Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Tôi Thi Quốc Tịch & ...

1/ Tôi Thi Quốc Tịch .

 09/3/2016

  TÔN NỮ THU DUNG

 

 

Tác giả: Tôn Nữ Thu Dung -

Trước Tháng Tư 1975, tại Saigon, tác giả từng cộng tác với tuần báo Tuổi Ngọc và là một trong những cây bút học trò được bạn đọc yêu mến. Chỉ mới định cư tại Hoa Kỳ ít năm trước đây, Thu Dung dự Viết Về Nước Mỹ 2013 và nhận giải thưởng đầu tiên. Bài viết mới nhất của cô đánh dấu chặng đường 5 năm tại Mỹ, chính thức trở thành công dân Hợp Chủng Quốc.

 

                         * * * * * * * * * * * * *


Những bài viết của tôi trước đây, từ “Tôi Đi Học”, “Ai xui tôi học Nails”, “Chưa Hề Tuyệt Vọng”... chỉ là những trải nghiệm rất riêng của tôi trong 5 năm ở Mỹ. Tôi không dám có tham vọng chỉ dẫn hay truyền đạt kinh nghiệm cho ai… chỉ mong đem đến tặng cho các độc giả yêu quý những nụ cười sảng khoái !… Dù rằng trong mỗi trải nghiệm đó đôi khi cũng ngập tràn nỗi buồn và nước mắt của một lưu dân.

Hôm nay, tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện mới nhất : 


                  Tôi Thi Quốc Tịch.

Sau gần 5 năm bước chân đến Mỹ, tôi bắt tay vào việc điền đơn xin nhập tịch. Chứ sao, một lưu dân gương mẫu như tôi xứng đáng làm điều đó hơn ai hết. Đúng 5 năm, Sở Di Trú gởi thư mời đi lăn tay để chứng minh “nhân thân” trong sáng như tờ giấy trắng, lý lịch không hề có “tiền án tiền sự ” gì ráo! Điều đó dĩ nhiên rồi, một dân nhập cư lương thiện cần cù như tôi suốt 5 năm nay chỉ biết vùi đầu vào đi học, đi làm, đi bệnh viện và đi Las Vegas… không kể một lần đi nếm rượu nho ở Napal Valley mà chỉ vài tuần sau là ông chủ vựa rượu nho ấy lăn đùng ra chết (chắc không phải vì những lời phê bình góp ý vô cùng thẳng thắng của tôi!)

Tôi có những người bạn (mà tôi không dám và không thể nói tên công khai ở đây), họ luôn tự hào họ là những tay sát cá, sát gái, sát thủ v.v… Tôi khiêm tốn hơn, tôi chỉ có một niềm hãnh diện nhỏ bé (nhưng vô tận) là “sát phạt”… Tôi chơi bài luôn luôn thắng, từ bầu cua, xì lát, tiến lên, xập xám cho đến những… ván bài lật ngửa, tôi cũng đều nắm được những quy luật để không thể nào thua! Tôi chơi nhỏ thắng nhỏ, chơi lớn thắng lớn, không chơi thì không thắng! Kể cả đứng gần ai người đó cũng thắng luôn!

Khi chụp hình lăn tay xong, nhân viên Sở Di Trú phát cho tôi một cuốn cẩm nang Luyện Thi Quốc Tịch LEARN ABOUT THE UNITED STATES và một Video Clip để luyện nghe và nói. Làm bất cứ việc gì tôi cũng là người ham chơi mau chán, nhưng những gì liên quan tới chữ nghĩa là tôi say mê cùng cực, đời tôi gắn liền với chữ nghĩa, tôi học như điên vì càng học càng thấy mình ngu kinh khủng.

Thấy tôi cứ chúi đầu vào học, Chief tò mò gạn hỏi:

“Ủa chớ You quan tâm đến ba cái quái này làm gì? Ai cần biết Hoa Kỳ có bao nhiêu Senator? Ai cần nhớ ông nào làm Tổng Thống suốt Thế Chiến I? Ai cần hiểu khi cả Tổng Thống lẫn Phó Tổng Thống lăn đùng ra chết mẹ nó hết cùng một lúc thì thằng quỷ nào sẽ lên thay nắm quyền sinh sát?”

Rồi nheo mắt rất thập phần đểu cáng:

“Hay You chán săn sóc người tàn tật rồi nên muốn ứng cử vô DÒNG CHÍNH?”

Chief là dân Trắng cao sang quyền quý, xuât thân từ một danh gia vọng tộc đâu đó ở một trong 13 tiểu bang từ thời lập quốc…( nghe khoe vậy chớ tôi đâu có biết thật hay xào xạo!!!) nay về Cali điều khiển cái Nursing Home sang trọng này. Chief cũng không nghĩ tôi chưa phải là công dân Hoa Kỳ khi thấy tôi hơn khá xa các dân nhập cư đến từ các nước… chậm tiêu khác!

Chief còn có dòng máu kỳ thị chủng tộc chảy ào ào trong huyết quản dù bề ngoài vẫn rất thân thiện dễ thương (hay tôi nhạy cảm quá chăng?). Chief không thích Tổng Thống Obama chút nào, cứ mong mõi đến tháng 11 đi bầu cho người khác. Chief còn vận động hành lang, muốn xâm phạm bí mật đời tư của tôi bằng cách cứ cà rà theo hỏi tôi sẽ bỏ phiếu cho ai trong đợt này. Chief thuộc Đảng Cộng Hòa nhưng không hiếu chiến kiểu Triump… Nghe tôi trả lời tôi học “ba cái quái này” để thi Quốc Tịch, Chief rất bất ngờ và ngạc nhiên khi biết tôi mới qua Mỹ 5 năm và chưa có Quốc Tịch Hoa Kỳ.

Nhưng cũng phải nói Chief rất dễ thương khi thỉnh thoảng lại ôn cùng tôi vài câu lịch sử, chính trị, địa lý và uốn nắn giùm tôi những chữ phát âm không đúng… cho đến ngày tôi thuộc lòng như cháo chảy đủ cả 100 câu thì cũng là lúc tôi lên đường ứng thí.

Chief tuyên bố:

“You mà không đậu thì chẳng ai đáng đậu.”

Rất nhiều lần Chief bày tỏ lòng ngưỡng mộ tôi nhưng không nói gì tới chuyện tăng lương. Nhưng dù sao Chief cũng biết cách ngăn chận lòng tự cao tự đại của tôi bằng một câu an ủi chí lý vô song:

“Hơn nữa, đợt này nhằm kỳ bầu cử nên bọn nó sẽ cho đậu ráo hết để kiếm cử tri!”

Mẹ kiếp, tôi muốn chửi thề ghê gớm nhưng không dám vì sợ mất đi hình tượng sang trọng, lịch sự, rất Lady trong mắt Chief, đúng là bản chất của bọn... đế quốc, lúc nào cũng muốn ra vẻ ban ơn và không công nhận người khác giỏi hơn mình… Nói thật, Chief mà biết độ 20% những câu cần học thì tôi sẵn sàng bỏ việc!

Tôi tự nhủ với lòng mình sẽ có một lúc nào đó phanh phui hết những tội lỗi trong từng lời nói của Chief khi nào Chief sa cơ thất thế hoặc là khi nào tôi thật giỏi tiếng Anh. Cứ chờ đó đi.

Ngày đi thi: Một sáng cuối tuần đẹp trời, sương hồng phủ mờ phố núi, đẹp như thơ, như tranh.

Giờ thi: 7:55' yêu cầu tới trước 30' để kiểm tra giấy tờ.

Địa điểm thi: San Bernardino… Chúa ơi, cái thành phố vừa bị khủng bố tấn công dã man vào mấy tháng trước.

Xe vừa vào Free Way 210 East thì mặt trời nhô lên màu đỏ vàng rực rỡ như nửa trái cam CALI ngọt ngào xinh đẹp. Con gái nói:

“Mặt trời lên đẹp ghê chưa má, đó là điềm hanh thông đại cát”

(Con gái là dân làm báo chuyên nghiệp, lương cao bổng lộc hậu chớ không phải dân báo đời như má nó, nó có liên quan đến ngành địa ốc như ba nó nên đi học thêm phong thủy và nói năng pha lẫn tiếng tàu như sư phụ nó cho sang!)

Nó xin nghỉ nửa ngày để chở tôi đi thi vì biết tôi luôn luôn đi lạc, không cách nào phân biệt được đâu là hướng South, hướng West, hướng North, hướng East khi đến một thành phố khác.

Thường tôi tới San Bernardino là tới những khu vực nghèo khổ, phát thức ăn, áo quần cho những người Homelesse. Thật sự San Bernardino cũng có những thành phố xinh đẹp, sang trọng như những nơi tôi vừa đi qua… những ngôi nhà mới sáng trưng trong nắng, những con đường hoa đào trắng đẹp mê hồn soi bóng xuống cỏ xanh, những biệt thự cổ kính nép bên sườn đồi. Tôi nói:

Nhà đẹp quá, hay mình tới đây mua nhà đi con.”

Nó la lớn:

“Má, làm ơn tĩnh tâm mà nhớ lại rằng là má đang trên đường đi thi quốc tịch chớ không phải là đi coi nhà hay mua nhà. Làm ơn rơi khỏi chân mây chút!”

Tôi cười, tôi rút ra một kinh nghiệm xương máu sau rất nhiều nỗi đoạn trường cay đắng rằng thì là nếu tôi đang bị ai giận dữ la mắng, hay tôi dại dột làm điều chi lầm lỗi thì đừng có mà gân cổ lên cãi vã làm chi…Tôi chỉ cần cười thôi là mọi điều đều được hóa giải hết trọi hết trơn… Hơi vô duyên lãng nhách một chút, nhưng tôi phải công nhận tôi cười … dễ thương thiệt đó!

Nó hạ giọng liền:

“Để con ghé vô mua cho má một ly starbucks”

Đúng là đứa con có hiếu.

Tôi vào nộp giấy, nó gọi tôi lại gần, nói nhỏ:

“Má, nếu má thi rớt con sẽ để má đi bộ về, chỉ có ba bốn chục miles chớ mấy!”

Đúng là đứa con bất hiếu. Bộ mày chưa từng nghe ai nói câu “học tài thi phận” bao giờ sao?

“Nhưng nếu má đậu con sẽ cho má $100”

Tôi không thèm trả lời, mặc kệ nó xếp hàng đứng sau lưng.

Cởi giày, đi chân không qua cổng an ninh… Bóp, điện thoại, áo lạnh chạy qua máy dò. Ly cà phê mới uống một hớp bị quăng vô thùng rác cùng chung số phận với chai nước suối. Không sao, tôi sẽ có $100 đồng cá cược của nó để mua lại vài chục ly cà phê khác.

Vào sảnh lớn ngồi chờ gọi tên phỏng vấn tôi bắt đầu run… đã nói tôi là con thỏ nhưng luôn phải khoác cho mình cái lốt con sư tử… Không ai biết tôi run trừ nó khi thấy tôi kéo cái khăn quàng lên cổ. nó nheo mắt hết sức đểu cáng:

“Sợ rồi phải không? Can đảm lên, my Great Mom”

Bao nhiêu người được gọi vào, bao nhiêu khuôn mặt méo xẹo trở ra. Ai dám nói:”Mùa bầu cử nó cho đậu ráo” là nói tầm bậy tầm bạ. Bởi những lời đồn đãi vô căn cứ như vậy nên cứ đến mùa bầu cử là dân nhập cư tấp nập nộp đơn đi thi để ảnh hưởng không nhỏ đến… tôi.Thôi thì cùng lắm là … gọi taxis về nhà, tốn năm bảy chục!

Một vị giám khảo ra gọi tên ông thầy tu ngồi hàng ghế sau tôi… vài phút trước, tôi đã kịp hỏi và biết ông thầy tu đó người Bangladesh, dân Hồi Giáo, tên Hosain Rahman, di dân theo diện tu sĩ…(Ai nói tôi không có dòng máu ngoại giao chảy tràn huyết quản?) đi cùng ông là 3 đồng nghiệp, ủa quên 3 đồng đạo cho vui chớ chỉ một mình ông thi.

Vị giám khảo mập, lùn, đầu không có tóc, mặt mày hiền lành phúc hậu… tôi ước chi ông này phỏng vấn thì mình đỡ sợ… vì nãy giờ ngồi đây, tôi toàn chứng kiến những giám khảo mặt mày đằng đằng sát khí, làm như dân nhập cư vô ăn hết gia tài hương hỏa không bằng…. Họ giả vờ làm như không hề biết rằng chúng tôi đã cống hiến cho đất nước này đôi khi nhiều hơn cả họ.

Ông thầy tu vào và ra rất nhanh, không biết vì thiếu giấy tờ hay sao sao đó, khuôn mặt ông đã đen thì chớ bây giờ tối thui luôn… Tôi chưa kịp định thần thì vị giám khảo ấy đọc rất rõ tên người tiếp theo từng tiếng một DUNG NU THU TON.

Tôi không nghĩ đó là tên tôi, tôi không nghĩ Chúa, Phật, Alah và các đấng linh thiêng đã nhận lời tôi cầu khẩn là cho tôi được phỏng vấn bởi vị giám khảo này! Nếu biết các ngài rộng lòng bao dung đến vậy tôi đã xin thêm một điều nhỏ bé khác là được song suốt qua truông qua ải!!! Dịp may đâu đến 2 lần, tôi chắc lưỡi: Cùng lắm là chết!

Tôi đứng lên:

“Im here”

“Good Morning”

“Good Morning, How are you today?”

“Good, and you?”

“Good”

“Follow Me, Please.”

Cuộc tra tấn bắt đầu, tôi thầm nghĩ, rất kiên cường, tôi hít một hơi dài trấn tĩnh.

Giám khảo hỏi trên con đường đi qua mấy dãy hành lang sao mà dài lê thê ( bắt đầu từ đây tôi sẽ dịch ra tiếng Việt)

“You đi với ai đến đây?”

“Con gái tôi”

“You không thể đi một mình sao?”

“Nói thật, tôi hơi sợ…”

“Sợ? Sợ điều gì?”

Tôi liền chơi trò vận động hành lang:

“Đây là một ngày rất quan trọng của tôi, tôi sợ đi lạc, sợ trể giờ, sợ tai nạn xe cộ và kể cả sợ thi rớt nữa!”

Ông ta cười:

“Đừng lo, mọi sự sẽ tốt đẹp thôi!”

Vào phòng phỏng vấn, tôi chuẩn bị tư thế đưa tay phải lên thề theo đúng như sách vở là nói tất cả sự thật và chỉ là sự thật mà thôi như trong cả ngàn trường hợp phỏng vấn mà tôi coi trong Video clip đến mòn cả cái đầu đĩa. Ngạc nhiên chưa, ông ta lại bảo tôi ngồi xuống, đưa passport, thẻ xanh, thẻ SS, bằng lái xe. Ổng cầm, coi sơ, xong ôm xấp hồ sơ của tôi đi ra sau khi biểu tôi ngồi chờ vài phút và không được move chỗ khác( Wait me few minutes and dont move… please). Move đi đâu trời hỡi? Tôi đang run cầm cập như con cầy sấy đây!

Chừng 5 sau ông trở lại, chắc đi điều tra nghiên cứu gì thêm ở các cấp cao hơn. Ông ngồi xuống, bắt đầu hỏi, bỏ qua phần thề thốt… chắc ổng quên, tưởng tôi đã thề hồi nãy rồi… không lẽ tôi nhắc là tôi chưa được thề… Tôi chắc lưỡi: “ngu sao nhắc, ai lại đi mua thêm cái dây để tự trói mình!”

Hay ổng thấy mặt tôi rất lương thiện ngây thơ trong sáng nên không hề biết nói dối và nếu bắt tôi thề sẽ là một xúc phạm nặng nề???

Ai biết ổng nghĩ gì làm gì với cái thái độ nhỡn nhơ vừa hỏi vừa gài như vậy.

Chỉ biết được một điều lạ lùng duy nhất là tôi không được thề thốt gì cả như mấy chục triệu dân nhập cư từ mấy trăm năm nay!!!

Tôi thấy mình đặc biệt và hãnh diện vì điều này cho đến khi kể lại cho một số người nghe điều bí ẩn ấy, thì có một người bi quan yếm thế làm tôi lo sợ mất ngủ mấy đêm: “Vậy là kỳ thi của bạn hỗng có giá trị gì ráo. Bạn chuẩn bị thi lại đi chớ ở đó mà huênh hoang hãnh diện với là đặc biệt!!!”

Kệ, chuyện này để sau tính.

Còn bây giờ kể tiếp chuyện phỏng vấn, khi cầm Passport của tôi cẩn thận lật từng trang rất kỹ, ổng hỏi:

“You về Việt Nam một lần?”

“Yes”

“Ai là người trả tiền cho chuyến đi này?”

Câu hỏi không có trong bất cứ bài học nào của Sở Di Trú như thế này thực sự xúc phạm đến tôi, tôi cáu kỉnh, Hắn nghĩ mình là ai vậy chứ?

Nhưng một tia chớp nhanh chóng hiện ra trong đầu, à, hắn đang gài độ, thử coi mình có nhận tiền hay ân huệ gì của bọn ISIS không chứ gì? Chắc hồi nãy Camera có quay tôi chuyện trò thân thiết với ông thầy tu Hồi Giáo!

Tôi nghiêm trang trả lời:

“Tự tôi trả tiền cho tôi, tôi đã và đang làm việc, cần gì tiền của ai!”

Hắn( tôi bực mình lắm rồi, không thèm lịch sự gọi là Vị hay Ông gì nữa) ôn tồn giải thích:

“Ồ không, tôi hỏi vì hơi ngạc nhiên khi thấy You Low Income mà có tiền về Việt Nam. Mọi thứ ở đó đắt hơn ở đây rất nhiều.”

Đúng là tráo trở như dân ngoại giao, miệng trơn tru còn hơn bôi mỡ.

“You sinh ở NhaTrang?”

“Không, tôi sinh ở Huế”

“Thừa Thiên Huế?”

Cách phát âm chữ Thừa Thiên Huế của hắn chuẩn không chê vào đâu được. Tôi đâm nghi ngờ hắn thuộc dạng CIA hoặc FBI gì đây nên vô cùng cảnh giác

“Yes”

“Đó là một nơi rất buồn, You có biết chuyện gì xảy ra ở đó vào năm 1968 không?”

Tôi lại cáu, hắn đâu có ngờ tôi chỉ có một nhúm chữ tiếng Anh ít ỏi làm vốn mà hắn đã moi ra gần hết rồi… Hỏi tiếp nữa chắc dồn tôi vào thế phải sử dụng ngôn ngữ thứ ba là TO QUƠ! Nhưng đã nói, tôi là một kịch sĩ tài ba như lời thầy Bửu Ý khen hồi nhỏ, tôi điềm tĩnh trả lời:

“Biến cố Mậu Thân”

“Good”

Nhắc tới Huế là tôi ngứa miệng:

“You có ở đó vào ngày ấy?”

“Tôi ở gần Đàn Nam Giao, lúc bấy giờ tôi là nhân viên hành chính ngoại giao của cơ quan thông tin Hoa Kỳ”

“Lúc ấy ông còn rất trẻ, và đẹp trai, tôi nghĩ vậy!”

Hắn cười, đỏ mặt lúng túng, im lặng vài giây và nói thật buồn:

“Tôi chỉ là một chàng trai trẻ thôi. Tôi yêu một cô gái Huế, nhưng You biết đó. Người Huế không muốn gả con cho người nước khác. Chúng tôi chia tay, và cô ấy… lên núi!”

Tôi ngớ người trước chữ “lên núi” của hắn. Tưởng trong biến cố Mậu Thân hắn phát giác cô lên núi theo việt cộng, nhưng không phải, cô ta bị chết vì đạn lạc… được mang về chôn trên đỉnh Ngự Bình.

Bỗng dưng tôi trở thành người phỏng vấn, hắn chìm vào cơn hoài cảm nào đó dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua.

Im lặng hồi lâu, tôi hỏi:

“Có phải vì vậy mà You nhận phỏng vấn tôi khi thấy tôi mang họ TÔN NỮ?”

“Tôi không thể nói có hay không, You thông cảm. You hãy nói cho tôi biết: Ai là người có tội trong cái chết ấy?”

Tôi tự giận mình đã không giỏi tiếng Anh để hỏi và nghe câu chuyện với nhiều chi tiết. Tôi thấy vốn liếng ngôn ngữ của tôi tới đây là cạn kiệt, bèn lôi hắn ra khỏi cơn trầm cảm cuối tuần:

“Rất nhiều cái chết vào năm ấy, nhưng tôi không nghĩ câu này nằm trong phần 100 câu hỏi tôi được học để biết về nước Mỹ?”

“Ồ không, tôi chỉ trắc nghiệm tiếng Anh của You thôi. Bây giờ tôi mới bắt đầu hỏi về những điều You cần biết về nước Mỹ!”

Câu 1: Có bao nhiêu chánh án trong tòa án tối cao?

– 9 người ( tôi lanh chanh thêm: mới chết 1 người á.) Hắn cười khen tôi giỏi

Câu 2: Tên 3 tiểu bang nguyên thủy của Hoa Kỳ ?

– Virginia. ( tôi nghĩ tới thầy Sơn)

– Maryland (tôi nghĩ tới nhà thơ Phạm Khánh Vũ)

– Georgia (tôi nghĩ tới quê hương của tác giả Cuốn Theo Chiều Gió)

Câu 3: Ai là Thượng Nghị Sĩ của California?

(Tôi định nói Janet Nguyễn cho oai, nhưng hơi sợ cô chỉ mới là Thượng Nghị Sĩ ở cấp tiểu bang, sách vở chưa in kịp, hắn không biết lại cho rằng tôi sai nên tôi đành cay đắng nói theo sách vở)

– Diane Feinstein

Câu 4: Ai là dân biểu của California?

(Bà này vẫn ký thường xuyên vào các giấy khen thưởng này nọ của tôi nên tôi trả lời không suy nghĩ luôn)

– Lorreta Sanchez.

Câu 5: Ai là Tổng Thống trong suốt Thế Chiến 1?

(Cái này tôi học mẹo cho dễ nhớ tên cái ông đọc ra trẹo bản họng luôn: WW1 Tên ổng cũng bắt đầu bằng WW)

– Woodrow Wilson

Câu 6: Tên tiểu bang giáp ranh Mễ Tây Cơ ?

(Tôi nhớ em Lu Xi nên trả lời nhanh như chớp)

- Texas

Câu 7: Tên bài Quốc Ca Hoa Kỳ ?

(Tôi biết bài này rõ, nhưng nhỡ may trả lời xong hắn biểu hát cho hắn nghe thì tiêu tán đường, nên từ chối ngay lập tức)

– Xin lỗi, tôi không nhớ rõ lắm, cái tên thật khó nhớ, Nhưng tôi đã trả lời đúng cả 6 câu rồi, đâu cần trả lời thêm.

Hắn lại cười, lẩm nhẩm đếm coi thử đủ 6 câu chưa:

“Ồ, xin lỗi, You nói đúng, bây giờ You đọc và viết cho tôi những câu này”

Hắn đưa 2 tờ giấy,

Tôi đọc: “Why does the flag have 50 stars?”

Và viết theo lời hắn đọc: “Because there is one star for each state.”

Chưa điều gì dễ hơn 2 điều hắn vừa bảo tôi làm… Hắn khen tôi chữ đẹp.

“ Congratulations ! You chờ 2 tuần sẽ có thư mời đi tuyên thệ ! ”


 

Tôi đậu, tôi đứng lên, không cảm thấy vui mừng chi lắm như vẫn tưởng tượng xưa nay, cảm ơn, chào tử tế… đi ra cửa.

Cảm thấy mình là một công dân hạng hai vừa được đặc cách lên hạng nhất như một ân huệ được ban bố… mà tôi thì chúa ghét nhận ân huệ từ ai !

Tôi muốn khóc, không phải vì vui mừng mà chỉ cảm thấy mất mát một điều gì vô hình mà to tát xiết bao ! Điều gì ? Tôi khắc khoải mất ngủ nhiều đêm.

“Má, sao lâu vậy má? Mấy người vô sau má đều rớt hết trơn hà! Con biết thi càng ngày càng khó… Nếu má rớt con cũng chở má về chớ không bắt má đi bộ đâu! Con chỉ nói giỡn thôi mà, má đừng giận!”

  Mặt tôi buồn thiu nên con nhóc tưởng tôi rớt liền năn nỉ hỏi han. Tôi đưa tờ giấy có chữ ký giám khảo đóng dấu xác nhận YOU PASSED THE TESTS OF ENGLISH AND U.S HISTORY AND GOVERNMENT cho nó cầm. nó hớn hở:

  “Má giỏi quá, má đúng là GREATTTTTT…….. MOM của tụi con!”

Bây giờ, nếu ai hỏi tôi thi Nhập Tịch dễ hay khó thì tôi sẽ trả lời : tôi không biết !



Tôn Nữ Thu Dung


                    ====================


 

                   

 

2/ Chuyến bay định mệnh của 15 lính biệt kích tiêu diệt Bin Laden


  Bài lược dịch từ cuốn hồi ký “Ngày không dễ dàng” của tác giả Owen, nói về cuộc tấn công chỉ kéo dài 20 phút, tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden của đội biệt kích Team 6 thuộc Lực lượng SEAL, Hải quân Mỹ tại Abbottabad, Pakistan vào lúc rạng sáng ngày 1-5-2011.

Chỉ hơn 3 tháng sau ngày Team 6 giết chết Bin Laden, một chiếc trực thăng Chinook CH47D chở 38 người đã bị một tay súng Taliban bắn hạ bằng một quả tên lửa vác vai. Tất cả những người trên trực thăng đều thiệt mạng - trong đó có 15 thành viên đội Team 6 - là những người đã trực tiếp tham gia tiêu diệt Bin Laden.

Kế hoạch tiêu diệt Qari Tahir 

Vài phút trước 2 giờ sáng ngày 6-8-2011, tại một căn cứ không quân Mỹ nằm cách thủ đô Kabul, Afghanistan 40 dặm về phía nam, hai chiếc trực thăng Chinook CH47D bắt đầu nổ máy, chuẩn bị cất cánh để thực hiện một sứ mệnh đặc biệt.

Nhằm giữ bí mật, các phi công đều không mở đèn hiệu và đèn chiếu sáng ở cả đầu lẫn đuôi máy bay mà thay vào đó, họ sử dụng kính nhìn đêm. Trong buồng lái, chỉ có vài ánh sáng màu xanh lờ mờ trên các bảng đồng hồ điều khiển. Trong phi vụ này, chiếc Chinook số hiệu 16 được đặt cho mật danh là “kẻ tống tiền”, còn chiếc số 17 thì mật danh của nó là “kẻ chiếm đoạt”.


15 biệt kích Team 6 trên chiếc “kẻ chiếm đoạt” 17.
15 biệt kích Team 6 trên chiếc “kẻ chiếm đoạt” 17.
2 giờ 10 phút sáng, hai chiếc Chinook đồng loạt bốc mình lên khỏi mặt đất. rồi tăng tốc độ hướng về phía tây. Yểm trợ nó là hai trực thăng vũ trang AH-64 Apache, hai máy bay vận tải vũ trang gồm một chiếc CH-47, một AC-130 và một máy bay không người lái (UAV) Black Hawk.

Theo tin tình báo, tại ngôi làng Jaw-e-Mekh Zareen nằm trong thung lũng Tangi, hiện đang có mặt Qari Tahir - kẻ cầm đầu lực lượng Taliban ở vùng này và sáng ngày 6-8, gã sẽ tham dự một cuộc họp chỉ đạo các phương án tác chiến chống lại lính Mỹ và quân Chính phủ Afghanistan.

Nhiệm vụ của 15 thành viên đội Team 6 cùng 20 lính Lực lượng đặc biệt là tổ chức một cuộc đột kích bất ngờ, tiêu diệt Qari Tahir cùng tất cả những thành viên Taliban có mặt trong buổi họp, cụ thể là hai chiếc AH64 Apache cùng chiếc AC 130 sẽ tấn công dọn đường bằng rocket, pháo 105mm, đại liên Vulcan 6 nòng dưới sự hướng dẫn của máy bay không người lái.

Tiếp theo, một trung đội thuộc Trung đoàn Biệt động quân Mỹ với 1 con chó săn và một đơn vị gồm 7 người lính Afghanistan cùng một phiên dịch sẽ bao vây mặt sau ngôi làng Jaw-e-Mekh Zareen để phục kích những phần tử Taliban còn sống sót nếu chúng chạy thoát ra ngoài, cũng như chặn đánh quân tiếp viện trong lúc đội Team 6 cùng 20 lính Lực lượng đặc biệt từ chiếc trực thăng “kẻ chiếm đoạt” xông vào địa điểm diễn ra cuộc họp.

Sau khi đã tiêu diệt xong Qari Tahir và đồng bọn, “kẻ chiếm đoạt” 17 lập tức quay trở lại căn cứ nơi xuất phát còn “kẻ tống tiền” 16 làm nhiệm vụ vận chuyển thương binh hoặc người chết nếu xảy ra tổn thất về nhân mạng.

Điều khiển chiếc trực thăng số hiệu 17 “kẻ chiếm đoạt” là David R. Carter, phi công thuộc đơn vị Vệ binh quốc gia bang Colorado, còn phi công phụ là Bryan J. Nichols thuộc đơn vị quân dự bị bang Kansas. Đã có hơn 4.000 giờ bay, David R. Carter được coi là một trong những phi công trực thăng giàu kinh nghiệm nhất nước Mỹ.

Bên cạnh đó, ông còn là giảng viên môn bay địa hình tại Trung tâm huấn luyện không quân quốc gia ở Bridgeport, bang California. Hầu hết phi công trực thăng Mỹ trước khi sang chiến đấu tại Afghanistan đều trải qua một khóa học tại trung tâm này, chủ yếu là học bay đêm trong mọi thời tiết và đặc biệt nhất là bay mà không có hệ thống dẫn đường, chỉ dựa vào sự phán đoán chính xác, phản xạ nhanh nhạy của người điều khiển.

David “Pat” Gates, một phi công thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn trực thăng số 132 - người đã từng được Carter huấn luyện kỹ thuật bay địa hình kể: “Tôi đã bay hàng trăm phi vụ. Trung đoàn của tôi hoạt động trên khắp đất nước Iraq, chủ yếu là vào ban đêm để hỗ trợ những hoạt động đặc biệt”.

Diễn tiến cuộc đột kích 

Gần 6 giờ sáng, những chiếc máy bay yểm trợ bắt đầu khai hỏa xuống các mục tiêu trong làng Jaw-e-Mekh Zareen ở thung lũng Tangi, tỉnh Wardak. Khi những tiếng nổ chát chúa của rocket, của pháo 105mm và của đại liên Vulcan 6 nòng vừa ngớt, hai chiếc Chinook lập tức hạ cánh, cách nhau khoảng 100m để có thể kịp thời hỗ trợ cho nhau.


Hình chụp cuối cùng chiếc Chinook “Kẻ chiếm đoạt” 17 rời căn cứ trong phi vụ tiêu diệt Qari Tahir.
Hình chụp cuối cùng chiếc Chinook “Kẻ chiếm đoạt” 17 rời căn cứ trong phi vụ tiêu diệt 
Qari Tahir.
Trên chiếc “kẻ chiếm đoạt” 17, 15 biệt kích Team 6 và 20 lính Lực lượng đặc biệt chia thành hai nhóm, lao ra khỏi cửa đuôi máy bay nhưng ngay lập tức, họ vấp phải sự chống trả mãnh liệt của 8 tay súng Taliban, vũ trang bằng tiểu liên AK47 cùng súng chống tăng RPG.

Một chiếc trực thăng AH-64 sau khi xác định được vị trí của nhóm Taliban qua màn hình hồng ngoại gắn trong buồng lái, đã phóng vào đó 1 quả rocket, giết chết 6 tên. 2 tên còn lại chui vào một rặng cây rồi biến mất.

Sau những phút bất ngờ, lực lượng Taliban ở làng Jaw-e-Mekh Zareen nhanh chóng tập hợp lại đội ngũ và tổ chức phản công. Những hình ảnh từ bộ cảm biến trên chiếc máy bay không người lái truyền về trung tâm chỉ huy cho thấy cạnh những bức tường đắp bằng đất và trên sân thượng của một số căn nhà, các nhóm Taliban vừa bắn vừa di chuyển, lúc ẩn lúc hiện như những bóng ma.

Điều này đã gây khó khăn cho nhóm đột kích bởi lẽ họ vừa quét sạch vài tên Taliban ở một ngã tư trước mặt và khi họ chuẩn bị tiến lên thì một số tên Taliban khác lại xuất hiện, bắn họ từ sau lưng. Theo lệnh của trung tâm chỉ huy, trung đội Biệt động quân Mỹ cùng đơn vị lính Afghanistan làm nhiệm vụ chặn hậu nhanh chóng triển khai thành lực lượng phản ứng tức thời để hỗ trợ cho đội Team 6.

Trận đấu súng kéo dài gần 30 phút. 15 biệt kích đội Team 6 đã chiếm được căn nhà nơi được dùng làm chỗ họp của Taliban. Họ bắt được một số tù binh nhưng không có Qari Tahir. Theo lệnh của trung tâm chỉ huy, tất cả 15 biệt kích Team 6 và 20 lính Lực lượng đặc biệt quay về căn cứ trên chiếc trực thăng “kẻ chiếm đoạt” 17, còn chiếc “kẻ tống tiền” 16 bay không, tù binh thì giao cho trung đội Biệt động quân.
Vài phút sau đó, mệnh lệnh này biến thành định mệnh tàn khốc, cướp đi sinh mạng của 38 người, trong đó có 15 biệt kích Team 6, những chiến binh được đánh giá là “giỏi nhất trong số những người giỏi nhất quân đội Mỹ”.

Tại chiến trường Afghanistan, trực thăng CH-47 Chinook luôn được coi là phương tiện tốt nhất để thả quân vì ngoài tính cơ động, chở được 45 lính vũ trang đầy đủ, nó còn có thể bay ở độ cao rất thấp. Nhằm tăng tính hiệu quả, hãng chế tạo Boeing Integrated Defense Systems đã lắp thêm vòi tiếp nhiên liệu trước mũi máy bay, nâng công suất động cơ và gắn thêm hệ thống cảm biến hồng ngoại để phục vụ những cuộc hành quân - nhất là vào ban đêm.

Sở hữu 163 chiếc Chinook MH47 tại Afghanistan là Trung đoàn “siêu bí mật” 160 Special Operations Aviation, còn các phi công điều khiển loại máy bay này được gọi là “Kẻ rình mò ban đêm - Night Stalker”.
Thế nhưng chẳng hiểu sao, trung tâm chỉ huy cuộc đột kích vào làng Jaw-e-Mekh Zareen để tiêu diệt Qari Tahir lại không sử dụng những chiếc trực thăng MH47 của trung đoàn “siêu bí mật” 160, mà họ lại quyết định dùng loại trực thăng Chinook CH47D của trung đoàn 132 - là loại chưa được cải tiến.
Thiếu tá Matthew Brady, phi công thuộc trung đoàn 160 nói: “Đó là sự tính toán của cấp trên nhưng theo tôi, sự hỗ trợ có thể sẽ tốt hơn nếu nhóm đột kích bay bằng MH47…”.

Taliban giương bẫy hay chỉ là sự trùng hợp tình cờ ? 

Khi lệnh triệt thoái được ban ra, chưa đầy 1 phút, 15 biệt kích Team 6 và 20 lính Lực lượng đặc biệt đã ngồi gọn trong lòng chiếc CH47D “kẻ chiếm đoạt”. Qua kính nhìn đêm, phi công David R. Carter chỉ thấy một màu xanh đục tạo ra bởi những đám khói bụi của đạn 105mm và rocket, cũng như từ sức gió của cánh quạt trực thăng.



Một trong những bàn thờ truy điệu các thành viên Team 6 thiệt mạng cùng chiếc trực thăng.
Một trong những bàn thờ truy điệu các thành viên Team 6 thiệt mạng cùng chiếc trực thăng.
Để có thể cất cánh, Carter yêu cầu chiếc máy bay vận tải vũ trang AC 130 chỉ điểm vị trí cho ông bằng một tia hồng ngoại. Ngay lập tức, chiếc AC 130 lượn vòng rồi thông báo qua radio là họ đã sẵn sàng. Giây lát, khoảnh đất trước mũi chiếc “kẻ chiếm đoạt” 17 rực lên một màu đỏ tươi nhưng chỉ thấy được bằng kính nhìn đêm. Carter tăng tốc động cơ, kéo cần lái rồi nói qua radio: “Ok. Takeoff - Tôi cất cánh”.

Vài giây sau, chiếc Chinook “kẻ chiếm đoạt” 17 bốc lên cao khoảng 30m với tốc độ 100km/giờ. Đột nhiên, trên sân thượng của một tòa nhà 2 tầng nằm cách chiếc trực thăng khoảng 25m về phía nam, xuất hiện 3 tay súng Taliban với 2 khẩu súng chống tăng RPG và 1 khẩu AK.

Quả đạn đầu tiên bắn đi từ khẩu RPG thứ nhất bay vòng phía trên cánh quạt rồi nổ tung khi rơi xuống đất nhưng quả thứ hai nổ ngay cánh quạt sau của chiếc Chinook làm đứt lìa một phần cánh quạt khiến nó mất thăng bằng rồi lao xuống theo hình xoáy trôn ốc.

Khi chạm đất - là một con rạch không có nước, chiếc Chinook “kẻ chiếm đoạt” nổ tung, làm bùng lên một quả cầu lửa, giết chết tất cả 38 người. Thiếu tá Doug Glover, chuyên viên điều hành hệ thống cảm biến vũ khí thuộc Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ nói: “ Đạn RPG không có laser dẫn đường. Nó bay theo quỹ đạo nơi khẩu súng bắn ra, tốc độ quả đạn lại không nhanh nên việc chiếc Chinook bị rơi có thể chỉ là một cú bắn cầu may của một tên Taliban nào đó”.

Sau khi tin tức về 15 biệt kích Team 6 thiệt mạng cùng chiếc Chinook “kẻ chiếm đoạt” bị tiết lộ, Taliban đã tuyên truyền ầm ĩ về việc này. Trên mạng Internet, họ cho rằng “việc cố ý rò rỉ thông tin lãnh đạo Qari Tahir có mặt trong buổi họp là một cái bẫy để trả thù cho Osama bin Laden” nhưng không hề nêu ra một chứng cứ nào để khẳng định “cái bẫy” ấy có thật.

Về phía quân đội Mỹ, hai cuộc điều tra quân sự dựa trên từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của chiếc trực thăng “kẻ chiếm đoạt” 17 - từ lúc cất cánh cho đến lúc bị bắn hạ nhằm xác định sai sót đến từ đâu. Các kết luận sau cùng cho thấy ở chiến trường Afghanistan, khoảng thời gian nguy hiểm nhất của trực thăng là lúc cất cánh và hạ cánh.

Với yếu tố đặc thù là bay chậm và thấp, nó dễ dàng trở thành mục tiêu cho mọi loại súng. Một khẩu RPG được bắn bởi một chiến binh dày dạn kinh nghiệm, tiếp cận mục tiêu ở cự ly gần, cộng với các yếu tố môi trường như tốc độ gió, nhiệt độ đã dẫn đến sự thiệt mạng của 38 người mà 15 người trong số đó đã thành công trong việc tiêu diệt Bin Laden…


Theo Mạnh Quân/US Defence


=============================== 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét