Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

TÌM HIỂU THẾ GIỚI QUANH TA PHẦN I : KỲ QUAN TÂY TẠNG & BÍ ẨN THUẬT HỒI XUÂN CẢI LÃO HOÀN ĐỒNG

 TÌM HIỂU THẾ GIỚI QUANH TA PHẦN I : KỲ QUAN TÂY TẠNG & BÍ ẨN THUẬT HỒI XUÂN CẢI LÃO HOÀN ĐỒNG 

          image

1/ Kỳ quan Potala của người Tây Tạng
          image

        image
Cung điện khổng lồ Potala xứng đáng được coi là một kỳ quan không chỉ của dân tộc Tây Tạng mà còn của toàn nhân loại.

         image
Nằm ở trái tim của thành phố Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, cung điện Potala được coi là viện bảo tàng sống động nhất cho văn hóa Tây Tạng và là biểu tượng quyền lực gắn liền với các đời Tạng Vương và Đạt Lai Lạt Ma.

         image
Đứng bất kỳ hướng nào ở Lhasa, du khách cũng có thể thấy được quần thể lâu đài tráng lệ, nguy nga này.

         image
Potala tọa lạc trên đồi Marpori cao 91m so với mặt bằng thành phố. Đây là ngọn đồi được tin là tượng trưng cho Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara), là 1 trong 3 ngọn đồi thiêng của thủ đô Lhasa.

         image
Tổng thể cung điện Potala cao 117m, từ Đông sang Tây có chiều dài 360m, chiều rộng theo trục Bắc - Nam là 270m. Công trình gồm 13 tầng, bên trong chia thành hơn 1.000 căn phòng nhỏ.

           image 
Vật liệu xây dựng cung điện là gỗ, đá, và bùn. Tường của cung điện dày từ 1m trở lên, có chỗ dày đến 5m, dùng những hòn đá to để khảm vào. Nằm ở độ cao trung bình 3.600m so với mặt nước biển, Potala là cung điện xây dựng ở độ cao ấn tượng nhất thế giới.

          image 
Cung điện Potala gồm 3 khu vực chính: Khu cung thành phía trước núi, khu cung thất trên đỉnh núi – gồm Hồng Cung và Bạch Cung, và khu hồ phía sau núi.

           image
Khu cung thành có 3 cửa Đông, Nam, Tây và 2 vọng gác, là nơi đặt các cơ quan quản lý phục vụ cung như viện in kinh, nơi ở của các quan viên, tăng ni và có cả nhà giam, chuồng ngựa.

           image
Nằm ở đỉnh cung điện Potala là Hồng Cung, quần thể kiến trúc mang tính chất tôn giáo gồm các điện Phật có linh tháp đặt thi thể các Đạt Lai Lạt Ma đã viên tịch và một số sảnh điện khác. Tường hồng cung đắp màu son đỏ mà theo văn hóa người Tạng đó là biểu trưng quyền lực.

           image
Bên phải Hồng Cung là Bạch Cung (White Palace) có tường đá trát đất sét trắng, được người Tạng coi là biểu tượng của hòa bình, cũng là nơi sinh hoạt của các Lạt Ma khi còn tại vị.

          image
Về mặt lịch sử, cung điện Potala được vua Songtsen Gampo cho xây dựng vào năm 637 sau Công nguyên như cột mốc đánh dấu cuộc hôn nhân giữa ông và Công chúa Văn Thành của nhà Đường. Tên cung điện được đặt theo tên của một cung điện huyền bí ở Nam Ấn Độ của Đức Phật bảo trợ Tây Tạng Avalokiteshvara.

          image
Sau khi bị hủy hoại vì những biến động lịch sử vào thế kỷ thứ 9, đến thế kỷ 17, cung điện Potala được Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 Losang Gyatso cho xây dựng lại hoàn toàn với quy mô lớn. Việc xây cất kéo dài trong suốt 50 năm mới hoàn thành.

            image
Từ đó đến nay, cung điện Potala đã may mắn không bị hủy hoại sau nhiều sự kiện lịch sử rối ren như cuộc chiến tranh năm 1959 hay Cách mạng Văn hóa Trung Quốc.
           image
Sau lần đại trùng tu năm 1989-1994, chính phủ Trung Quốc chính thức đưa nơi đây vào khai thác du lịch. Dù vậy du khách chỉ được khám phá một phần rất nhỏ bên trong công trình khổng lồ này, dưới sự giám sát chặt chẽ của camera an ninh. Nhiều căn phòng bị cấm chụp ảnh.

           image
Cổng lớn ở tiền sảnh Bạch Cung trang trí gỗ mun sơn đỏ thắm buộc vải ngũ sắc.

           image
Hai bên cổng là tranh vẽ Tứ Đại Thiên Vương, được xem là tứ tướng hộ pháp của Phật giáo Mật tông – tôn giáo truyền thống của người Tây Tạng. Đây là những kiệt tác vô gia của nghệ thuật Tây Tạng:

           image
Trên những vách tường của các căn phòng đều có các bích họa với những màu sắc rực rỡ. Trong ảnh là căn phòng dành cho các đời Đạt Lai Lạt Ma sinh sống.

          image 
Trên nóc lâu đài có 8 tháp bọc vàng biểu tượng cho mỗi đời Đạt Lai Lạt Ma – lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng.

          image
Có tháp phải dùng đến 9 vạn lượng vàng.

          image
Trong cung điện bài trí hàng nghìn bức tượng to nhỏ – đúc bằng vàng, bạc, đồng... tạo hình rất sinh động. Trong ảnh là tượng Đức Phật Thích Ca bằng vàng ròng (trái) và Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Losang Gyatso bằng bạc (phải), được tạc từ thế kỷ 17.

           image
Trong cung điện Potala còn lưu giữ những Mandala (đàn tràng) bằng đồng được đúc vô cùng tinh xảo cách đây hàng trăm năm. Trong ảnh là một Mandala được điêu khắc trên 170 bức tượng.

           image 
Ven tường bao ngoài dưới chân cung điện là Kora, một con đường với hàng trăm chiếc kinh luân (bánh xe Phật pháp) màu đồng in nổi câu kinh Om Mani Padme Hum xếp dọc theo tường. Những đoàn người Tạng vừa đi vừa đẩy kinh luân xoay theo chiều kim đồng hồ.

           image
Mỗi năm, các tín đồ Phật giáo Tây Tạng đi bộ quanh cung điện Potala ít nhất một lần. Họ phải đi theo chiều kim đồng hồ để lúc nào Thánh điện Potala cũng ở bên tay phải họ, vì đây là phía tốt và may mắn nhất.

           image
Bất chấp sự phát triển của thành phố Lhasa trong những thập niên gần đây, cung điện Potala vẫn nổi bật giữa cảnh quan thành phố với dáng vẻ cổ kính và uy nghiêm của mình.

           image
Ngày nay cung điện Potala đã được UNESCO công nhận là một di sản thế giới, thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế đến tham quan mỗi năm. Công trình này xứng đáng được coi là một kỳ quan không chỉ của dân tộc Tây Tạng mà còn của toàn nhân loại.

         ------------------------------------------------------------------

2/ Bí ẩn thuật hồi xuân Tây Tạng: "Suối nguồn tươi trẻ"

      image
            Một góc Tây Tạng

                Theo baomai.blogspot.com/

Một bí quyết được lưu truyền rộng rãi suốt 70 năm qua, được hàng triệu người thuộc nhiều thế hệ trên khắp thế giới áp dụng và tin rằng, nó giúp họ tìm lại sức sống tràn trề, cơ thể dẻo dai và tinh thần tráng kiện. Đó là 5 thức tập luyện của các Lạt ma Tây Tạng, hay còn được biết đến dưới tên gọi "Suối nguồn tươi trẻ".

Bí quyết 2.500 năm

Suối nguồn tươi trẻ được biết đến lần đầu tiên vào năm 1939, trong cuốn sách "Con mắt khải huyền" của Peter Kelder.

Cuốn sách mở đầu bằng cuộc gặp gỡ tình cờ giữa tác giả và đại tá Bradford, một cựu quân nhân người Anh gần 70 tuổi, lưng còng, tóc bạc, đi lại phải chống gậy.
Vị sĩ quan này kể cho Peter Kelder về ý định đến Ấn Độ tìm một tu viện bí ẩn, nằm ở một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó trong dãy Hymalaya. Theo những câu chuyện truyền tụng của dân du mục, 2.500 năm trước, các Lạt ma ở đây đã tìm ra Suối nguồn tươi trẻ, một bí quyết hồi xuân kỳ diệu.


         image


Cuộc gặp thứ hai diễn ra sau đó 4 năm, khi đại tá Bradford trở về sau chuyến phiêu lưu.

Không còn dấu vết gì của ông lão già nua, mệt mỏi khi trước. Thay vào đó là một người đàn ông trung niên nhanh nhẹn, thần sắc hồng hào, lưng thẳng, mái tóc dày chỉ điểm vài sợi bạc. Suối nguồn tươi trẻ không phải là đồn đại mà hoàn toàn có thật.

Và ngạc nhiên thay, bí quyết màu nhiệm này lại vô cùng đơn giản, chỉ là một bài tập gồm 5 động tác, hay gọi theo cách của các Lạt ma Tây Tạng là 5 thức.

Trong những ấn phẩm được xuất bản sau này dựa trên cuốn sách của Peter Kelder, người ta cho rằng, 7 trung tâm năng lượng mà các Lạt ma nhắc đến chính là 7 luân xa theo quan niệm của y lý học cổ truyền phương Đông. Liên hệ với y học hiện đại phương Tây, các luân xa được một số nhà nghiên cứu coi là đối chứng siêu hình của các tuyến nội tiết, với vị trí và vai trò tương đương.

Cũng theo quan điểm phương Tây, hoạt động của các tuyến nội tiết đóng vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí là chi phối quá trình lão hóa.

Từ sau tuổi 30, hệ nội tiết bắt đầu suy yếu, lượng hormon giảm dần, tác động trực tiếp lên tinh thần và thể chất, gây ra 12 nhóm triệu chứng rối loạn và các bệnh của người già như da nhăn, tóc bạc, mất ngủ, loãng xương...

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, khôi phục sự cân bằng nội tiết có thể làm chậm quá trình lão hóa, trả lại cho cơ thể nhiều trạng thái của tuổi thanh xuân. Như vậy, tư tưởng chủ đạo của 5 thức tập Suối nguồn tươi trẻ xuất phát từ phương Đông cũng phù hợp với tinh thần của các nghiên cứu khoa học phương Tây. 

70 trẻ lại thành 40?

Trong cuốn "Con mắt khải huyền", 5 thức tập của các Lạt ma đã giúp đại tá Bradford trẻ lại đến mức những người mới biết ông sau chuyến viễn du đến Tây Tạng đều nghĩ rằng vị sỹ quan này chỉ khoảng 40, trong khi tuổi thực của ông lúc đó đã là 73.

Qua lời kể của đại tá Bradford, người ta còn biết rằng, khi ở tu viện, ông đã gặp một người phương Tây cũng học Suối nguồn tươi trẻ. Người này đã ngoài 50, nhưng ngoại hình chỉ khoảng 35 và phong thái thì trẻ trung như một thanh niên mới 25 tuổi.

Hiệu quả hồi xuân của Suối nguồn tươi trẻ còn được khẳng định qua nhiều phản hồi từ người tập. Có người cho biết, họ trông trẻ ra đến cả chục tuổi chỉ sau hơn 1 năm tập ,Suối nguồn tươi trẻ. Người khác tiết lộ, nhờ 5 thức tập mà mái tóc của họ mọc dày đen trở lại khi đã ở lứa tuổi ngoài 70.

Trên các diễn đàn sức khỏe, không khó để tìm thấy những lời ca ngợi tác dụng kỳ diệu của Suối nguồn tươi trẻ như sáng mắt, đẹp da, cải thiện trí nhớ, bệnh tật thuyên giảm.

Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, hiệu quả của 5 thức tập đã được đề cao quá mức. Carolinda Witt, một chuyên gia nổi tiếng về Suối nguồn tươi trẻ tại Australia cho biết, trong hàng trăm học viên mà bà đã trực tiếp giảng dạy, chỉ duy nhất một người "nghĩ rằng" tóc mình đen trở lại sau khi tập 5 thức này. Không ai nhờ Suối nguồn tươi trẻ mà trẻ lại 20 - 30 tuổi. Các nếp nhăn cũng không vì thế mà biến mất.

Theo kinh nghiệm cá nhân của Carolinda Witt, những lợi ích thực tế của Suối nguồn tươi trẻ bao gồm: sinh lực dồi dào; tinh thần minh mẫn, an nhiên, thư thái; cơ bắp săn chắc; ngủ tốt; thở sâu; sức khỏe toàn diện nâng cao, ít ốm vặt; vóc dáng trẻ trung, linh hoạt; giảm cân; cải thiện sinh hoạt vợ chồng. Tuy không đến mức thần diệu, song những kết quả này cũng là rất ấn tượng đối với một bài tập mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện chỉ trong 10 phút mỗi ngày. 

Bí ẩn và kỳ lạ

Khi "Con mắt khải huyền" được xuất bản, Peter Kelder là một tác giả hoàn toàn vô danh cả trong giới nghiên cứu lẫn giới văn chương. Và cho đến nay, người ta vẫn hầu như không biết gì về ông.

Bức màn bí ẩn cũng bao phủ thân phận của đại tá Bradford, người được coi là có công đưa Suối nguồn tươi trẻ đến với thế giới hiện đại. Mặc dù Peter Kelder luôn khẳng định nhân vật này có thật, song nhiều người đã từng đọc tác phẩm của ông cho rằng, vị sĩ quan có thể chỉ là hư cấu, được tạo ra để tăng tính khách quan, cũng như sự ly kỳ, hấp dẫn của câu chuyện.

Nguồn gốc của 5 thức tập cũng là điều gây tranh cãi. Suối nguồn tươi trẻ chưa từng được các Lạt ma Tây Tạng công nhận là bí quyết mà các vị tổ sư của họ sáng tạo ra. Người ta cũng chưa tìm thấy tu viện đã truyền dạy Suối nguồn tươi trẻ cho đại tá Bradford. Thông tin trong cuốn sách của Peter Kelder quá sơ sài.

Hơn nữa, qua thăng trầm lịch sử, nhiều tu viện Phật giáo Tây Tạng đã trở thành hoang phế, nên việc tìm kiếm nơi phát tích của bí quyết hồi xuân này càng khó khăn, thậm chí là không thể. 

Lưu ý trước khi bắt đầu luyện tập 5 thức tập Suối nguồn tươi trẻ

Có một số điểm khác biệt nhỏ giữa 5 thức tập Suối nguồn tươi trẻ được giới thiệu trong sách của các nhà xuất bản khác nhau.

Các hướng dẫn dưới đây được trích nguyên văn từ cuốn "Con mắt khải huyền" xuất bản lần đầu tiên vào năm 1939.

1.  Đứng thẳng, 2 tay dang ngang bằng vai. Sau đó xoay tròn theo chiều từ trái sang phải cho đến khi cảm thấy hơi chóng mặt.

        image



Lưu ý: Khi mới tập, hầu hết mọi người chỉ xoay được nhiều nhất khoảng 6 lần là cảm thấy chóng mặt. Khi đó, nên ngừng tập, nằm hoặc ngồi nghỉ để cơn chóng mặt qua đi.

Không nên cố gắng quá sức, vì ngay cả những người thể lực tốt và người thường xuyên tập yoga cũng có thể phải mất đến 6 tháng mới xoay được đủ 21 lần.


image


Một số mẹo giảm chóng mặt, buồn nôn:

- Trước khi tập, không nên ăn no hoặc dùng đồ uống có cồn. Nên uống một chút nước nóng có thả một lát gừng tươi hoặc một chén trà bạc hà.

- Sau khi tập, nếu thấy chóng mặt nhiều có thể dùng ngón cái bấm huyệt Nội quan trong khoảng 1-2 phút. Huyệt này nằm ở trên nếp gấp khớp cổ tay 2 đốt ngón tay, trong khe giữa gân của 2 cơ nổi rõ khi gấp bàn tay vào cẳng tay và nghiêng bàn tay vào trong.

2.  Nằm ngửa, thẳng người trên sàn, 2 tay đặt xuôi theo thân mình, lòng bàn úp, ngón tay chụm lại, đầu các ngón tay của 2 bàn tay hơi hướng vào nhau.


                        image


                        image      
  
Nâng đầu lên, đồng thời nhấc 2 chân lên cho đến khi tạo thành đường thẳng đứng. Nếu có thể, hãy vươn 2 chân về phía đầu, nhưng vẫn phải giữ 2 đầu gối thẳng.
Sau đó từ từ thả đầu và 2 chân xuống sàn, nghỉ một chút cho các cơ bắp được thư giãn rồi lặp lại thức này.


Lưu ý: Trong một số sách về Suối nguồn tươi trẻ được biên tập lại và tái bản sau này, người tập được khuyên nên hít vào thật sâu khi nhấc đầu và 2 chân lên, sau đó thở ra toàn bộ khi hạ đầu và chân xuống.


3.  Quỳ trên sàn, thân mình thẳng, hai tay buông xuôi, bàn tay đặt vào sau đùi. Ngả đầu và cổ về phía trước càng xa càng tốt, đồng thời đầu cúi xuống sao cho cằm tựa trên ngực.
                                image
Tiếp đó, ngửa ra phía sau càng xa càng tốt, đầu ngả xuống thật thấp. Trở về tư thế ban đầu và tiếp tục lặp lại thức này.
                          image
Lưu ý: Trong một số tài liệu, người tập được khuyên nên hít vào thật sâu khi ngửa ra sau và thở ra khi trở về tư thế thẳng người.


Những người bị bệnh về xương khớp không nên cố gắng quá mức khi thực hiện động tác ngửa về sau. Nếu thấy chóng mặt do thiếu oxy não khi động mạch đốt sống bị chèn ép thì không nên ngả đầu quá thấp về phía sau.

4.  Ngồi trên sàn, 2 chân duỗi thẳng về phía trước, bàn chân cách nhau khoảng 20cm; 2 tay xuôi theo thân mình, lòng bàn tay úp trên sàn, cạnh mông; đầu hơi cúi sao cho cằm ngã trên ngực.

                     image.
      
                     image                   

Tiếp đó, ngã đầu ra sau càng xa càng tốt, rồi nâng thân mình lên trong khi đầu gối gập lại sao cho 2 cẳng chân từ đầu gối trở xuống thẳng đứng, 2 cánh tay cũng thẳng đứng, còn phần thân từ vai đến đầu gối nằm ngang, song song với sàn nhà. Trở về tư thế ngồi và thư giãn một chút trước khi lặp lại các động tác của thức này. 

  Lưu ý: Trong một số tài liệu, người tập được khuyên nên hít sâu khi nâng người lên và thở ra khi hạ người xuống.                     

5.  Chống 2 tay xuống sàn, bàn tay cách nhau khoảng 60cm, khom người, duỗi 2 chân về phía sau, bàn chân cũng cách nhau 60cm. Đẩy thân mình, đặc biệt là phần hông lên cao nhất có thể, tạo thành hình chữ V úp ngược, trọng lượng cơ thể dồn lên bàn tay và các ngón chân.

Đầu hơi cúi để cằm tựa lên ngực. Sau đó, cong cột sống, hạ thấp thân mình sao cho cơ thể võng xuống. Đồng thời ngóc đầu lên, để nó ngả ra sau càng xa càng tốt. Tiếp tục đẩy hông lên cao để lặp lại thức này. 

                       image.

     Lưu ý: Trong một số tài liệu, thức này được hướng dẫn theo trình tự ngược lại. Đầu tiên, chống tay, cong cột sống để cơ thể võng xuống. Sau đó mới nâng hông lên cao để tạo thành chữ V ngược.

Để đạt hiệu quả, nên tập đều đặn, mỗi ngày 21 lần cho một thức. Khi mới bắt đầu, trong tuần lễ thứ nhất, chỉ nên tập mỗi thức 3 lần trong một ngày. Sau đó, cứ mỗi tuần tiếp theo tăng thêm 2 lần tập cho một thức.

Cứ như vậy cho đến tuần thứ 10, bạn sẽ tập đủ 21 lần mỗi thức trong một ngày. Nếu có sức khỏe tốt, bạn sẽ chỉ mất 10 phút mỗi ngày cho cả 5 thức. Khi thư giãn giữa các thức, nên đứng thẳng, tay chống vào hông và thở sâu 1, 2 nhịp.

Sau khi tập, nên lau người bằng khăn ẩm, sau đó lau lại bằng khăn khô. Cũng có thể tắm bằng nước mát hoặc nước ấm. Tuyệt đối không được tắm bằng nước lạnh hoặc lau bằng khăn lạnh, vì như vậy bài tập sẽ mất tác dụng. 

Bất chấp mọi mơ hồ, hoài nghi và tranh cãi, bất chấp việc chưa từng được kiểm chứng bởi các nghiên cứu khoa học, 5 thức tập Suối nguồn tươi trẻ vẫn cho thấy một sức thu hút đặc biệt. Cuốn sách của Peter Kelder được chính tác giả tái bản một lần vào năm 1946.     
                
Từ đó cho đến nay, nó đã được một số nhà xuất bản biên soạn lại và tái bản nhiều lần dưới những tên gọi khác nhau. Trong 70 năm qua, hàng triệu bản sách bằng gần 40 ngôn ngữ đã mang 5 thức tập đi khắp thế giới.

Nguyễn-kim Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét