta.

Từng phút một, hình hài đáng quý trọng ấy có thể giã từ chúng ta, làm thế nào loại trừ để khả năng đáng ân hận ấy không thể xảy ra, không được xảy ra?

Câu hỏi xé lòng!


Đà Lạt 22/7/2013



___________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét